Hội nghị trực tuyến về một số nhiệm vụ cấp bách để khắc phục cảnh bảo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác bất hợp pháp IUU (03-08-2018)

Sáng 03/8 tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh bảo của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (Chỉ thị số 45).
Hội nghị trực tuyến về một số nhiệm vụ cấp bách để khắc phục cảnh bảo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác bất hợp pháp IUU

Hội nghị nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được trong quá trình triển khai, thực hiện Chỉ thị số 45, đồng thời đưa ra các biện pháp hiệu quả hơn để đáp ứng các khuyến nghị của EC về khai thác bất hợp pháp (IUU), giúp sớm tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng” cho Thủy sản Việt Nam. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến, với sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương (tại đầu cầu Hà Nội) cùng lãnh đạo 28 tỉnh ven biển tham dự qua cầu truyền hình. Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì Hội nghị.

Ngày 23/10/2017, EC cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam với lý do một bộ phận nghề cá (khai thác) của nước ta còn vi phạm các quy định chống khai thác bất hợp pháp, còn xảy ra hiện tượng tàu cá xâm phạm ngư trường của một số quốc đảo tại khu vực Thái Bình Dương, đặc biệt chưa đáp ứng được các quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm hải sản khai thác của EC.

Ngay sau khi bị cảnh báo thẻ vàng, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đã khẩn trương tập trung chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác bất hợp pháp, trong đó phải kể đến việc xây dựng và thông qua Luật Thủy sản 2017 và các văn bản chỉ đạo tổng thể từ Chính phủ tới các tỉnh, thành, các hiệp hội ngành hàng có liên quan. Chỉ thị số 45 được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 13/12/2017 đã thể hiện rõ nội hàm, bao quát các công việc cần triển khai cho từng nhóm đối tượng trong việc thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp.  Cùng với đó, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị 45, song song với đó, tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc, làm việc với phái bộ EU và các quốc gia có liên quan về việc triển khai các biện pháp nhằm hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng khai thác bất hợp pháp, tháo dỡ thẻ vàng.

Nhìn chung, đã có những bước tiến vượt bậc được ghi nhận trong việc triển khai Chỉ thị 45/CT-TTg như từ sau khi bị cảnh báo thẻ vàng, tình trạng xâm phạm vùng biển của các quốc đảo Thái Bình Dương đã không còn tái diễn; công tác kê khai chỉ dẫn xuất xứ đối với sản phẩm hải sản khai thác đã có nhiều chuyển biến; công tác tuyên truyền, giáo dục ngư dân tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam và các nước láng giềng đã được chú trọng. Tuy nhiên, các kết quả đạt được còn chưa toàn diện. Hiện tượng vi phạm vẫn còn xảy ra tại vùng biển phía Nam; công tác quản lý tàu cá, thuyền viên, cảng cá còn nhiều hạn chế. Theo kết luận đưa ra sau chuyến kiểm tra của phái đoàn EC diễn ra hồi tháng 5/2018 cho thấy, phía EC ghi nhận các cố gắng của Việt Nam trong việc khắc phục, tháo dỡ thẻ vàng, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu do phía EC đưa ra. Đặc biệt, trong quá trình kiểm tra thực tế, còn phát hiện nhiều bất cập trong việc quản lý và triển khai các quy định về khai báo nhật trình, ghi chép chuyến biển, nhật ký khai thác tại các địa phương đoàn đến kiểm tra.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các biện pháp tháo gỡ thẻ vàng EC,  ghi nhận các ý kiến đưa ra tại hội nghị, trong đó có những ý kiến rất xác đáng về những khó khăn còn tồn tại trong công tác quản lý nghề cá hiện nay.

Theo Phó thủ tướng, Chính phủ trong thời gian qua đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích các lĩnh vực kinh tế phát triển, đặc biệt là các chính sách khuyến khích hoạt động khai thác trên biển, kết hợp khai thác với bảo vệ tài nguyên và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Tuy nhiên, do còn nhiều hạn chế xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan và khách quan như nghề cá nhân dân còn nhỏ lẻ, manh mún, tự phát, chưa được tổ chức quy củ, nhận thức của ngư dân còn nhiều hạn chế dẫn tới tình trạng vi phạm còn diễn ra dưới nhiều hình thức, đặc biệt là các hình thức khai thác hủy diệt còn tồn tại, gây ra nhiều hệ lụy nặng nề không chỉ ảnh hưởng tới đời sống và sinh kế người dân, tới môi trường và nguồn lợi thủy sản mà còn tác động tiêu cực tới hình ảnh của thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế, gây ra hệ lụy không nhỏ tới sự phát triển kinh tế đất nước nói chung, xuất khẩu thủy hải sản nói riêng. Do đó, cần nhanh chóng có các biện pháp quyết liệt, hiệu quả hơn nhằm tháo gỡ thẻ vàng EC.

Để làm được điều này, Chính phủ, các bộ, ban, ngành, địa phương phải xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu, coi đây là cơ hội nhằm thực hiện sắp xếp lại ngành khai thác của nước ta, tiến hành tái cấu trúc ngành thủy sản, phát triển đồng đều giữa khai thác và nuôi trồng, đặc biệt chú trọng phát triển nuôi biển, nhằm đạt được mục tiêu giải quyết vấn đề lao động và việc làm cho ngư dân, đảm bảo thu nhập và đời sống nhân dân, nhất là bộ phận ngư dân được cải thiện. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền, kêu gọi được sự tham gia, ủng hộ của người dân, đặc biệt là ngư dân trong việc thực hiện các quy định, chính sách theo quy định của luật pháp Việt Nam và quốc tế.

Phó thủ tướng yêu cầu cần triển khai có hiệu quả các khuyến nghị của EC, nhanh chóng tháo gỡ thẻ vàng, hướng tới xây dựng một ngành khai thác hải sản hiện đại, bền vững, tuân thủ các nguyên tắc quốc tế, gắn khai thác với bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ môi trường và nguồn lợi hải sản bền vững.

Hương Trà

Ý kiến bạn đọc

Tin khác