Thúc đẩy hình thức đối tác công-tư (PPP) trong lĩnh vực Thủy sản (01-02-2018)

Sáng 31/1/2018, tại Hà Nội, Tổng cục Thủy sản phối hợp với các đơn vị và các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ đã tổ chức cuộc họp thảo luận về triển khai hoạt động hợp tác đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP) trong lĩnh vực Thủy sản.
Thúc đẩy hình thức đối tác công-tư (PPP) trong lĩnh vực Thủy sản

Tham dự cuộc họp có lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, các đơn vị thuộc Tổng cục Thủy sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Hội Nghề cá Việt Nam (VINAFIS); Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản Bền vững (ICAFIS); Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế tại Việt Nam (WWF-Việt Nam); Tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững Việt Nam (IDH); Tổ chức Hợp tác Phát triển CHLB Đức (GIZ). Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Ông Trần Đình Luân chủ trì cuộc họp.

Đối với ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và ngành thủy sản nói riêng việc thực hiện các chiến lược phát triển ngành đến năm 2020 và những năm tiếp theo đòi hỏi phải huy động và sử dụng hiệu quả một lượng vốn đầu tư lớn từ nhà nước và toàn xã hội. Trong bối cảnh ngân sách dành cho đầu tư phát triển ngày càng eo hẹp và nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho ngành nông nghiệp nói chung nói chung và cho ngành thủy sản nói riêng đang giảm dần, giải pháp khuyến khích đầu tư tư nhân thông qua cơ chế đối tác công - tư (PPP) là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư và góp phần phát triển ngành thủy sản một cách bền vững. Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư được thúc đẩy trở thành một cơ chế có thể giúp hiện đại hóa ngành nông nghiệp dựa trên việc huy động dòng vốn đầu tư và kiến thức, kỹ năng quản trị từ khu vực tư nhân để giúp khu vực công đổi mới theo định hướng phát triển bền vững và nâng cao hiệu quả.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng của toàn ngành kinh tế nói chung và của ngành thủy sản nói riêng, bên cạnh vai trò điều hành đơn vị quản lý nhà nước, vai trò chủ lực của người sản xuất, cần phải có sự đồng hành quyết định của doanh nghiệp. Doanh nghiệp là tác nhân năng động nhất trong chuỗi giá trị các ngành hàng nông nghiệp và cũng chỉ có chủ thể này mới hội đủ các điều kiện để giải quyết 3 điểm nghẽn lớn nhất của nông nghiệp Việt Nam hiện nay. Đó là nguồn vốn cho đầu tư sản xuất, kết nối thị trường tiêu thụ và ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh cho sản phẩm thủy sản.

Tại cuộc họp các chuyên gia trong lĩnh vực thủy sản của Việt Nam và các tổ chức quốc tế cho rằng để thực hiện hiệu quả cơ chế hoạt động theo hình thức PPP trong lĩnh vực Thủy sản cần có quy chế tổ chức hoạt động rõ ràng của đối tác công – tư. Mặt khác, cần đánh giá những thuận lợi, khó khăn hiện nay cũng như những cơ hội và thách thức trong tương lai của ngành thủy sản để xác định những vấn đề cần ưu tiên và đưa ra mục tiêu cụ thể cho giai đoạn và cho từng năm để thực hiện đầu tư theo hình thức PPP trong lĩnh vực Thủy sản. Trong đó, nhấn mạnh vai trò trọng tâm là các doanh nghiệp và huy động sự tham gia của các doanh nghiệp đây là một trong những yếu tố quan trọng đối với hình thức hợp tác này. Bên cạnh đó cần huy động sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ để tư vấn thực hiện.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác