Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường làm việc với lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang (21-12-2018)

Ngày 18/12, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường làm việc với lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang

Dự buổi làm việc về phía tỉnh Tuyên Quang có ông Chẩu Văn Lâm, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Phạm Minh Huấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh; ông Nguyễn Đình Quang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở NN&PTNT. Về phía Bộ NN&PTNT có Thứ trưởng thường trực Hà Công Tuấn, thứ trưởng Phùng Đức Tiến, đại diện các đơn vị Tổng cục Thủy sản, Tổng cục Lâm nghiệp, Cục Chăn nuôi… 

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Minh Huấn báo cáo tình hình phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới của tỉnh thời gian qua. Tuyên Quang có tổng diện tích đất tự nhiên 586.790 ha, trong đó đất nông nghiệp 540.404 ha với đất nuôi trồng thủy sản là 3.388 ha. Thủy sản được chuyển dịch mạnh sang nuôi cá đặc sản hàng hóa bằng lồng trên sông, hồ thủy điện. Năm 2017, tỷ trọng giá trị cá đặc sản trên tổng giá trị sản phẩm thủy sản chiếm 11,9% (tăng 7,61% so với năm 2013). Diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản trên 11.000 ha; sản lượng thủy sản trên 7.250 tấn. Hiện, tỉnh Tuyên Quang có 02 cơ sở nuôi trồng thủy sản, thực hiện kiểm soát theo chuỗi, được Bộ NN&PTNT đưa vào danh sách địa chỉ xanh cung cấp thực phẩm sạch. Sản phẩm cá  Lăng được bình chọn danh hiệu Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam.

Trong thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang sẽ xây dựng và thực hiện Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nông lâm sản và thủy sản trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2020, tỉnh Tuyên Quang đặt mục tiêu nâng tỷ trọng cá đặc sản chiếm 25% tổng giá trị sản xuất thủy sản.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm kiến nghị với Bộ NN&PTNT phê duyệt 3 dự án trọng điểm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang, gồm: Dự án lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao nâng cao năng suất, giá trị rừng trồng; Dự án xây dựng Trung tâm sản xuất, cung ứng giống trâu và liên kết chăn nuôi trâu thịt hàng hóa tỉnh Tuyên Quang; Dự án phát triển giống cá đặc sản tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2019-2025, trong đó tỉnh Tuyên Quang đề nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ đầu tư xây dựng mới 02 hệ thống sinh sản nhân tạo các loài cá đặc sản và hệ thống ương dưỡng cá giống tại 02 trại cá của tỉnh; mua mới đàn cá bố mẹ (cá Anh vũ, cá Bỗng, cá Chiên, cá Lăng chấm, cá Rầm xanh) để lưu giữ và phát triển công nghệ sản xuất giống cá đặc sản; xây dựng 03 cụm ương dưỡng cá đặc sản bằng nuôi trong lồng trên sông, hồ thủy điện; thực hiện các dự án nuôi thử nghiệm các loài cá bản địa quý hiếm có giá trị kinh tế cao; đào tạo, nâng cao năng lực nuôi trồng thủy sản; xây dựng nhãn hiệu sản phẩm cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình nuôi trồng cá đặc sản trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết Tuyên Quang có tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản nhưng chưa được khai thác hết. Đề xuất của tỉnh Tuyên Quang về phát triển giống cá đặc sản rất phù hợp với giai đoạn hiện nay. Đối với 5 loại cá đặc sản của tỉnh Tuyên Quang, các Viện Nghiên cứu đã nghiên cứu và sản xuất thành công giống của 4 loại là cá Chiên, cá Lăng chấm, cá Bỗng và cá Anh vũ. Năm 2018, tỉnh Tuyên Quang đã sản xuất được 35.000 con giống, tuy nhiên chưa đủ cung cấp con giống đáp ứng nhu cầu tại tỉnh Tuyên Quang. Về đề xuất hỗ trợ kỹ thuật sinh sản nhân tạo các loài cá đặc sản, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1 đã có đề tài nghiên cứu cấp Bộ, cấp Nhà nước nghiên cứu bước đầu thành công. Ông Nguyễn Quang Hùng đề xuất Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1 tiếp tục hoàn thiện quy trình và sản xuất quy mô lớn trên cơ sở nâng cấp cơ sở hạ tầng các trại sản xuất giống tại tỉnh Tuyên Quang. Với kết quả ban đầu đã đạt được cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học công nghệ, việc sản xuất con giống sẽ thành công, con giống đạt được tỷ lệ sống cao, đáp ứng được nhu cầu nuôi thủy sản tại tỉnh Tuyên Quang và một số tỉnh lân cận.

Theo Ông Nguyễn Quang Hùng, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia có thể triển khai thí điểm mô hình nuôi các loài đặc sản trên các sông, hồ tại tỉnh Tuyên Quang. Tổng cục Thủy sản sẽ tiếp tục phối hợp với tỉnh Tuyên Quang rà soát quy hoạch, tránh tình trạng nuôi ồ ạt, gây ảnh hưởng đến môi trường. Cần rà soát các vùng có tiềm năng nuôi các loài cá đặc sản, xây dựng quy hoạch phát triển các vùng nuôi các loài cá đặc sản. Ngoài ra, cần có chương trình quan trắc môi trường để đánh giá tác động môi trường các vùng nuôi.   

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đồng ý với các kiến nghị của tỉnh Tuyên Quang và giao các cơ quan, đơn vị của Bộ NN&PTNT phối hợp với tỉnh Tuyên Quang triển khai trong thời gian tới.

NN

Ý kiến bạn đọc

Tin khác