Kế hoạch khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về IUU (28-11-2017)

Ngày 23/11/2017, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã ký Quyết định số 4840/QĐ-BNN-TCTS, Phê duyệt Kế hoạch thực hiện một số giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Kế hoạch khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về IUU
Ảnh minh họa

Theo đó, các nhóm giải pháp được đưa ra theo 9 khuyến nghị, bao gồm: sửa đổi khung pháp lý đảm bảo tuân thủ quy định khu vực và quốc tế; đảm bảo thực hiện có hiệu quả các quy định pháp luật được sửa đổi về IUU; thực hiện quy định quốc tế và các biện pháp quản lý thông qua chế tài xử phạt nghiêm minh; thực hiện quy định quốc tế về truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; cải thiện hệ thống quản lý tàu cá; quản lý cường lực khai thác phù hợp; tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực; tuân thủ quy định việc thu thập và báo cáo dữ liệu nghề cá…

Về sửa đổi khung pháp lý, có 3 nhiệm vụ phải hoàn thành ngay trong tháng 11 này là: Sửa đổi Luật Thủy sản; trình Nghị định thay thế Nghị định số 53/2012/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về lĩnh vực thủy sản, trong đó bổ sung quy định cụ thể về lắp thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC về IUU.

Từ nay đến 15/12/2017, Bộ NN-PTNT tiếp tục phối hợp với Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng ban hành Kế hoạch hành động quốc gia nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác IUU đến 2025.

Bộ NN-PTNT sẽ trình lên Chính phủ Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 103/2013/NĐ-CP và Dự thảo Nghị định 41/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản, trong đó quy định cụ thể, đầy đủ, các hành vi, mức xử phạt và hình thức xử phạt bổ sung đối với khai thác IUU đã được quy định trong Luật Thủy sản 2017. Bên cạnh đó, Bộ sẽ xây dựng các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản năm 2017.

Từ nay đến 30/12/2017, Bộ sẽ ban hành một số Thông tư sửa đổi, bổ sung. Trong đó, quy định thẩm quyền xác nhận nguồn gốc sản phẩm thủy sản khai thác của Ban quản lý cảng cá, sửa đổi các biểu mẫu về nhật ký khai thác; trình tự, thủ tục quản lý nguyên liệu thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam; ban hành danh mục các loài thủy sản cấm khai thác. Bộ cũng sẽ trình Thủ tướng Chính phủ việc gia nhập Hiệp định đàn cá di cư của Liên Hợp Quốc và Hiệp định biện pháp của các quốc gia có cảng của FAO.

Cũng trong tháng 11, Bộ NN&PTNT ban hành văn bản chỉ đạo UBND 28 tỉnh, TP ven biển triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách khắc phục các khuyến nghị của EC về IUU. Bộ sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc về IUU với 28 tỉnh, TP ven biển; tổ chức các Hội nghị hướng dẫn địa phương về các giải pháp cấp bách có tính kỹ thuật để kiểm soát hoạt động thủy sản tại cảng; xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu nghề cá theo hướng tích hợp các thông tin về tàu cá, giấy phép khai thác, nhật ký khai thác và sản lượng lên bến để quản lý nghề cá và truy xuất nguồn gốc sản phẩm; thực hiện các quy định về kiểm soát nguyên liệu thủy sản khai thác NK; xây dựng các quy định và tổ chức thực hiện việc cấm khai thác IUU với các loài hải sâm, trai tai tượng.

Bộ NN-PTNT tiếp tục triển khai quyết liệt Công điện số 732/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó Chủ tịch UBND cấp tỉnh và người đứng đầu địa phương các cấp chịu trách nhiệm trước Thủ tướng nếu không ngăn chặn tàu cá địa phương vi phạm khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và thanh tra, xử lý, điều tra các hành vi vi phạm khai thác IUU theo quy định; lập và định kỳ công bố danh sách tàu cá vi phạm khai thác IUU.

