Đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường các tháng cuối năm và Tết Nguyên đán (11-12-2018)

Ngày 10/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) có buổi làm việc với Bộ Công Thương bàn về các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, góp phần ổn định thị trường giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm các tháng cuối năm và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam chủ trì buổi làm việc. Tham dự buổi làm việc, về phía Bộ NN&PTNT có đại diện Tổng cục Thủy sản, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Cục Trồng trọt, Cục Chăn nuôi và Cục Thú y; về phía Bộ Công Thương có Vụ Thị trường trong nước và Cục Xuất nhập khẩu.
Đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường các tháng cuối năm và Tết Nguyên đán

Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị tham gia đã đưa ra những đánh giá về cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu năm 2018 và dự báo xu hướng biến động các mặt hàng nông sản thực phẩm trong thời gian tới. Theo ông Trần Văn Công, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT, đối với mặt hàng lúa gạo, sản lượng gạo hàng hóa xuất khẩu chủ yếu tập trung ở các tỉnh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), các vùng khác chủ yếu tiêu thụ nội địa. Đánh giá, sản lượng lúa gạo trong năm 2018 hoàn toàn có thể đáp ứng các hợp đồng xuất khẩu đã ký và đáp ứng nhu cầu trong nước.

Theo Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, nguồn cung các sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là mặt hàng thịt lợn hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu trong nước. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ NN&PTNT tăng cường kiểm tra việc vận chuyển, kinh doanh mặt hàng thịt lợn và các mặt hàng nông sản, thực phẩm khác nhằm đảm bảo nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh xâm nhiễm vào Việt Nam.

Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết: Tổng sản lượng thủy sản năm 2018 ước đạt 7,5 triệu tấn; đến hết tháng 11/2018, tổng sản lượng thủy sản là 6,9 triệu tấn. Sản lượng các loại thủy sản như tôm, cá tra, cá trắm, chép, nheo, rô phi đều rất dồi dào, hoàn toàn có thể đảm bảo nhu cầu cho các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán.    

Ông Trần Văn Công cho biết để đảm bảo nguồn cung, cần thực hiện các giải pháp như: Tích cực triển khai các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất của ngành nông nghiệp; Chỉ đạo các địa phương chuẩn bị gieo cấy lúa Đông Xuân đảm bảo khung thời vụ tốt nhất, đảm bảo đủ nước và bón phân kịp thời để lúa sinh trưởng tốt, có kế hoạch chuyển từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây rau màu vụ xuân; Tăng cường phối hợp với các địa phương trong công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và trên hoa màu, không để tình trạng dịch bệnh lây lan trên diện rộng ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm; Thường xuyên cập nhật thị trường và nắm sát nguồn cung sản phẩm chăn nuôi (nhất là mặt hàng thịt lợn), lương thực, thực phẩm trong nước để chỉ đạo sản xuất, đảm bảo đủ nguồn cung sản phẩm chăn nuôi cho nhu cầu trong nước từ nay đến cuối năm, nhất là cho Tết Kỷ Hợi; Tổ chức các đoàn công tác làm việc với các tỉnh miền núi phía Bắc và khu vực Bắc Trung Bộ nhằm tăng cường chỉ đạo các địa phương triển khai tích cực các biện pháp phòng, chống đói rét cho đàn gia súc, gia cầm, rau trong vụ Đông Xuân 2018 – 2019, đồng thời ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam; Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị truyền thông, báo đài để kịp thời cung cấp thông tin, định hướng thị trường nhằm ổn định, phát triển sản xuất; tuyên truyền các giải pháp chống thiên tai, dịch bệnh trên đàn vật nuôi, rau, trái cây.

Để đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường phục vụ Tết Nguyên đán 2019, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu triển khai một số công việc như: Chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, quản lý thị trường, giám sát hoạt động của thương lái, các nhà cung cấp lớn, các đơn vị phân phối lớn để điều tiết các mặt hàng phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; Chỉ đạo, phối hợp với các địa phương, các cơ quan, lực lượng quản lý chuyên ngành tại biên giới tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát vấn đề nhập lậu, gian lận thương mại; chủ động phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều điểm bán hàng bình ổn giá đối với các mặt hàng phục vụ tiêu dùng trong dịp Tết Kỷ Hợi 2019, đặc biệt là ở vùng nông thôn, miền núi đặc biệt khó khăn; Chủ động công tác thông tin, tuyên truyền đầy đủ, kịp thời và sát thực tế về nguồn cung và giá cả các mặt hàng thực phẩm, đảm bảo không có hiện tượng đầu cơ trục lợi.

NN

 

Ý kiến bạn đọc

Tin khác