Lâm Đồng: Quản lý chuỗi sản xuất nông nghiệp bền vững, an toàn thực phẩm (28-07-2017)

Nhằm từng bước nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp, hình thành và quản lý các chuỗi sản phẩm nông nghiệp đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) và giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện kiểm soát ATTP theo chuỗi từ sản xuất đến thu hoạch, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng và nâng cao thương hiệu nông sản, nâng cao giá trị và khả năng tiêu thụ nông sản an toàn trong nước và chủ động trong hội nhập quốc tế, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa phê duyệt Kế hoạch và kinh phí hình thành và quản lý chuỗi sản xuất nông nghiệp bền vững, đảm bảo vệ sinh ATTP và giảm phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2017 tại Quyết định số 1601/QĐ-UBND.
Lâm Đồng: Quản lý chuỗi sản xuất nông nghiệp bền vững, an toàn thực phẩm
Ảnh minh họa

Theo đó, tại các địa phương trong vùng quy hoạch sản xuất nông, lâm sản và thủy sản của tỉnh Lâm Đồng, tỉnh đặt mục tiêu xây dựng thành công và chứng nhận 11 chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn gắn liền với giảm phát thải khí nhà kính, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng và ổn định thị trường, đưa tỷ lệ sản phẩm của các chuỗi được tiêu thụ thông qua hợp đồng đạt trên 90% và đưa tổng sản lượng nông sản của tỉnh được sản xuất và tiêu thụ thông qua hợp đồng tăng lên 30% so với năm 2016. Bên cạnh đó, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hệ thống kiểm soát trong chuỗi an toàn thực phẩm (giám sát, kiểm tra, thanh tra), đảm bảo kiểm soát có hệ thống, đánh giá rủi ro toàn bộ quá trình sản xuất và kinh doanh thực phẩm nông lâm sản và thủy sản trong chuỗi ATTP.

Nội dung chính của kế hoạch bao gồm: Xây dựng 11 chuỗi tập trung vào những sản phẩm chủ lực như: Rau các loại, chè, cà phê, cây ăn quả, các loại gạo; bò sữa, heo, gà,... Tiến hành khảo sát các cơ sở để lựa chọn xây dựng chuỗi ATTP gắn với giảm phát khí thải nhà kính: Khảo sát và đánh giá hiện trạng của các tổ chức sản xuất kinh doanh và phương thức quản lý ATTP nông, lâm thủy sản để làm cơ sở xây dựng chuỗi; lựa chọn hộ nông dân, Tổ hợp tác, Hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm,... để xây dựng các chuỗi ATTP.

Bên cạnh đó, hỗ trợ xây dựng chuỗi ATTP, cụ thể: đối với khu vực sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản: Xây dựng 03 loại sổ tay quản lý chất lượng; tổ chức đào tạo, hướng dẫn kiến thức về ATTP, phương pháp xây dựng và quản lý chuỗi ATTP, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho các tổ chức, cá nhân, hộ nông dân (khoảng 330 người tham gia); hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP cho hộ nông dân và cơ sở tham gia chuỗi. Đối với khu vực thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm: Hướng dẫn kiến thức sơ chế, chế biến, đóng gói đảm bảo ATTP; hỗ trợ lấy mẫu nước, sản phẩm tại nơi sơ chế, đóng gói để phân tích các chỉ tiêu về ATTP; hỗ trợ kinh phí thuê tư vấn và tổ chức đánh giá cấp các chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng ISO hoặc HACCP cho 2 chuỗi có đủ điều kiện; hỗ trợ mỗi chuỗi 01 bộ test nhanh để kiểm soát nguyên liệu đầu vào đảm bảo ATTP trước khi sơ chế, chế biến; hỗ trợ 02 cơ sở áp dụng thử nghiệm phần mềm nhận biết và truy xuất nguồn gốc sản phẩm an toàn.

Về quảng bá, liên kết tiêu thụ nông sản an toàn: Hướng dẫn các cơ sở tham gia chuỗi về tiếp thị, tiếp cận thị trường và ký kết tiêu thụ nông sản; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng 01 phóng sự; thực hiện liên kết thỏa thuận hợp tác tiêu thụ sản phẩm cho các chuỗi đã xây dựng thành công tại một trong số các tỉnh, thành phố đã ký kết hợp tác, liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với tỉnh Lâm Đồng. Về kiểm soát chuỗi ATTP và xác nhận sản phẩm an toàn: Thực hiện kiểm tra, lấy mẫu giám sát mức độ đảm bảo ATTP và đánh giá, phân loại hàng năm để duy trì các chuỗi ATTP đã được hỗ trợ; hướng dẫn các chuỗi lập hồ sơ và xác nhận sản phẩm an toàn đối với các sản phẩm đã hình thành theo chuỗi.

Hà Kiều

Ý kiến bạn đọc

Tin khác