Tăng cường công tác quản lý cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão (01-01-2018)

Sáng ngày 07/12, tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức Hội nghị về công tác quản lý cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá.
Tăng cường công tác quản lý cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão
Thứ trưởng Vũ Văn Tám chủ trì Hội nghị

Tham dự Hội nghị có đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Tổng cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh/ thành phố ven biển, Ban Quản lý cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão của các tỉnh thành/phố ven biển cùng các cơ quan báo chí đến đưa tin về Hội nghị

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Ông Lê Tuấn Quốc đồng chủ trì hội nghị.

Theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản, trong những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, ngành thủy sản nói chung và nghề khai thác thủy sản nói riêng đã có những bước phát triển mạnh; trong đó, một số chính sách hỗ trợ đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và thông qua chính sách. Những Chính sách của nhà trước đã phát huy hiệu quả góp phần vào nâng cao hiệu quả khai thác, giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm khai thác thủy sản, góp phần đưa nghề khai thác hải sản phát triển một cách bền vững. Hiện đã có nhiều tàu cá xa bờ công suất lớn, trang bị hiện đại được đóng mới, cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp đưa vào hoạt động giúp người yên tâm vươn khơi bám biển.

Tuy nhiên, để hiện đại hóa nghề khai thác hải sản đòi hỏi phải có sự đồng bộ về công tác tổ chức quản lý, kỹ thuật khai thác, cơ sở hạ tầng cảng cá, khu neo đậu để phục vụ tàu cá và phát huy được vai trò của cảng cá trong quản lý hoạt động khai thác thủy sản. Trong khi đó công tác đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá còn hạn chế; vai trò của cảng cá trong việc tham gia vào quản lý hoạt động khai thác thủy sản chưa rõ nét, vốn đầu tư xây dựng hàng năm thấp; thiếu nguồn nhân lực; tên gọi, chức năng nhiệm vụ, mô hình quản lý cảng cá không thống nhất trong toàn quốc; thiếu kinh phí cho việc thực hiện duy tu, sửa chữa định kỳ.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, đến nay đã có 82 cảng cá và 59 khu neo đậu tránh trú bão (KNĐTTB) đã được đầu tư nâng cấp và đã đi vào hoạt động tại các tỉnh, thành phố ven biển đạt 65% so với quy hoạch, trong đó có 25 cảng cá loại I (20 cảng loại I kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão); có 57 cảng cá loại II (có 35 cảng cá loại II kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão, trong đó có 4 khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng), có khả năng đáp ứng cho 1,8 triệu tấn sản phẩm qua cảng hàng năm. Hiện đã có 09 cảng cá đáp ứng cho tàu cá công suất lớn nhất là 1.000CV và 02 cảng đáp ứng cho tàu cá công suất lớn nhất là 2.000 CV.

Hội nghị về công tác quản lý cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão diễn ra sau khi Luật Thủy sản (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa 14 thông qua ngày 21-11-2017 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019. Luật Thủy sản 2017 cũng đã luật hóa các nội dung liên quan đến chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), các khuyến nghị của EU, được quy định trong các điều và các chương của luật, như: quy định số lượng và phân bổ hạn ngạch giấy phép khai thác của tàu theo nghề trên các vùng biển và phân cấp cho địa phương để cấp phép cho từng tàu cá.

Luật Thủy sản (sửa đổi) cũng quy định các hành vi khai thác IUU và chế tài nghiêm khắc với chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm; thu hồi giấy phép đối với cá nhân, tổ chức khai thác trái phép ở vùng biển ngoài Việt Nam; quy định chặt chẽ về điều kiện không cấp lại giấy phép cho tổ chức, cá nhân có tàu cá nằm trong danh sách tàu cá khai thác IUU…Luật Thủy sản sửa đổi lần đây cũng đã tăng mức độ xử phạt đối với nhưng cá nhân, tổ chức vi phạm trong hoạt động đánh bắt hải sản bất hợp pháp. Đây là một trong những nỗ lực của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng các cơ quan ban ngành từ Trung ương đến địa phương để quản lý chặt chẽ lĩnh vực khai thác hải sản và thoát khỏi cảnh cáo thẻ vàng của Liên minh Châu Âu (EU) đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam.

