Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển ngành hàng cá tra năm 2018 (19-03-2018)

Ngày 16/3/2018, tại Thành phố Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với UBND Thành phố Cần Thơ tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển ngành hàng cá tra năm 2018.
Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển ngành hàng cá tra năm 2018

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo UBND thành phố Cần Thơ, lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và PTNT môt số tỉnh/thành phố, đại diện các cơ quan Ban, Ngành, đại diện các Hiệp, hội nghành hàng, các Viện, trường nghiên cứu, các doanh nghiệp sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm cá tra cùng các phóng viên báo chí đến đưa tin Hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám và Phó Chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ, Đào Anh Dũng đã đồng chủ trì Hội nghị.

Năm 2017, với diễn biến thời tiết thất thường, mưa nhiều, lượng mưa cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 20% -40%. Trong những tháng đầu năm và vài tháng cuối năm do có mưa trái mùa nên việc sản xuất giống gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, sản phẩm cá tra cũng gặp không ít khó khăn từ các thị trường xuất khẩu. Trong đó, việc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ chính thức thực thi đầy đủ quy định của Đạo luật Nông trại Hoa Kỳ từ ngày 02/8/2017 (sớm hơn 1 tháng so với quy định) áp dụng đối với các sản phẩm cá da trơn thuộc Bộ Siluriform xuất khẩu vào Hoa Kỳ và Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố mức thuế cao áp cho cá tra (POR12) đã ảnh hướng rất lớn đối với xuất khẩu sản phẩm cá tra của Việt Nam. Ngày từ đầu năm 2017, sự kiện đài truyền hình Cuatro Tây Ban Nha đã truyền đi thông tin không đúng sự thật và   bôi nhọ hình ảnh cá tra Việt Nam gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động xuất khẩu cá tra Việt Nam.

Mặc dù, ngành cá tra gặp rất nhiều khó khăn trong năm 2017, nhưng với sự quan tâm của Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT, sự phối hợp với các Bộ, Ngành và các địa phương; chỉ đạo sát sao của Tổng cục Thuỷ sản; sự nỗ lực của bà con nông, ngư dân, các doanh nghiệp và các Hội, hiệp hội nên sản xuất và tiêu thụ cá tra năm 2017 đã đạt được kết quả hết sức ấn tượng.

Đặc biệt, đứng trước những khó khăn thách thức từ các thị trường truyền thống như: Hoa Kỳ, EU,..các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu các sản phẩm cá tra đã có những phân tích, nhận định về thị trường và đã kịp thời chuyển hướng từ những thị trường gặp khó khăn sang các thị trường mới có tiềm năng như: Hồng Kông, Trung Quốc,…Theo đó, năm 2017, thị trường Trung Quốc đã vươn lên đứng đầu về nhập khẩu cá tra Việt Nam (chiếm tỉ trọng 23% so với 17,8% của năm 2016), đứng thứ hai là thị trường Mỹ. Thị trường Mỹ, EU, Colombia giảm so với cùng kỳ 2016. Thị trường TQ&HK, Brazil, Mexico, Asean, Ảrập Xêut tăng so với cùng kỳ 2016.

Kết quả sản xuất năm 2017

Theo báo cáo tại Hội nghị, tính đến ngày 30/12/2017, diện tích mặt nước thả nuôi cá tra đạt 5.230 ha, tăng 3,5% so với năm 2016; sản lượng đạt 1.250 nghìn tấn, tăng 5,1% so với năm 2016. Kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2017 đạt 1,78 tỷ USD, tăng 4,3% so với năm 2016, đóng góp 21,45% vào giá trị xuất khẩu của ngành Thủy sản.

Trong nước, giá cá tra giống và giá cá tra thương phẩm luôn giữ ở mức cao, dao động trong khoảng 45.000-60.000 đồng/kg đối với cá giống và từ 21.500-30.000 đồng/kg đối với cá tra nguyên liệu đã tác động tích cực đến giá bán ở các thị trường nhập khẩu khiến người nuôi, ương dưỡng giống, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra đều có lãi.

