Doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU (05-02-2018)

Thực hiện theo Kế hoạch hành động của Chương trình "Các doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU" ngày 1/2/2018, các doanh nghiệp hải sản Việt Nam đã đồng loạt treo "Bản cam kết chống khai thác IUU" tại cổng công ty hoặc cửa nhà máy chế biến. 
Doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU

Nội dung cam kết của các doanh nghiệp là: “Công ty chúng tôi cam kết không khai thác bất hợp pháp, thu mua, chế biến và xuất khẩu các nguyên liệu – sản phẩm hải sản có nguồn gốc khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU)” 

Đây là một trong những hành động thể hiện sự đồng lòng quyết tâm của doanh nghiệp Việt Nam chống khai thác IUU, bảo vệ uy tín sản phẩm hải sản xuất khẩu và vì sự phát triển bền vững của nghề cá Việt Nam.

Trước đó, ngày 25/9/2017, tại thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã ra mắt Chương trình “Các doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU”. Buổi ra mắt có sự hiện diện của các doanh nghiệp hải sản trên toàn quốc, cùng đại diện Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc Hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở nông nghiệp các tỉnh ven biển, phái đoàn Liên minh EU tại Việt Nam.

Tại buổi lễ, tuyên bố báo chí về “Doanh nghiệp Hải sản Việt Nam Cam kết chống khai thác IUU” nêu rõ: các doanh nghiệp cam kết chỉ thu mua nguyên liệu hải sản từ những tàu cá khai thác hợp pháp, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chỉ nhập khẩu hải sản khai thác có nguồn gốc khai thác hợp pháp. Kiên quyết không thu mua hải sản của các tàu cá đánh bắt bất hợp pháp, khai thác không có giấy phép, không có nhật ký và không báo cáo theo quy định, khai thác bằng ngư cụ bị cấm.

VASEP cũng cho biết sắp tới sẽ tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông về chiến dịch chống khai thác IUU của Việt Nam, để EU thấy từ Nhà nước tới doanh nghiệp và ngư dân tại Việt Nam đều quan tấm tối đa việc tuân thủ nghiêm túc quy định IUU.

Trước tình hình đó, về phía quản lý Nhà nước, các cơ quan chức năng cũng đã thực hiện các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn các tàu cá Việt Nam khai thác bất hợp pháp trên vùng biển của các nước ở khu vực Thái Bình Dương. Đồng thời tăng cường các biện pháp kiểm soát tại cảng ở các tỉnh/cảng nơi có “tàu xanh dương” (tàu đánh bắt hải sản trái phép) cập bến; tăng cường thanh kiểm tra sản lượng cập bến; triển khai kế hoạch theo dõi, kiểm tra, giám sát, thanh tra toàn diện dựa trên các tiêu chí đánh giá rủi ro rõ ràng và phân bổ các nguồn lực cần thiết để đạt được các mục tiêu; xây dựng kế hoạch mở rộng VMS (hệ thống quan sát tàu cá) cho đội tàu lớn hơn 90CV.

Về phía Chính phủ, ngày 28/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 732/CĐ-TTg chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố ven biển triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Bên cạnh đó, Ủy ban Hải sản thuộc VASEP và nhiều doanh nghiệp hải sản đã cùng thống nhất kế hoạch hành động chống các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không được báo cáo và không theo quy định (IUU). Đây là bước đi quan trọng để giúp cho hải sản Việt Nam không bị cảnh báo, không bị cấm nhập khẩu vào các thị trường quan trọng như EU, Mỹ…

Theo đó, VASEP đã thành lập Quỹ cho hoạt động chống khai thác IUU; thông báo cho EU về những công ty quan tâm tham gia chương trình chống IUU của VASEP; tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông về chiến dịch chống khai thác IUU của Việt Nam… Tất cả những hoạt động đó để EU thấy rằng từ Nhà nước tới doanh nghiệp và ngư dân tại Việt Nam đều quan tâm tối đa việc tuân thủ nghiêm túc quy định IUU.

Ngoài ra, tăng cường hợp tác quốc tế chống khai thác IUU như hợp tác nghề cá và chống khai thác bất hợp pháp với các nước trong khu vực và các quốc đảo Thái Bình Dương; gia nhập Hiệp định về các biện pháp của quốc gia có cảng của FAO và Hiệp định đàn cá di cư của Liên hợp quốc.

Mặc dù phía Việt Nam đã có nhiều động thái tích cực để ngăn chặn khai thác IUU nhưng ngày 23/10/2017, Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra cảnh báo “thẻ vàng” đối với hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU Fishing) đối với Việt Nam.

Ngày 13/12/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 45/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC về chống khai thác IUU. 

Để thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 45/CT-TTg và Công điện số 732/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố ven biển chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền tại địa phương áp dụng các hình thức xử phạt cao nhất đối với chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm, xứ lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân môi giới đưa tàu cá và ngư dân đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Cùng với đó, để sớm chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm, đánh bắt hải sản bất hợp pháp tại vùng biển các nước và Việt Nam sớm thoát ra khỏi “thẻ vàng” của EC về khai thác IUU, giữ uy tín thương hiệu thủy sản Việt Nam; ngày 16/01/2018 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Công văn số 412/BNN-TCTS về việc xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Các hoạt động này từ phía cơ quan quản lý nhà nước cùng với sự đồng lòng của doanh nghiệp thủy sản và bà con ngư dân sẽ sớm đưa hải sản Việt Nam thoát khỏi “thẻ vàng” của EU và xây dựng một hình ảnh thủy sản bền vững trong tương lai.

Thu Hiền

Ý kiến bạn đọc

Tin khác