Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm ngành thủy sản (05-07-2018)

Ngày 4/7/2018, tại Hà Nội, Tổng cục Thủy sản đã tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Ngọc Oai.
Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm ngành thủy sản

Theo báo cáo tại Hội nghị, 6 tháng đầu năm 2018, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 3.561 nghìn tấn; trong đó, sản lượng khai thác 1.767 nghìn tấn, sản lượng nuôi trồng 1.793 nghìn tấn (bao gồm: sản lượng tôm sú 106 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng 152 nghìn tấn. Sản lượng cá tra 643 nghìn tấn). Kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 4.026 triệu USD.

So với cùng kỳ năm 2017, tổng sản lượng thủy sản tăng 5,7%; trong đó sản lượng khai thác tăng 5,0%, sản lượng nuôi trồng tăng 6,4% (tôm nước lợ tăng 10,7%%, trong đó tôm sú tăng 5,8%, tôm thẻ tăng 14,5%; cá tra tăng 9,9%); kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng 12,9%.

So với chỉ tiêu kế hoạch 6 tháng đầu năm 2018, tổng sản lượng đạt 102%, trong đó sản lượng khai thác đạt 104,6%, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 99,6% (tôm nước lợ đạt 123,0%, trong đó tôm sú đạt 88,6%, tôm thẻ chân trắng 168,8%; cá tra đạt 117%). Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 89,5%. So với chỉ tiêu kế hoạch cả năm, tổng sản lượng lũy kế ước 6 tháng đạt 47,4%, trong đó sản lượng khai thác đạt 50,4%, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 44,7% (tôm nước lợ đạt 34,8%, trong đó tôm sú đạt 39,4%, tôm thẻ chân trắng đạt 32,1%; cá tra đạt 51,4%). Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 40,3%.

Đối với lĩnh vực khai thác, Tổng cục Thủy sản đã thực hiện kiểm tra an toàn kỹ thuật tàu cá, tàu Kiểm ngư, tàu tuần tra tại các tỉnh với tổng số tàu kiểm tra an toàn kỹ thuật hàng năm là 520 tàu; tổ chức kiểm tra, giám sát các cơ sở đóng tàu và hướng dẫn các địa phương thực hiện duy tu, sửa chữa tàu cá vỏ thép. Tính đến ngày 31/5/2018, tổng số tàu cá trên toàn quốc là 108.504 tàu cá (giảm 1.158 tàu so với năm 2017). Trong đó, tàu có công suất <90CV là 70.437 chiếc, tàu có công suất từ 90-<400CV có 20.231  chiếc, tàu có công suất từ 400CV trở lên có 17.836 chiếc. Tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên có 25.000 chiếc. Số lượng tàu cá trên toàn quốc tiếp tục giảm theo quy hoạch; số tàu nghề lưới vây tăng 13,7%, nghề câu, chụp tăng 10%, số tàu cá nghề lưới kéo giảm 2% so với năm 2017.

Về việc đóng mới, nâng cấp tàu thuyền khai thác theo Nghị định 67, tính đến ngày 31/5/2018, toàn quốc đã có 835 tàu cá được đóng mới đi vào hoạt động (700 tàu khai thác hải sản, 135 tàu dịch vụ hậu cần); trong đó: tàu cá vỏ thép là 322 chiếc, tàu vật liệu mới là 95 chiếc, tàu vỏ gỗ là 418 chiếc. Nhìn chung, tàu cá đóng mới, nâng cấp theo Nghị định 67 sau khi hạ thủy đi vào hoạt động đã đạt hiệu quả rõ rệt, tăng thời gian bám biển, năng suất khai thác tăng từ 20- 30%.

Đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, cụ thể là tôm nước lợ, 6 tháng đầu năm, sản lượng tôm nước lợ đạt 258 nghìn tấn (tăng 10,7%); trong đó sản lượng tôm sú 106 nghìn tấn (tăng 5,8%), tôm thẻ chân trắng 151 nghìn tấn (tăng 14,5%); Kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ đạt 1.486 triệu USD (tăng 8,0%); trong đó xuất khẩu tôm thẻ chân trắng đạt 1.085 triệu USD (tăng 12,8%), tôm sú đạt 401 triệu USD (bằng 97% so với cùng kỳ năm 2017).