Mục tiêu kế hoạch năm 2018

Tại Hội nghị, Ông Nguyễn Ngọc Oai, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết: “Chính phủ đã giao cho Bộ Nông nghiệp & PTNT, Tổng cục Thủy sản xây dựng kế hoạch trong năm 2018, với chỉ tiêu tăng trưởng ngành thủy sản dự kiến đạt 10 tỉ USD, tăng 17,9% so với 2017. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng chung của cả ngành nói trên, Tổng cục Thủy sản đặt ra mục tiêu sản xuất cá tra phấn đấu đạt sản lượng trên 1,3 triệu tấn, sản xuất giống đạt khoảng 2,2 tỷ cá giống, đưa kim ngạch xuất khẩu cá tra năm nay đạt khoảng 2.0 - 2,2 tỷ USD chiếm 31,5% kim ngạch xuất khẩu từ nuôi trồng thủy sản.

Phát biểu tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung xoay quanh các vấn đề mà ngành cá tra đang gặp phải như: Chất lượng giống cá tra chưa đảm bảo, trong khi đó nguồn cung cá tra giống thiếu ổn định, nhất là trong thời gian bắt đầu vụ nuôi mới cá tra giống thường khan hiếm khiến giá thành tăng cao. Việc quản lý quy hoạch vùng nuôi chưa chặt chẽ, phát triển không theo quy hoạch vẫn còn diễn ra. Đặc biệt, do giá cá nguyên liệu, giá cá giống năm 2017 luôn giữ ở mức cao và nhu cầu cá nguyên liệu của các nhà máy chế biến tăng nên có thể xảy ra tình trạng người nuôi ồ ạt xuống giống hoặc mở rộng diện tích nuôi, ương dưỡng. Điều này có thể dẫn đến phá vỡ quy hoạch và mất cân đối cung - cầu.

Theo Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cũng cho rằng khó khăn nhất hiện nay của ngành cá tra là cá giống, do giống bố mẹ chưa đảm bảo, dịch bệnh, tỷ lệ ương đạt thấp. Vấn đề trong quy hoạch đất để sản xuất cá tra lại vướng về quy hoạch sử dụng đất, cần được tháo gỡ. Ngoài ra, nhà nước cần hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn về các chính sách như: hỗ trợ vay vốn, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất….

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp &PTNT Vũ Văn Tám cho rằng để ngành cá tra phát triển một cách bền vững chúng ta cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp cấp bách cả cho trước mắt và lâu dài. Trong đó, cần triển khai nghiêm túc Nghị định 55/NĐ-CP về quản lý sản xuất, tiêu thụ cá tra và Thông tư 07/2017/TT-BNNPTNT về chất lượng phile cá tra xuất khẩu. Cần tăng cường kiểm soát chất lượng giống, tổ chức kiểm tra và kiểm soát các cơ sở sản xuất giống, các địa phương phải nắm sát tình hình để cân đối cung cầu giống. Tổng cục Thủy sản và các cơ quan, địa phương cần rà soát ngay đàn cá tra giống bố mẹ để cân đối, điều chuyển đến những địa chỉ tin cậy nhằm tăng phát triển sản xuất giống. Đối với vấn đề nuôi cá thương phẩm, hiện giá cá ở mức cao, người nuôi đang có lãi, nếu không kiểm soát, để vùng nuôi phát triển tự do sẽ ngành nuôi sẽ quay lại thời kỳ khủng hoảng như trước đây. Các địa phương cần rà soát, sớm hoàn chỉnh quy hoạch phát triển cá tra. Điều tiết, hướng dẫn, giám sát mật độ, quy mô nuôi để giảm thiểu rủi ro, thiệt hại, đồng thời đảm bảo yêu cầu thị trường, song song đó là xây dựng chiến lược truyền thông bền vững, xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác