Hội nghị bàn giải pháp khai thác, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hải sản khai thác (06-04-2018)

Ngày 05/4/2018, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị bàn giải pháp khai thác, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hải sản khai thác.
Hội nghị bàn giải pháp khai thác, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hải sản khai thác

Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, lãnh đạo của các Bộ, ngành, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh/thành phố ven biển, đại diện các Viện nghiên cứu, trường đại học, các Hội, Hiệp hội, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản, ngư dân và các phóng viên báo đài đến đưa tin Hội nghị.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội, Phan Xuân Dũng đã đến dự và chủ trì Hội nghị.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, năm 2017, sản lượng khai thác thủy sản đạt 3,421 triệu tấn, tăng 5,7% so với năm 2016, trong đó sản lượng khai thác hải sản đạt 3,221 triệu tấn và khai thác nội địa đạt 200 nghìn tấn. Năm 2017, xuất khẩu thủy sản đã cán đích với mức trên 8,3 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2016, trong đó kim ngạch xuất khẩu hải sản đạt gần 2,8 tỷ USD, tập trung ở các mặt hàng như: cá ngừ, nhuyễn thể, cua, ghẹ, các loại cá biển khác.

Khai thác thủy sản trong những năm qua đã có bước phát triển nhanh, mạnh góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo. Thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản của Nhà nước tại Nghị định 67/2014/NĐ-CP, chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác trên các vùng biển xa, trong thời gian vừa qua đã thúc đẩy phát triển khá mạnh các tàu có công suất lớn, nhiều tàu cá vỏ thép, vỏ composite có trang bị hiện đại được ngư dân mạnh dạn đầu tư đóng mới. Đến nay đã đóng mới được 925 tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP có công suất từ 400 CV trở lên có trang bị hiện đại, đảm bảo hoạt động dài ngày trên biển, trong đó 349 tàu cá vỏ thép, 78 tàu cá vỏ composite, 498 tàu cá vỏ gỗ; ngư dân cũng đã vay vốn để nâng cấp 130 tàu cá đi vào hoạt động, có nhiều tàu cá khai thác đạt hiệu quả kinh tế cao. Với trang thiết bị hiện đại, công nghệ khai thác cũng như bảo quản sản phẩm đã được các chủ tàu đầu tư giúp nâng cao hiệu quả khai thác.

Tính đến 31/12/2017, tổng số tàu cá là 109.622 chiếc, với tổng công suất trên 10 triệu CV; trong đó: công suất dưới 20 CV là: 45.985 chiếc, chiếm 41,95%; công suất từ 20 CV đến dưới 90 CV là 27.182 chiếc, chiếm 24,80 %; công suất từ 90 CV đến dưới 250 CV là 10.449 chiếc, chiếm 9,53 %; công suất từ 250 CV đến dưới 400 CV là 9.916 chiếc, chiếm 9,05 %; công suất từ 400CV trở lên là 16.090 chiếc, chiếm 14,68% .

Trong những năm trở lại đây, tổng số tàu cá trên cả nước có xu hướng giảm. Từ năm 2011 đến 2017, tổng số tàu cá đã giảm từ 112.822 chiếc xuống 109.622 chiếc, số lượng giảm chủ yếu là các tàu cá có công suất dưới 90CV, số tàu cá có công suất lớn từ 90CV trở lên tăng từ 23.417 chiếc lên 31.963 chiếc.

Kế hoạch năm 2018, sẽ duy trì số lượng tàu cá khoảng 109 nghìn chiếc, tiếp tục tăng số tổ đội sản xuất trên biển khoảng 4,5 nghìn tổ/đội với sự tham gia của khoảng 13 nghìn tàu cá; giảm tổn thất sau thu hoạch trong khai thác hải sản.

Mục tiêu năm 2018, khai thác hải sản phấn đấu đạt sản lượng khoảng 3,3 triệu tấn trong tổng số 7,2-7,5 triệu tấn của toàn ngành thủy sản, kim ngạch xuất khẩu hải sản khai thác là 3,3 tỷ USD trong tổng số 10 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản (tăng khoảng 18% so với năm 2017). Trong đó, một số sản phẩm chủ yếu là: cá ngừ: 720 triệu USD (tăng 21,5%); Mực và bạch tuộc là 754,5 triệu USD (+21,5%), cá biển khác 1.8 tỷ USD.

Hiện nay, lĩnh vực khai thác vẫn còn tồn tại một số bất cập như: Chưa kiểm soát được sự gia tăng về số lượng tàu thuyền, cơ cấu nghề chưa hợp lý, tổ chức sản xuất trên biển vẫn mang tính nhỏ lẻ; công nghệ khai thác, cơ khí đóng sửa tàu thuyền, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch trên tàu còn hạn chế; tình trạng cạnh tranh giữa các loại nghề, giữa các nhóm tàu, giữa tàu của các địa phương trong cùng một ngư trường ngày càng lớn; vi phạm vùng khai thác... đã làm cạn kiệt nguồn lợi hải sản vùng biển ven bờ; hệ thống thông tin, các cơ sở dữ liệu nghề cá để phục vụ cho công tác quản lý, quy hoạch khai thác thủy sản còn hạn chế.

Tổn thất sau thu hoạch của các nghề khai thác hải sản hiện nay trung bình trong khoảng 15 – 25 %, trong đó nghề lưới kéo có tỷ lệ tổn thất cao nhất. Các nghề khai thác bằng lưới vây, chụp mực, bẫy mực, nghề câu có tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch thấp hơn nhiều so với nghề lưới kéo, trung bình 12 – 18 %.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung bàn các giải pháp nhằm tổ chức lại sản xuất theo hướng tăng cường liên kết chuỗi trong khai thác hải sản, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch, giải pháp để nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm trong sản phẩm hải sản xuất khẩu, giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hải sản khai thác...Đặc biệt, Hội nghị đã tập trung bàn các giải pháp quyết liệt để tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu, từ đó sẽ chấm dứt tình trạng vi phạm khai thác hải sản trái phép.

Phát biểu tại Hội nghị, Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết hiện nay vấn đề lao động, trình độ và tổ chức đào tạo lực lượng cho nghề khai thác còn bất cập do đó cần có chính sách đào tạo tập huấn cho các lao động tham gia khai thác trên biển để phù hợp với vận hành máy móc hiện đại. Tình  trạng tranh chấp lao động, thiếu hụt lao động, đặc biệt trong thời gian cao điểm của mùa vụ khai thác hải sản vẫn còn diễn ra. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động khai thác hiện nay xuống cấp ảnh hưởng đến khả năng cập bến và vận chuyển sản phẩm khai thác lên bờ.

Liên quan đến vấn đề chứng nhận sản phẩm hải sản khai thác khi xuất khẩu, bà Cao Thị Kim Lan, giám đốc công ty cổ phần thủy sản Bình Định (Bidifisco) cho biết, hiện nay khó khăn nhất đối với các doanh nghiệp chế biến hải sản khai thác là vấn đề xác nhận nguyên liệu thủy sản và cung cấp nhật ký khai thác. Việc này, theo bà Lan việc quản lý nhật ký khai thác của các chủ tàu còn nhiều bất cập, do đó kiến nghị các cơ quan quản lý tại địa phương cần thu thập và cung cấp cho các doanh nghiệp khi xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã thực hiện quyết liệt các giải pháp để tháo gỡ cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu, theo đó, tình hình tàu cá Việt Nam vi phạm các quốc đảo Thái Bình Dương đã giảm rõ rệt. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại các trường hợp tàu cá vi phạm trên vùng biển nước ngoài. Thứ trưởng yêu cầu các Bộ, ngành, các địa phương có tàu cá vi phạm phải vào cuộc xử lý vi phạm và tiến tới sẽ phải chấm dứt tình trạng này.  

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao những kết quả mà ngành Thủy sản đã đạt được trong thời gian qua. Việt Nam có tiềm năng lớn trong phát triển ngành thủy sản, trong đó, lĩnh vực khai thác đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng đã chỉ ra một số tồn tại của ngành thủy sản đang gặp phải như: Nghề cá hiện nay vẫn còn là nghề cá nhân dân, công nghệ khai thác, bảo quản còn thủ công, khâu bảo quản phân loại còn kém. Tổ chức sản xuất chưa hiệu quả và thiếu tính bền vững, chuỗi liên kết còn thiếu và yếu. Thị trường xuất khẩu thiếu ổn định, sản phẩm xuất khẩu chưa nâng cao được giá trị gia tăng. Tổ chức thị trường trong nước chưa đáp ứng nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu là một trong những thách thức đối với ngành thủy sản hiện nay. Ngoài ra, thách thức từ hội nhập kinh tế quốc tế  yêu cầu ngành thủy sản, trong đó, lĩnh vực khai thác đang gặp phải là các yêu cầu khắt khe về thị trường và quản lý khai thác.

Để đưa ngành khai thác phát triển một cách bền vững có trách nhiệm đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các giải pháp để tái cơ cấu ngành một cách có hiệu quả, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Nguyễn Xuân Cường yêu cầu:

Tổng cục Thủy sản tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp của các đại biểu, các địa phương, các doanh nghiệp và tổng hợp hoàn thiện báo cáo Hội nghị để gửi các lãnh đạo địa phương và các Sở Nông nghiệp và PTNT để nắm rõ thực trạng hiện nay của ngành thủy sản, từ đó để phục vụ tốt cho công tác chỉ đạo điều hành.

Bên cạnh đó cần tổ chức thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau: Tổ chức khai thác theo hướng liên kết chuỗi với sản lượng cho phép khai thác của nguồn lợi.

Tăng cường công tác chế biến tạo ra các sản phẩm hải sản có hàm lượng chế biến sâu, giá trị gia tăng cao. Xây dựng các chuỗi giá trị gắn với thị trường xuất khẩu.

Cần nghiên cứu và quy hoạch các vùng biển phù hợp để tập trung phát triển ngành nuôi biển, áp dụng các công nghệ hiện đại để phát triển nuôi biển có hiệu quả, bảo vệ môi trường.

Phân tích nhận dạng thị trường trong nước để có chiến lược phát triển thị trường sản phẩm khai thác một cách hiệu quả. Nghiên cứu các giải pháp bảo quản, chế biến tạo ra các sản phẩm phù hợp để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Đối với thị trường xuất khẩu, cần nghiên cứu kỹ yêu cầu của từng thị trường, phân tích các quy định, yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn xã hội...để tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng và phù hợp từng thị trường.

Căn cứ vào kết quả điều tra nguồn lợi và phương thức khai thác, cần tổ chức lại có hiệu quả công tác quản lý khai thác ở 3 vùng biển: vùng bờ, vùng lộng và vùng khơi, đồng thời đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ trong khai thác hải sản, tổ chức liên kết chuỗi trong sản xuất.

Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Thủy sản có trách nhiệm rà soát tổng hợp các tiến bộ khoa học công nghệ để cung cấp thông tin phổ biến đến từng doanh nghiệp và người dân nắm rõ và áp dụng vào sản xuất. Nghiên cứu rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với các quy định trong lĩnh vực thủy sản. Triển khai thực hiện đồng bộ theo từng khía cạnh của Luật Thủy sản 2017.

Trước yêu cầu cấp bách hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu lãnh đạo ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố, các cơ quan quản lý tại địa phương cần tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu về khai thác IUU để khắc phục thẻ vàng.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác