Hội nghị bảo vệ, phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thuỷ sinh và nguồn lợi thuỷ sản (31-08-2017)

Ngày 31/8/2017, tại Tp. Huế Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND tỉnh thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị bảo vệ, phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thuỷ sinh và nguồn lợi thuỷ sản.
Hội nghị bảo vệ, phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thuỷ sinh và nguồn lợi thuỷ sản
Thứ trưởng Vũ Văn Tám tham dự và chủ trì Hội nghị

Tham dự hội nghị có đại diện các cơ quan quản lý thuỷ sản các tỉnh, các cơ quan thuộc Tổng cục Thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các nhà khoa học, các viện nghiên cứu. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Vũ Văn Tám và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương đã đến dự và chủ trì hội nghị.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh đây là hội nghị quan trọng với sự tham gia của các cơ quan quản lý, các nhà khoa học để thảo luận đề xuất các giải pháp bảo vệ, phục hồi và tái tạo hệ sinh thái thuỷ sinh và nguồn lợi thuỷ sản. Thứ trưởng cho biết, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã giao Viện Nghiên cứu Hải sản khảo sát sự phục hồi của các rạn san hô, phối hợp với kết quả nghiên cứu của các cơ quan nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam để tham mưu Bộ Nông nghiệp và PTNT trình Thủ tướng Chính phủ quy mô và mức độ thực hiện Dự án Tái tạo phục hồi nguồn lợi vùng biển 4 tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng của sự cố môi trường.

Báo cáo của Viện Nghiên cứu hải sản cho biết, sau khi xảy ra sự cố môi trưởng biển, nguồn lợi thuỷ sản tại vùng biển 4 tỉnh miền Trung suy giảm mạnh, cấu trúc nguồn lợi biển có biến động lớn nhất là nhóm hải sản tầng đáy, hệ sinh thái rạn san hô và nguồn lợi sinh vật trong rạn bị suy thoái nghiêm trọng. Với những nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị trong thời gian qua trong việc khắc phục sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung, đến nay, một số nhóm nguồn lợi đang có dấu hiệu phục hồi, nguồn lợi sinh vật trong rạn san hô đã có sự gia tăng về mật độ nhưng vẫn thấp hơn trước khi có sự cố. Nghề cá ven bờ đã hoạt động trở lại nhưng chưa ổn định.

Tham luận tại hội nghị, Tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn, Việnn trưởng Viện Hải dương học, đã nêu những điểm cần lưu ý để thực hiện phục hồi rạn san hô. Cần có đánh giá trước phục hồi để thu thập dữ liệu cho việc lựa chọn địa điểm phục hồi. Tiếp đó, việc lựa chọn địa điểm phục hồi. Lý tưởng nhất nếu chọn được địa điểm phục hồi là nơi có chính quyền hoặc cộng đồng địa phương có nguyện vọng phục hồi để cải thiện các điều kiện của rạn. Việc lựa chọn loài phục hồi phải đúng loài và phương pháp phù hợp đối với từng mục đích nhất định. Ngoài ra, cần chú ý đến kỹ thuật tách, di chuyển và cố định mảnh tập đoàn san hô. Quá trình phục hồi cần được theo dõi và đánh giá tốc độ tăng trưởng, đánh giá sau phục hồi. Tiến sỹ Tuấn cũng giới thiệu các mô hình phục hồi và quản lý rạn san hô trong các khu bảo tồn biển, mô hình có sự tham gia của các doanh nghiệp và mô hình trang trại san hô với sự tham gia của công đồng. Theo Tiến sĩ Tuấn, những hiểu biết hạn chế về sinh học, sinh thái của các loài cần phục hồi, tầm nhìn ngắn hạn về hiệu quả sinh thái và kinh tế từ hoạt động phục hồi, tái tạo nguồn lợi, khó khăn trong huy động nguồn nhân lực và tài chính, thiếu chính sách phù hợp trong quản lý mặt nước, ý thức của người dân về tuân thủ luật pháp trên biển và tính thiếu bền vững của các mô hình đã xây dựng là những thách thức lớn để thực hiện thành công việc tái tạo, phục hồi các rạn san hô.

Đồng tình với đánh giá của các cơ quan nghiên cứu, đại diện tỉnh Quảng Trị cho biết, sau sự cố môi trường biển, nguồn lợi cá đáy không còn đã ảnh hưởng lớn đến sinh kế của người dân. Địa phương mong muốn các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học sớm đưa ra định hướng cụ thể để thực hiện phục hồi tái tạo hệ sinh thái, nguồn lợi thuỷ sản. Đại biểu xã Quảng Công, Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) đề xuất Bộ NN&PTNT sớm rà soát, đánh giá cơ cấu nghề nghiệp, tàu thuyền để có định hướng tổ chức sản xuất khai thác phù hợp nhằm gắn khai thác với bảo vệ, phục hồi nguồn lợi thuỷ sản vùng ven bờ. Tăng cường hoạt động của lực lượng kiểm ngư để kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác bất hợp pháp trên biển. Ngoài ra, có đại biểu đặt vấn đề, cần có đánh giá tổng thể theo hướng tiếp cận liên ngành trong một không gian nhất định để giảm thiểu sự xung đột giữa các ngành kinh tế, đảm bảo lợi ích của ngành thuỷ sản nói riếng và của các ngành kinh tế khác nói chung.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đánh giá cao các tham luận, các ý kiến của các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu đối với việc tái tạo, phục hồi hệ sinh thái nguồn lợi thuỷ sản khu vực biển 4 tỉnh miền Trung. Qua hội nghị, Thứ trưởng đề nghị các địa phương cần tiếp tục vận động ngư dân không khai thác cá tầng đáy để hỗ trợ phục hồi nguồn lợi thuỷ sản tầng đáy. Các tỉnh cũng cần nghiên cứu tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh cấm, cấm có thời hạn các nghề không thân thiện với môi trường, đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác trên biển, trong đó đề cao vai trò của các tổ chức cộng đồng như bài học kinh nghiệm của Thừa Thiên Huế. Lực lượng Kiểm ngư sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục tuần tra, kiểm soát hoạt động khai thác tại khu vực 4 tỉnh miền Trung. Trên cơ sở ý kiến tại hội nghị, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ đề xuất chính phủ cho thực hiện dự án Tái tạo phục hồi hệ sinh thái và nguồn lợi thuỷ sản vùng biển 4 tỉnh miền Trung.

Trước đó, sáng ngày 31/8/2017, tại cửa biển Thuận An (Thừa Thiên Huế), Tổng cục Thuỷ sản phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT Thừa Thiên Huế cùng với sự tham gia của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức lễ thả cá giống tái tạo nguồn lợi thuỷ sản.

L.Trì

Ý kiến bạn đọc

Tin khác