Phát biểu tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung xoay quanh các vấn đề liên quan đến các bất cập, hạn chế trong công tác quản lý, quy hoạch cảng cá, KNĐTTB. Công tác tổ chức và quản lý các cảng cá, KNĐTTB chưa có mô hình quản lý chung trong toàn quốc. Một trong những vấn đề cấp bách hiện nay đã được các đại biểu đặc biệt quan tâm là chống đánh bắt bất hợp pháp IUU. Đây là vấn đề sẽ ảnh hưởng chung đến cả nước do đó các địa phương cần phối hợp chặt chẽ để quản lý các tàu cá đánh bắt bất hợp pháp.

Ngoài ra, công tác phòng chống cháy nổ tại cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão chưa thực sự hiệu quả, thường xuyên xảy ra các vụ cháy nổ tại các cảng biển gây thiệt hại cho ngư dân. Bên cạnh đó, hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm tại cảng cá cần được quan tâm và có các giải pháp xử lý. Trong thời gian tới, khi Luật Thủy sản có hiệu lực các đại biểu kiến nghị cần đào tạo tập huấn cho các cán bộ địa phương để nắm rõ phục vụ cho công tác điều hành.

Việc phân cấp quản lý quản lý cảng cá, bến cá và khu neo đậu tàu thuyền chưa thống nhất giữa các địa phương dẫn đến khó khăn trong công tác điều hành chung, khó thiết lập mối quan hệ giữa các cảng cá trong trao đổi thông tin, trong điều phối hoạt động của tàu ra vào cảng cũng như tổng hợp số liệu định kỳ về sản lượng khai thác cập cảng. Mức đầu tư cho cảng cá, KNĐTTB còn thấp, đặc biệt là khu vực ven biển miền Trung là nơi có tần suất bão cao, số lượng tàu thuyền khai thác lớn. Tình trạng các cảng cá, KNĐTTB bị quá tải, xuống cấp đã xảy ra ở một số địa phương.

Trong thời gian tới, để đưa Luật Thủy sản sửa đổi đi vào cuộc sống và các chính sách hướng đến sự phát triển lĩnh vực khai thác hải sản một cách bền vững và hiệu quả. Nhất là tăng cường vai trò điều hành, quản lý pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản của lực lượng kiểm ngư; hoàn thiện hệ thống quản lý nghề cá, củng cố lại hệ thống cảng cá và dịch vụ hậu cần nghề cá nhằm kiểm soát các tàu cá khai thác cũng như giảm cường lực khai thác ven bờ, hướng tới tiếp cận theo hệ sinh thái đưa nghề cá trở thành nghề cá hiện đại. Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Vũ Văn Tám chỉ đạo trong thời gian tới cần thực hiện ngay các hành động góp phần giúp ngành có biện pháp cấp bách thoát khỏi thẻ vàng của EU.

Các cơ quan quản lý và ban quản lý các cảng cá cần nghiên cứu kỹ các quy định trong Luật thủy sản sửa đổi cũng như các yêu cầu của Liên minh Châu Âu đối với chống đánh bắt bất hợp pháp cũng như triển khai các quy định. Điều chỉnh kịp thời công tác uqanr lý, giám sát tàu cá, cập nhật thống kê sản lượng lên bến, thay đổi cách thức xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác theo khuyến nghị của EC.

Ban quản lý các cảng cá địa phương cần nghiên cứu đề xuất tham mưu cho Bộ về mô hình quản lý cảng cá cho phù hợp với từng địa phương.

Thực hiện các biện pháp để đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn cháy nổ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường.

Thứ trưởng giao Tổng cục Thủy sản sớm ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn để thi hành Luật Thủy sản2017 . Tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn cho các địa phương về thực hiện các quy định trong Luật Thủy sản sửa đổi. Khẩn trương hoàn thiện bổ sung để ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 67 trong tháng 12/2017. Nghiên cứu triển khai hình thức hợp tác công tư trong cơ chế đầu tư xây dựng các hạng mục tại cảng cá. Điều chỉnh kịp thời về quản lý giám sát tàu cá, cập nhập thống kê sản lượng, truy xuất nguồn gốc theo quy định của EU; Chuẩn bị các tài liệu để tập huấn, hướng dẫn các quy định theo yêu cầu của các địa phương.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác