Các giải pháp trọng tâm để phát triển ngành tôm bền vững (07-06-2018)

Vừa qua, tại Bạc Liêu, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị bàn về các giải pháp trọng tâm để phát triển ngành tôm bền vững. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám đã tham dự và chủ trì hội nghị.
Các giải pháp trọng tâm để phát triển ngành tôm bền vững

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, từ đầu năm đến nay, tình hình nuôi trồng thủy cả nước tương đối ổn định. Diện tích nuôi tôm nước lợ 5 tháng đầu năm đạt gần 637.000 ha, bằng 102% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, diện tích thả nuôi tôm sú trên hơn 582.000 ha, tôm thẻ chân trắng là 54.500 ha. Sản lượng thu hoạch gần 200.000 tấn, bằng 111,1% so với cùng kỳ năm 2017. Kim ngạch xuất khẩu trong những tháng đầu năm tăng 13,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, hiện ngành nuôi tôm đang đứng trước không ít khó khăn, nhất là giá tôm thẻ chân trắng đã và đang sụt giảm mạnh, nhất là từ đầu tháng 5 đến nay. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ tôm đang gặp nhiều khó khăn do rào cản kỹ thuật từ các nước nhập khẩu, công tác dự báo thị trường chưa kịp thời, hiện tượng bơm chích tạp chất vào tôm chưa được xử lý triệt để.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sự sụt giảm giá tôm toàn cầu liên tục trong thời gian qua được cho là do nhu cầu tại các thị trường lớn như Mỹ và Trung Đông sụt giảm, bên cạnh đó Trung Quốc tăng cường kiểm soát tình trạng buôn lậu tôm, dẫn đến lượng tôm tiêu thụ qua đường tiểu ngạch giảm. Ngoài ra sản lượng thu hoạch tôm thẻ chân trắng ở một số nước sản xuất tôm như Indonesia, Thái Lan, Malaysia… đều tăng, nguồn cung dồi dào, các nhà nhập khẩu đã nhân cơ hội này gây sức ép giảm giá. Chỉ tính trong quý II/2018, giá tôm nguyên liệu giảm từ 10.000 - 30.000 đồng/kg tùy theo cỡ tôm. Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn thủy sản Minh Phú- doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam và thế giới cho biết, giá tôm nguyên liệu sẽ được cải thiện do các nước có tôm đã qua thu hoạch rộ, nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu Việt Nam đã bắt đầu ký được hợp đồng lớn, sẽ đẩy giá tôm nguyên liệu trên thị trường tăng cao.

Tại hội nghị, các chuyên gia cho rằng, thông thường người nuôi tôm sẽ thu hoạch tôm khi đạt trọng lượng 30 - 50 con/kg, nhưng đầu năm 2018 với tâm lý bất ổn về giá nên người nuôi đã thu hoạch sớm khi tôm đạt trọng lượng 70 - 100 con/kg. Với lượng tôm có trọng lượng nhỏ làm cho năng suất chế biến ở các nhà máy giảm, dẫn đến dư thừa nguồn cung nguyên liệu. Ngoài ra, áp lực về giá làm cho giá tôm từ tháng 4 - 5 giảm hơn 20% và xấp xỉ chạm mốc giảm 30%. Từ đó, các đại biểu đã đưa ra một số giải pháp cũng như hướng dẫn giúp bà con nuôi tôm yên tâm sản xuất.

Theo đó, ngành chuyên môn, nhà khoa học, doanh nghiệp thống nhất cao đề ra giải pháp từ nay đến cuối năm, là tăng cường tuyên truyền cho người chăn nuôi tuyệt đối không sử dụng chất cấm, lạm dụng thuốc, hóa chất trong chăn nuôi; xử lý nghiêm tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm. Riêng với tôm thẻ chân trắng, tạm thời giảm mật độ thả, rải vụ, áp dụng các biện pháp kỹ thuật để giảm giá thành sản phẩm; tập trung nuôi tôm sú, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên tôm. Ngoài ra, cần xây dựng vùng tôm an toàn dịch bệnh; tăng cường xúc tiến thương mại, kịp thời tháo gỡ các rào cản thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu để tăng giá thành tôm nuôi.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, người dân cần phải bình tĩnh trước tình hình hiện nay. Đối với người nuôi thâm canh không nên bán tôm cỡ nhỏ, bà con nuôi ao đất thì cần điều chỉnh quy trình nuôi hợp lý, tránh nuôi với mật độ dày để giảm bớt chi phí đầu tư. Các doanh nghiệp nên đồng hành cùng người nuôi tôm trong giai đoạn khó khăn này, xem đây là cơ hội để nuôi dưỡng thị trường lâu dài theo hướng bền vững.

Bộ trưởng cũng lưu ý, Tổng cục Thuỷ sản, các hiệp hội thủy sản phải làm tốt công tác dự báo để khuyến cáo cho người dân nuôi tôm cung ứng đủ cho nhu cầu thị trường, tránh tình trạng nguồn cung vượt cầu như thời gian vừa qua. Theo Bộ trưởng, thời gian tới thị trường tôm sẽ khởi sắc trở lại và các doanh nghiệp bắt đầu thu mua mạnh. Do đó người nuôi tôm không nên hoang mang, dao động trước giá tôm sụt giảm như hiện nay mà bán tháo, gây thất thoát, thua lỗ.

Ngoài ra, Bộ trưởng yêu cầu các tỉnh phải tập trung quản lý, hướng dẫn nông dân nuôi tôm đảm bảo đúng quy trình, chất lượng, không có dư lượng kháng sinh, ứng dụng tốt các khoa học công nghệ vào sản xuất, hình thành các vùng nuôi bền vững, kiểm soát tốt dịch bệnh, đảm bảo khâu liên kết sản xuất theo chuỗi, gắn kết giữa người nuôi và doanh nghiệp.

Đặc biệt, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị của Bộ phải vào cuộc cùng với các địa phương để mở rộng quy mô sản xuất, giúp người nuôi tôm ứng dụng các kỹ thuật cao trong chăn nuôi. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tăng cường phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để giải quyết những khó khăn về chế biến, hạ tầng vùng nuôi, điện phục vụ sản xuất, giá sản phẩm đầu ra, nhằm đảm bảo cho nghề nuôi tôm phát triển một cách bền vững trong thời gian tới…

Thu Hiền

Ý kiến bạn đọc

Tin khác