Tổ chức đưa ngư dân đi khai thác hợp pháp ở vùng biển một số nước (26-06-2017)

Ngày 26/6/2017, tại Thành phố Vũng tàu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức Hội nghị “Góp ý đề án phát triển nghề khai thác viễn dương và tổ chức đưa ngư dân đi khai thác hải sản ở vùng biển một số nước”. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Thanh Tịnh và ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thủy sản đồng chủ trì Hội nghị.
Tổ chức đưa ngư dân đi khai thác hợp pháp ở vùng biển một số nước

Tham dự Hội nghị còn có ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, đại diện Bộ Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Đại diện Bảo hiểm Bảo Việt, các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản, lãnh đạo sở NN&PTNT các tỉnh: Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre, Tiền Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Bình Định cùng một số doanh nghiệp, ngư dân và cơ quan thông tấn, báo chí đến đưa tin hội nghị.

Thực hiện thỏa thuận về hợp tác thủy sản giữa Việt Nam và các nước. Trên cơ sở làm điểm các mô hình tổ chức cho ngư daan, doanh nghiệp đến khai thác và kinh doanh hợp pháp ở một số nước có thỏa thuận. Trên cơ sở đó, từng bước phát triển nghề khai thác viễn dương ở các vùng biển quốc tế nhằm phát triển kinh tế và tạo việc làm cho ngư dân…thúc đẩy hội nhập và phát triển hợp tác quốc tế, góp phần tham gia chủ quyền biển đảo. Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng đề án “Phát triển nghề khai thác viễn dương và tổ chức đưa ngư dân đi khai thác hải sản ở vùng biển một số nước”.

Hiện nay, trong bối cảnh năng lực khai thác của đội tàu nước ta tăng nhanh, gây áp lực lớn lên nguồn lợi, theo số liệu điều tra, sản lượng khai thác hiện nay đã có dấu hiệu vượt quá khả năng khai thác bền vững tối đa, nguồn lợi ở một số vùng biển suy giảm nhiều. Những năm gần đây, chính phủ đã ban hành Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản và một số chính sách khác, theo đó, nghề khai thác thủy sản đã có nhiều ưu đãi, số lượng và chất lượng tàu cá trên 90cv phát triển nhanh, đến nay đã có trên 33.000 tàu trên 90cv.  Tuy nhiên, việc gia tăng năng lực khai thác đã làm tăng thêm áp lực lên nguồn lợi. Hơn nữa hiện nay các nước đã tăng cường kiểm soát khai thác bất hợp pháp trên vùng biển của họ. Trong thời gian qua, số tàu vi phạm đánh bắt ở một số nước diễn biến phức tạp, đặc biệt là tại một số quốc đảo, gây ảnh hưởng đến ngoại giao cũng như nguy cơ cho xuất khẩu thủy sản, đặc biệt là thị trường EU. Việc tổ chức cho tàu đi khai thác hải sản ở  vùng biển của các nước khác một cách chính thống và hợp pháp là rất quan trọng.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã thu thập thông tin, tổng kết các mô hình sản xuất trên biển có liên quan, tổ chức các đoàn công tác khảo sát thực tế tại Brunei, Papua New Guinea, Micronesia, khẩn trương xây dựng dự thảo đề án, xin ý kiến của các tỉnh ven biển, các bộ ngành có liên quan.

Dự thảo đề án đề cập chi tiết đến khả năng hợp tác để đưa tàu đi khai thác ở vùng biển các nước triển vọng. Theo đó, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, tập trung xúc tiến đi khai thác tại Brunei, Papua New Guinea, Micronesia. Bên cạnh đó tiếp tục đàm phán với các quốc gia khác để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo.  Giai đoạn 2020 – 2025, trên cơ sở tổng kết các mô hình đã hợp tác với các nước, mở rộng hợp tác với các nước khác có thỏa thuận và vùng viển do Ủy ban Nghề cá Trung Tây Thái Bình Dương (WCPFC) quản lý và một số vùng biển quốc tế khác.

Dự thảo cũng tập trung phân tích và đưa ra một số mô hình hợp tác như: liên doanh liên kết với các nước để khai thác và hợp tác chính phủ. Lấy doanh nghiệp làm hạt nhân cho liên kết để tổ chức cho các tàu đi khai thác theo mô hình tổ hợp (Doanh nghiệp, tàu khai thác, tàu dịch vụ, cơ sở thu mua).

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về mô hình tổ chức để đưa tàu đi khai thác, trong đó thống nhất cao việc lấy doanh nghiệp làm trung tâm đại diện. Các chính sách về bảo hiểm khi tàu hoạt động ở nước ngoài để bảo đảm cho tàu đi khai thác, cách thức bán sản phẩm và xuất khẩu sản phẩm sang nước thứ 3, chính sách thuế nếu sản phẩm xuất khẩu về Việt Nam. Nhiều đại biểu cho rằng, cần tập trung hỗ trợ pháp lý và đàm phán, kết nối doanh nghiệp cho các mô hình; hỗ trợ đào tạo cho ngư dân về luật pháp, ngôn ngữ và văn hóa của nước sở tại, tránh rủi ro trong quá trình khai thác ở nước bạn; Hỗ trợ giải quyết pháp lý khi có tranh chấp; Hỗ trợ về thông tin từ nước hợp tác. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải chủ động kết nối với các doanh nghiệp của nước đến khai thác, tìm hiểu về luật pháp, quy định trong khai thác, chính sách đầu tư, thuế quan…

Tại Hội nghị, nhiều doanh nghiệp cho biết, đã có những bước tìm hiểu và đàm phán ban đầu và quyết tâm đưa tàu đi khai thác ở những nước đã có thỏa thuận hợp tác. Cần có trung tâm hỗ trợ tư vấn cho các mô hình, xây dựng đề án khung để các doanh nghiệp có căn cứ xây dựng đề án cụ thể.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám đánh giá cao sự vào cuộc của các địa phương và sự chủ động của các doanh nghiệp trong việc kết nối hợp tác. Để triển khai hiệu quả đề án, Thứ trưởng giao Tổng cục Thủy sản, vụ Hợp tác quốc tế và các đơn vị của Bộ NN&PTNT tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện dự thảo trình thủ tướng Chính phủ trước 30/6/2017.

Huy Linh

Ý kiến bạn đọc

Tin khác