Từ bão Linda 1997, suy nghĩ về ứng phó thiên tai hiện nay (01-11-2017)

20 năm về trước, ngày 2/11/1997, cơn bão số 5 có tên gọi quốc tế là bão Linda có cường độ rất mạnh đã bất ngờ đổ bộ vào vùng biển Tây Nam bộ, gây thiệt hại rất nghiêm trọng về người và tài sản đối với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nhất là tỉnh Cà Mau. Cả hệ thống chính trị đã nỗ lực ứng phó, khắc phục thiệt hại, giúp đồng bào vượt qua nỗi đau, khôi phục sản xuất và ổn định cuộc sống. Nhìn lại sau hai thập kỷ bão đi qua, ông Tạ Quang Ngọc, nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản, đã có bài viết “Từ bão Linda 1997, suy nghĩ về ứng phó thiên tai hiện nay” đăng trên Tạp chí Thủy sản Việt Nam số 21, ra ngày 1/11/2017. Thông tin thủy sản xin giới thiệu toàn văn bài viết này.   
Từ bão Linda 1997, suy nghĩ về ứng phó thiên tai hiện nay
Ảnh minh họa

Ngày 2/11/2017 là tròn 20 năm xảy ra sự kiện khủng khiếp bão Linda, một trận cuồng phong dữ dội hoành hành từ chiều mùng 2 đến hết 3/11/1997, tàn phá tàu thuyền đang hoạt động trên Biển Đông và Tây Nam bộ và hủy hoại nhiều nhà cửa công trình ở ĐBSCL, gây thiệt hại nặng nề về tính mạng và tài sản nhân dân.

Thiệt hại nặng nề

            Báo cáo cuối đợt hoạt động tại hiện trường gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 21/12/1997, Đoàn công tác khắc phục bão số 5 (bão Linda) cho biết: Mặc dù đã cứu vớt được 5.323 người, nhưng số người chết tính tới lúc làm báo cáo là 737, số người chưa có tin tức là 2.033. Gần như những người chưa có tin tức này mãi mãi sau vẫn không liên lạc được! Như vậy là gần 2.800 sinh mạng, chủ yếu là ngư dân, đã bị bão cướp đi. Hằng năm, theo âm lịch là ngày 3/10, hàng nghìn gia đình lại thắp hương khóc thương người đã khuất. Năm nay, tròn 20 năm sự kiện tang thương này.

            Nhớ lại lễ truy điệu đầu tiên các nạn nhân cơn bão, do lãnh đạo và nhân dân tỉnh Kiên Giang tổ chức sau bão dăm hôm tại khu vực thủy sản 16 ha thuộc thị xã Rạch Giá (nay là khu đô thị sầm uất của TP Rạch Giá). Trước nhiều thi thể vớt trên biển đưa về, nước mắt đông đảo bà con tham dự chảy dài theo tiếng nhạc buồn của Lý Dũng Liêm trong bài anh vừa viết xong: “Sau cơn bão đi qua những niềm đau ở lại. Quê hương từ một đêm ngóng chờ tin từng ngày…!”. Thật khó quên giờ phút đó. Tôi muốn nhắc lại chi tiết này để thấy trách nhiệm của những người lo cho nghề biển, lo cho ngư dân đặng làm sao không để lặp lại cảnh này nữa.

            Ngoài số lớn người thiệt mạng là ngư dân, ngành thủy sản thiệt hại nặng nề, chiếm tới 38% tổng thiệt hại. Số tàu thuyền bị chìm, tan vỡ và mất tích lên đến 3.675 chiếc, sau gần hai tháng trục vớt được 2.505 chiếc và tính đến lúc đó vẫn còn 1.170 chiếc chưa có tin tức. Hệ thống nuôi trồng thủy sản và cơ sở dịch vụ hậu cần bị tàn phá gây nên sự giảm sút trầm trọng toàn diện, kéo theo sự giảm sút ngành chế biến thủy sản mấy năm sau. Một sự xáo trộn trong nghề khai thác hải sản lớn đến mức sau nhiều năm còn để lại hậu quả vì đã mất đi không ít năng lực khai thác thiện chiến trên hai ngư trường trọng điểm Đông và Tây Nam bộ, của các tỉnh nghề cá trọng điểm khai thác ở hai cụm ngư trường này. Các chương trình phát triển sản xuất như chương trình đóng mới tàu đánh bắt xa bờ bị ảnh hưởng lớn do thiếu lao động biển lành nghề, kéo dài cuối thập kỷ 90 và nhiều năm sau. Sự đau thương mất mát ấy là một mốc lịch sử không quên.

Sống chung với bão, lũ

            Nhưng cũng chính từ đó và từ những cái nghĩ “nếu như, giá như” trong khoảnh khắc này mà kể từ ngày ấy, chúng ta mới tập trung rút ra những kinh nghiệm quý báu chắt lọc từ đau thương mất mát. Từ tính mạng rất nhiều ngư dân và cảm xúc xót xa trong cộng đồng  xã hội mà có được những tiến bộ sau này về phòng, chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn, tạo điểm nhấn đầu tiên quan trọng làm chuyển biến về ý thức, về trách nhiệm và về năng lực trong quản lý, để hiện đại và tiên tiến dần về dự báo, về thông tin, làm thuận lợi hơn về tổ chức tránh trú bão với sự hình thành nên hệ thống hạ tầng nghề cá phù hợp, chuyên nghiệp hơn về công tác cứu hộ cứu nạn với những trang bị đủ năng lực hơn. Với những gì có được như hiện nay (đặc biệt qua điểm nhấn thứ 2 sau bão Chan Chu (tháng 5/2006) tập trung vào cải tiến dự báo và trang bị thông tin), chúng ta hy vọng rằng, dù rủi ro thiên tai vẫn lớn, yếu kém vẫn còn với những tiến bộ như vậy trong thiên tai tương tự như Linda trước đây 20 năm sẽ không có thiệt hại kinh khủng đến thế.

             Viết về bão Linda trong những ngày giữa tháng 10 này, khi nhiều nơi đang gồng mình chống chọi và khắc phục hậu quả mưa lũ. Lũ về dồn dập khiến nhiều địa phương phía Bắc và Bắc Trung bộ thiệt hại nhiều về người, tài sản. Đất sạt, đê vỡ, cầu sập… số nạn nhân tăng từng ngày và chưa dừng lại vì mưa lớn vẫn dồn dập, nước sông tiếp tục dâng. Lũ chồng lũ, mới 10 tháng mà dân ta đã phải hứng chịu 11 cơn bão. Nhiều người nhấn mạnh đến tính bất thường và bất ngờ của thời tiết do biến đổi khí hậu, cũng không thể không nhắc đến cả những yếu tố “nhân tai” do phá rừng và phát triển sai quy hoạch. Cùng với việc lo khắc phục và phòng chống thiên tai trước mắt, không thể quên cơn bão Linda để nâng cấp khả năng phòng tránh, giảm nhẹ hậu quả, giảm thiểu tính chất nguy hiểm của sự bất thường và bất ngờ.

            Ngày nay, vùng ĐBSCL đang đứng trước những thách thức lớn của biến đổi khí hậu, phải tìm kiếm những giải pháp đột phá có tính toàn diện để chủ động phát triển, chủ động đối phó. Trong hội nghị bàn về phát triển bền vững ĐBSCL tại Cần Thơ cuối tháng 9 vừa qua, việc chuyển đổi mô hình phát triển được Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm, chỉ đạo. Hy vọng, cũng như vậy từ sự chỉ đạo cấp cao nhất chúng ta sẽ lo một chiến lược chủ động và toàn diện về phòng chống thiên tai gắn liền với phát triển kinh tế ở nước ta. Tôi coi đây là điểm nhấn thứ 3 có tính cơ bản nhất, chủ động và lâu dài.

            Lại muốn nhắc một chi tiết 20 năm trước: Năm 1997, trước cơn bão Linda 5 tháng, Chính phủ ban hành chủ trương về phát triển tàu đánh bắt xa bờ (gọi dân dã lúc đó là vươn khơi). Sau bão Linda khoảng một tuần, Chính phủ tổ chức cuộc họp tại TP Hồ Chí Minh bàn việc khẩn trương khắc phục hậu quả cơn bão và khôi phục sản xuất; Nguyên Thủ tướng, Cố vấn Võ Văn Kiệt đến dự. Ông quan tâm đến nhiều nội dung cuộc họp, đặc biệt lo lắng về hậu quả đau thương sau bão. Trước giờ họp gặp tôi rầu rầu, ông nói với tôi một ý: Ra khơi nhưng không được để cho khơi khơi! Rõ ràng mọi sự không sát sao nói chung và trong thiên tai nói riêng của cán bộ quản lý dù ở cấp nào dễ dẫn đến hậu quả tai hại. Sau này mỗi khi được tin bão sắp tới, điều đầu tiên tôi nghĩ: Mình đã sâu sát chưa!

            Ngày nay, trước thách thức lớn của biến đổi khí hậu, thiên tai ngày một nguy hiểm hơn, phức tạp hơn và khó lường hơn. Với mỗi cơn bão việc dự báo chính xác cần gắn với thông tin nhanh và đúng địa chỉ, đồng thời phải kết hợp với tổ chức phòng tránh hữu hiệu và cứu hộ cứu nạn kịp thời, đó là bài học lâu nay ta đã rút ra từ nhiều cơn bão. Tuy nhiên tình huống thì mỗi lần một khác. Cái chính là ở trách nhiệm mà mức độ hạn chế hậu quả cao hay thấp. Cha ông ta xưa nói khái quát về địa lý nước ta: Tam sơn tứ hải nhất phần điền. Rõ ràng thiên tai ngoài biển là lớn, ngày nay hậu quả thiên tai  ở vùng trung du miền núi ngày một khốc liệt hơn. Mỗi một cơn bão vào bờ, kéo theo sau đó là mưa lớn, lũ quét kèm nhiều tai họa. Bão lũ liên hoàn! Do đó, cần có giải pháp và chiến lược cụ thể nhằm hài hòa hoạt động giữa phát triển sản xuất và phòng chống thiên tai từng năm và từng kế hoạch trung, dài hạn.

Tạ Quang Ngọc

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản

Ý kiến bạn đọc

Tin khác