Đối với cá tra, 6 tháng đầu năm, sản lượng cá tra đạt 643,5 nghìn tấn (tăng 9,9%); kim ngạch xuất khẩu đạt 1.009 triệu USD (tăng 20,7%) so cùng kỳ năm 2017. Các đối tượng cá nuôi truyền thống phát triển bình thường. Trong đó cá rô phi, nhuyễn thể, tôm hùm và cá biển tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh phát triển. So với kế hoạch tăng trưởng ngành, diện tích, sản lượng tôm càng xanh, tôm hùm, cá rô phi, nhuyễn thể, cá biển, rong tảo biển dự kiến sẽ đạt các chỉ tiêu đã đề ra năm 2018.

Tổng cục Thủy sản đề ra chỉ tiêu tổng sản lượng thủy sản 6 tháng cuối năm là 3.956,9 nghìn tấn (trong đó 1.739,4 tấn thủy sản khai thác, 2.217,5 tấn thủy sản nuôi trồng) và 5.974,1 triệu USD kim ngạch xuất khẩu.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành thủy sản trong 6 tháng vừa qua, đồng thời cho rằng những kết quả này là sự kế thừa, sự nỗ lực của toàn ngành thủy sản trong nhiều năm trước. Với những kết quả đạt được, Bộ trưởng tin tưởng rằng mục tiêu xuất khẩu thủy sản 9-10 tỷ USD trong năm 2018 hoàn toàn có thể thực hiện.

Đánh giá về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng cho rằng ngành thủy sản còn phải thực hiện nhiều nhiệm vụ lớn, đồng thời phải đối mặt với thiên tai khi mùa mưa bão tới. Do đó, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị Tổng cục Thủy sản tập trung thực hiện một số nhiệm vụ như:

Về khai thác, cần rà soát lại các thiết chế hạ tầng, quy hoạch, kế hoạch và đưa ra những kiến nghị nhằm mục tiêu phát triển nghề cá bền vững. Đánh giá tổng thể năng lực cụ thể của tàu thuyền đánh bắt theo Nghị định 67. Rà soát lại kết quả điều tra nguồn lợi thủy sản, về ngư trường, về luồng cá di cư, đưa ra kịch bản bổ sung điều tra trong giai đoạn tới. Rà soát đánh giá năng lực chế biến, công nghệ chế biến, nhằm mục tiêu nâng cao giá trị sản phẩm, giá trị gia tăng của sản phẩm hải sản. Nghiên cứu, phát triển thị trường xuất khẩu bên cạnh tập trung đẩy mạnh thị trường nội địa. Đồng thời hoàn thiện chiến lược nuôi biển, xây dựng đề án thí điểm trong năm 2019-2020, tiến tới một nghề nuôi biển căn cơ, bài bản, có quy trình.

Về nuôi trồng thủy sản, tập trung giải quyết vấn đề thức ăn chăn nuôi (thức ăn nhân tạo), tuyên truyền, tổng kết các mô hình nuôi công nghệ cao, chủ động về vấn đề con giống, ổn định vùng nuôi. Đối với sản xuất cá tra, Bộ trưởng nhấn mạnh Trung Quốc là thị trường tiêu thụ cá tra căn cốt nhưng có nguy cơ đối với xuất khẩu tiểu ngạch, vì vậy cần nghiên cứu để Trung Quốc trở thành thị trường chính ngạch đối với xuất khẩu cá tra của Việt Nam.

Về việc tháo gỡ “thẻ vàng” của EC, Bộ trưởng cho rằng đây cũng là cơ hội để Việt Nam xây dựng khung pháp lý chặt chẽ quản lý khai thác hải sản. Do đó, cần lắp đặt trang thiết bị tàu cá bám sát quy định của Luật Thủy sản, coi đây là trách nhiệm phát triển nghề cá bền vững, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng trong quá trình thực hiện. Bộ trưởng yêu cầu rà soát lại toàn bộ 9 khuyến nghị của EC, cùng với kết quả kiểm tra của đoàn công tác EC trong thời gian qua, kết hợp với các nội dung cần triển khai, tiếp tục xây dựng kế hoạch thực hiện trong thời gian tới.

Thu Hiền

Ý kiến bạn đọc

Tin khác