Các địa phương đang nỗ lực khắc phục "thẻ vàng" đối với thủy sản Việt Nam (19-04-2018)

Từ ngày 23/10/2017, sau khi bị EC cảnh báo rút “thẻ vàng” vì cho rằng chưa đáp ứng các quy định về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Việt Nam đã tập trung vào sửa đổi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trọng tâm là Luật Thuỷ sản 2017 đã được Quốc hội thông qua; các nội dung về quy định quản lý nghề khai thác hải sản của quốc tế theo khuyến nghị của EC đã cơ bản được nội luật hoá trong Luật Thuỷ sản 2017. Đặc biệt, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và các bộ ngành, nhiều địa phương đã tiến hành các giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện các khuyến nghị của EC.
Các địa phương đang nỗ lực khắc phục
Ảnh minh họa

Đà Nẵng: Tăng cường truy xuất nguồn gốc

Việc kê khai nguồn gốc, xuất xứ thủy, hải sản gặp nhiều khó khăn bởi phần lớn ngư dân còn mang tâm lý giấu ngư trường, không muốn lộ vị trí đánh bắt. Bên cạnh đó, một số chủ tàu chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của việc khai thác hợp pháp, có báo cáo; thậm chí ít quan tâm đến "thẻ vàng".

Với quyết tâm chống khai thác IUU, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng đã chủ trì phối hợp với Ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng, UBND các quận tổ chức 7 lớp tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho 20 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản và gần 400 ngư dân là chủ tàu cá, thuyền trưởng tàu cá có công suất từ 90 CV trở lên; Tích cực phối hợp các lực lượng chức năng tổ chức lớp tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân về Luật Biển Việt Nam, Luật Thủy sản 2017 và các quy định liên quan đến vấn đề chống khai thác IUU, quản lý nguồn lợi, khai thác đúng quy định. Đồng thời, tăng cường các hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm khai thác IUU.

Đà Nẵng quyết tâm truy xuất nguồn gốc, xuất xứ các loại thủy hải sản, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Từ đầu năm đến nay, chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang đã thực hiện 6.996 lượt kê khai nguồn gốc, xuất xứ các loại thủy hải sản, với tổng sản lượng trên 24.500 tấn. Nhờ công tác tuyên truyền, người dân đã nhận thức được việc truy xuất nguồn gốc thủy, hải sản là cần thiết, bởi khi ngư dân không ghi chép nhật ký khai thác thì cơ quan chức năng sẽ không xác nhận, dẫn tới ngư dân bị doanh nghiệp từ chối thu mua sản phẩm khai thác.

Quảng Trị: Tăng cường giám sát tàu khai thác xa bờ

Cũng như các tỉnh duyên hải trong cả nước, Quảng Trị đã và đang tăng cường giám sát tàu cá khai thác xa bờ kể từ khi EC cảnh báo "thẻ vàng" đối với hoạt động khai thác thủy sản của Việt Nam.

Theo Chi cục Thủy sản Quảng Trị, tàu cá khai thác ở vùng biển xa phải bật máy thông tin có tích hợp định vị vệ tinh, báo cáo vị trí và liên lạc về Trạm quản lý Thông tin tàu cá. Qua đó, giúp đơn vị theo dõi và cảnh báo cho các chủ tàu biết, nếu khai thác không đúng vùng biển thì điều tàu ra khỏi vùng. Đối với tàu cá được trang bị máy định vị vệ tinh (movimar), phải bật thiết bị hoạt động 24/24 giờ để cơ quan chức năng theo dõi vị trí hoạt động.

Bên cạnh đó, ngành thủy sản Quảng Trị cũng phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, Bộ đội Biên phòng, tuyên truyền cho ngư dân, trong đó tập trung tuyên truyền cho các đối tượng là thuyền trưởng, tổ trưởng tổ sản xuất trên biển. Đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 4 lớp tập huấn cho hơn 200 ngư dân, trong đó tập trung tuyên truyền cho thuyền trưởng, chủ tàu cá có công suất 20CV trở lên; chú trọng tập huấn cho các chủ tàu cá khai thác hải sản xa bờ tập trung ở các huyệnVĩnh Linh, Gio Linh và Triệu Phong.

Thanh Hóa: Tăng cường thanh tra, kiểm soát nghề cá

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá. Cụ thể, đã thành lập 3 văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại 3 cảng cá Hòa Lộc (huyện Hậu Lộc), Lạch Hới (thành phố Sầm Sơn) và Lạch Bạng (huyện Tĩnh Gia).

Thành viên của Văn phòng đại diện Kiểm soát nghề cá tại cảng gồm lực lượng thủy sản thuộc Chi cục Thủy sản, Ban Quản lý các cảng cá (Bộ đội Biên phòng là cơ quan phối hợp). Văn phòng có trách nhiệm tổ chức thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các tàu cập bến - xuất bến làm cơ sở để xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác, bảo đảm tuân thủ các quy định. Đặc biệt là thuyền trưởng, chủ tàu, cảng cá, doanh nghiệp chế biến thủy sản phải tuân thủ nghiêm quy định chống đánh bắt IUU.

Từ đầu năm đến đầu tháng 4/2018, tỉnh đã kiểm tra 267 phương tiện, nhắc nhở 122 phương tiện và xử lý vi phạm hành chính 40 vụ vi phạm với tổng số tiền phạt là 136 triệu đồng. Riêng việc xâm lấn, khai thác bất hợp pháp ở vùng cấm, Thanh Hóa chưa ghi nhận tàu cá nào vi phạm Hiệp định Nghề cá Việt Nam - Trung Quốc.

Bà Rịa - Vũng Tàu: 100% tàu cá được kiểm tra thực tế khi xuất bến

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh thành lập các văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại cảng cá nhằm tiến hành kiểm tra nghiêm ngặt, chặt chẽ hoạt động của các tàu cá trong và ngoài tỉnh trước khi xuất bến, cập bến, lên cá tại các cảng: Cát Lở, Bến Đá, Incomap, Lộc An, Tân Phước, Phước Hiệp, Hưng Thái và Bình Châu. Theo đó, 100% tàu cá được kiểm tra hồ sơ giấy tờ và kiểm tra thực tế trước khi xuất bến; kiểm tra các thông tin sổ nhật ký khai thác; ngư cụ; kích thước mắt lưới... 100% nguyên liệu có nguồn gốc thủy sản nhập khẩu vào tỉnh phải khai báo thông tin trước khi cập cảng và kiểm tra thực tế.

Không riêng các tỉnh, thành phố có biển mà khắp các tỉnh thành trong cả nước đã đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Chỉ thị 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Việt Nam đang tích cực thực hiện đúng các quy định nhằm Nỗ lực khắc phục "thẻ vàng" - lấy lại "thẻ xanh" cho ngành Thủy sản Việt Nam.

 Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác