Phát triển chuỗi sản phẩm cá Tra (09-10-2017)

Trong khuôn khổ Họi chợ Cá tra và các sản phẩm thủy sản Việt Nam diễn ra tại Hà Nội từ ngày 6 – 8/10/2017, chiều ngày 06/10/2017, tại Trung tâm Triển lãm nông nghiệp Việt Nam (Cầu Giấy, Hà Nội), Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với Hiệp hội cá tra Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát triển chuỗi sản phẩm cá Tra” với sự tham gia của các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về phát triển sản xuất, chế biến cá tra và phát triển thị trường tiêu thụ thủy sản.
Phát triển chuỗi sản phẩm cá Tra

Cá tra là nguồn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, chứa đầy đủ các chất axit amin cần thiết cho cơ thể con người, với lượng đạm chiếm khoảng 23-28% (cao hơn so với các loài cá nước ngọt khác), đồng thời chứa nhiều vitamin A, B, D và E, nhiều chất khoáng canxi, i-ốt, kẽm, sắt và sê len (thải chất kim loại nặng khỏi cơ thể). Sản phẩm cá tra cũng chứa nhiều chất béo chưa bão hòa, omega 3,6,9 (EPA và DHA), tốt cho phòng bệnh tim mạch, giảm Cholestrol trong máu. Hiện nay, diện tích nuôi cá tra tại Việt Nam trên 5.000ha/năm, trong đó các nhà máy chế biến quản lý 80% diện tích, còn lại thuộc các hợp tác xã. Các cơ quan quản lý nhà nước quản lý và giám sát 100% diện tích về môi trường dịch bệnh vùng nuôi cá; 70% diện tích nuôi được các tổ chức trong nước và quốc tế cấp chứng chỉ như: VietGAPs, ASC, GlobalGAP, BAP, Naturlande… Các nhà máy chế biến đều ứng dụng tiêu chuẩn quốc tế được cơ quan thẩm quyền của Hoa Kỳ và EU chấp nhận và thực hiện hợp tác quốc tế có trách nhiệm với cơ quan quản lý có thẩm quyền quốc tế như EU với Tổng vụ Y tế và An toàn thực phẩm; Hoa Kỳ  với cơ quan quản lý thực phẩm và Dược phẩm (FDA), cơ quan giám sát an toàn thực phẩm (FSIS) Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Chính vì vậy, các sản phẩm cá tra của Việt Nam hiện nay đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đươc có mặt tại 160 quốc gia, vùng và lãnh thổ.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã đánh giá tổng quan nghề nuôi cá tra Việt Nam giai đoạn 2010-2017, định hướng và giải pháp phát triển bền vững; thảo luận về các vấn đề như phát triển nghề nuôi cá tra trong bối cảnh hội nhập; quản lý chất lượng cá tra thương phẩm gắn với thực hiện GAP; đánh giá chất lượng phi lê cá tra khi sử dụng đậu tằm làm thức ăn… Theo đó, các đại biểu cho rằng, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cá tra tại thị trường miền Bắc còn hạn chế do công tác tuyên truyền cũng như cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho tiêu thụ thủy sản ở thị trường miền Bắc của cả hệ thống chính trị chưa đủ mạnh, người tiêu dùng miền Bắc biết rất ít về cá tra cũng như ít có cơ hội tiếp cận được sản phẩm thủy sản một cách hệ thống (chỉ thông qua tự tìm hiểu, qua giới thiệu hoặc ảnh hưởng gián tiếp qua truyền thông). Bên cạnh đó, mức tiêu thụ thủy sản ở vùng trung du và miền núi chưa nhiều do thói quen sử dụng thực phẩm chăn nuôi và gia cầm là chính. Chính vì vậy, để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cá tra tại thị trường miền Bắc, các chuyên gia đề xuất cần xây dựng chương trình tiêu thụ trong nước sản phẩm quốc gia tôm nước lợ và cá tra đến năm 2025; duy trì tổ chức hàng năm Hội chợ tiêu dùng cá tra và thủy sản Việt Nam tại Hà Nội, cũng như các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc. Đồng thời tăng cường quảng cáo hình ảnh cá tra trên các kênh truyền hình, hoàn thành ứng dụng truy xuất nguồn gốc cá tra trực tiếp từ người tiêu dùng.

Hà Kiều

 

Ý kiến bạn đọc

Tin khác