Để khắc phục những tồn tại về hệ thống theo dõi, kiểm tra, giám sát theo yêu cầu của quốc tế và khu vực đảm bảo phục vụ cho chứng nhận, xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác, Bộ NN&PTNT sẽ phân bổ thiết bị đầu cuối lắp đặt trên tàu cá thuộc dự án Movimar và chia sẻ dữ liệu quản lý cho các địa phương; nâng cấp Trạm bờ tại Tổng cục Thủy sản (TCTS) và 28 tỉnh, TP ven biển đảm bảo thiết bị HF kết nối tự động cho trên 9.000 tàu cá đã được lắp đặt. Đồng thời tổ chức lại bộ máy quản lý của cảng cá đảm bảo đủ năng lực kiểm soát tàu cá ra vào cảng, thu nhật ký khai thác, báo cáo khai thác thủy sản và xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác. Xây dựng cơ sở dữ liệu giám sát hoạt động tàu cá (VMS) chia sẻ cơ sở dữ liệu giữa TCTS và 28 tỉnh, TP ven biển, các cơ quan chức năng có liên quan. Xây dựng, trình ban hành Kế hoạch tổng thể về tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và thanh tra hoạt động của tàu cá khai thác thủy sản trên biển và tại cảng cá theo quy định (mẫu của EC). Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Hệ thống thông tin thủy sản, trong đó có Dự án Hệ thống thông tin quản lý nghề cá trên biển giai đoạn II để giám sát các tàu cá khai thác hải sản trên các vùng biển, chống khai thác IUU, đảm bảo giám sát hành trình tàu cá theo yêu cầu của EC. Đưa vào sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về quản lý, đăng ký tàu cá, giấy phép khai thác thủy sản đồng bộ, chia sẻ từ TƯ đến địa phương.

Bộ NN-PTNT sẽ công bố trữ lượng nguồn lợi thủy sản đã được điều tra ở một số vùng biển làm cơ sở quy hoạch, tổ chức lại đội tàu khai thác hản sản phù hợp với khả năng cho phép của nguồn lợi thủy sản. Phê duyệt Quy hoạch khai thác hải sản xa bờ đến 2020, tầm nhìn 2030; chỉ đạo UBND các tỉnh ven biển kiểm soát số lượng tàu cá đóng mới theo quy hoạch. Tiếp tục thực hiện các quy định về hạn chế, cấm phát triển đóng mới tàu cá ven bờ, ra quy định về cấm đóng mới tàu làm nghề lưới kéo, chuyển đổi tàu cá làm nghề lưới kéo sang khai thác thân thiện với môi trường; sửa đổi kế hoạch quản lý cá ngừ phù hợp quy định quốc tế.

Tổ chức thực hiện việc chứng nhận, xác nhận theo quy định. Xây dựng phần mềm và áp dụng thí điểm hệ thống chứng nhận nguồn gốc điện tử phục vụ cho công tác chứng nhận và xác nhận. Quy định và tổ chức thực hiện việc kiểm soát nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc IUU nhập cảng thương mại để tái xuất hoặc tiêu thụ nội địa.

Về quan hệ quốc tế trong lĩnh vực nghề cá, Việt Nam sẽ tiếp tục đàm phán để trở thành thành viên chính thức của Ủy ban Nghề cá trung và tây Thái Bình Dương (WCPFC). Tiếp tục đàm phán ký kết thỏa thuận thiết lập đường dây nóng chống đánh bắt cá bất hợp pháp với Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Campuchia và một số nước, quốc đảo ở Thái Bình Dương. Tiếp tục đàm phán ký kết hợp tác nghề cá với Papua New Guinea, Brunei… Tiếp tục thực hiện các quy định về thu thập, báo cáo số liệu nghề cá ngừ cho WCPFC…

Ngoài ra, từ nay đến 10/12/2017, thành lập Tổ công tác Liên ngành về khai thác IUU, do Tổng cục Thủy sản chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan, các hiệp hội (VASEP, Hội nghề cá Việt Nam), thực hiện các hoạt động truyền thông nhằm đảm bảo thông tin về nỗ lực, giải pháp của Việt Nam về khắc phục IUU đến EC và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan…

Thu Hiền

Ý kiến bạn đọc

Tin khác