Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam (21-12-2018)

Ngày 18/12, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP), Bộ Xây Dựng và Ủy ban Nhân dân (UBND) các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Cà Mau tổ chức Hội thảo về Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” năm 2018. 
Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam

Đây là Dự án đầu tiên được Quỹ Khí hậu xanh (GCF) tài trợ với sự hỗ trợ của UNDP và thực hiện trong 5 năm (2017-2021). Mục tiêu của dự án là tăng khả năng chống chịu của các cộng đồng dễ bị tổn thương vùng ven biển trước các tác động liên quan đến biến đổi khí hậu ở Việt Nam, thông qua: nhà ở an toàn cho các cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương do bão lụt ngày càng gia tăng; tăng mạnh tỉ lệ che phủ rừng ngập mặn cung cấp khu đệm tự nhiên giữa biển và các cộng đồng ven biển; thông tin rủi ro khí hậu đáng tin cậy giúp hướng dẫn lập kế hoạch được thông tin rủi ro và chống chịu với biến đổi khí hậu.     

Theo ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT, Giám đốc dự án, năm 2018 dự án đã hỗ trợ các tỉnh xây dựng 1.092 ngôi nhà an toàn chống bão lũ; hỗ trợ trồng và phục hồi được 199,46 ha rừng ngập mặn. Việc này cơ bản tháo gỡ khó khăn về xác định diện tích và đơn giá trồng, phục hồi rừng ngập mặn thông qua lồng ghép với các chương trình, dự án hiện có của Chính phủ, đồng thời đề xuất một số mô hình sinh kế tiềm năng giúp cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng do tác động của trồng và phục hồi rừng ngập mặn; hỗ trợ và thực hiện 10 khóa tập huấn TOT (Trung ương, vùng, và cấp tỉnh) và 100 khoá tập huấn TOF (cấp xã).

Bà Caitlin Wiesen, Quyền Trưởng Đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam ghi nhận sự tham gia tích cực của Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT, Bộ Xây dựng trong việc hỗ trợ tăng cường khả năng chống chịu thiên tai tại các tỉnh thông qua các hoạt động của dự án. Có thể nói năm 2018 là năm thành công của Dự án, việc giải ngân vốn đối ứng cho các đối tượng hưởng lợi trong hợp phần xây dựng nhà chống chịu với tác động của biến đổi khí hậu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.   

Đề cập đến những kế hoạch năm 2019, ông Vũ Thái Trường, Quản lý dự án của UNDP cho biết Dự án sẽ tập trung hỗ trợ xây dựng nhà an toàn chống bão lụt cho 1.380 hộ dân tại 5 tỉnh của dự án; rà soát và phê duyệt danh sách hộ hưởng lợi năm 2019 và 4.000 hộ cho toàn dự án; tổ chức các hoạt động truyền thông và cuộc thi mẫu thiết kế nhà an toàn; xây dựng hệ thống giám sát nhà an toàn chống bão lụt; đề xuất chương trình mới về nhà an toàn chống bão lụt tại 28 tỉnh ven biển. Cùng với đó, Dự án sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu rừng ven biển Việt Nam và triển khai các phương án để liên kết dữ liệu rừng ngập mặn vào trang Web: climaterisk.org.vn; hỗ trợ triển khai các hoạt động sinh kế và kế hoạch lồng ghép giới; hỗ trợ các hoạt động giám sát rừng ngập mặn, và các hoạt động truyền thông liên quan đến rừng ngập mặn.

NN

Ý kiến bạn đọc

Tin khác