Triển khai Nghị định 55/2017/NĐ-CP về quản lý nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra (24-06-2017)

Ngày 23/6/2017, tại Tiền Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị Triển khai Nghị định 55/2017/NĐ-CP và bàn giải pháp phát triển bền vững ngành hàng cá tra.
Triển khai Nghị định 55/2017/NĐ-CP về quản lý nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra

Thứ trưởng Bộ NN&PNT Vũ Văn Tám, Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, ông Trần Vũ Hiệp, Ủy viên chuyên trách Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ đồng chủ trì hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện Bộ Công Thương, các đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT, lãnh đạo Sở NN&PTNT các tỉnh vùng ĐBSCL, các cơ quan khoa học, các doanh nghiệp nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra cùng các cơ quan thông tấn báo chí đến đưa tin Hội nghị.Nghị định số 55/2017/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 9/5/2017 (Nghị định 55) về quản lý nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra, thay thế Nghị định 36/2014/NĐ-CP (Nghị định 36), sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2017. 

Nghị định 36 từ khi có hiệu lực đã phát huy hiệu quả quản lý, đưa ngành hàng cá tra đi vào nề nếp, phát triển theo hướng bền vững. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn phát sinh một số bất cập cần rà soát điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với thực tế.

Nghị định 55 thay thế Nghị định 36 với các nội dung cơ bản đã được rà soát điều chỉnh, bổ sung một cách đơn giản, đầy đủ để quản lý ngành hàng cá tra theo chuỗi từ nuôi – chế biến – tiêu thụ, quy định các điều kiện tối thiểu, truy xuất nguồn gốc… và sẽ hậu kiểm đối với điều kiện nuôi, chế biến, xuất khẩu. Do đó, mặc dù tổ chức, cá nhân không phải xuất trình giấy tờ chứng minh đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 7 Nghị định 55 khi làm thủ tục xuất khẩu sản phẩm cá tra cho cơ quan hải quan nhưng họ sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định nếu không chứng minh đủ điều kiện khi kiểm tra hậu kiểm.

Cũng theo Nghị định, các nhà máy chế biến cá tra phải đáp ứng yêu cầu mua nguyên liệu từ cơ sở nuôi cá tra đáp ứng quy định của Điều 3 về điều kiện nuôi cá tra thương phẩm và có hệ thống truy xuất nguồn gốc đến cơ sở nuôi đó thay vì 01 bước trước, 01 bước sau.

Như vậy, Nghị định 55 cùng với Thông tư 07/2017/TT-BNNPTNT ngày 21/3/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về QCVN “Sản phẩm thủy sản – cá tra phi lê đông lạnh” đã thiết lập một tiêu chuẩn chất lượng chung cho sản phẩm cá tra. Song song với đó, việc xây dựng và triển khai đề án về phát triển sản phẩm quốc gia cá da trơn sẽ tạo ra sản phẩm cá tra chất lượng cao, thương hiệu mạnh và phát triển bền vững.

Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu đánh giá cao nội dung của Nghị định, phù hợp với yêu cầu hiện nay của thị trường nhằm phát triển bền vững ngành hàng cá tra, các yêu cầu quản lý nhằm tạo ra sản phẩm cá tra chất lượng cao, xứng đáng là sản phẩm quốc gia, củng cố lòng tin của các nhà nhập khẩu và người tiêu dùng. Trong quản lý và phát triển ngành hàng này cần đi theo chuỗi, từ khâu giống, thức ăn, nuôi thương phẩm đến chế biến, tiêu thụ. Trong tất cả các khâu cần nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng. Mô hình sản xuất giống 3 cấp theo định hướng của Bộ là bước đi đúng đắn và bền vững cần mở rộng và liên kết chặt chẽ. Cần có quy hoạch sản xuất giống cụ thể và ban hành quy trình sản xuất giống chất lượng cao. Tăng cường quản lý thức ăn, môi trường, tạo hình ảnh vùng nuôi hiện đại.

Hiện nay vẫn còn tồn tại sự cạnh tranh không lành mạnh giữa cộng đồng doanh nghiệp, dẫn đến sự sụt giảm về giá bán. Do đó, cần loại bỏ những doanh nghiệp làm ăn không minh bạch.

Về một số quy định tại Thông tư 07, cần có lộ trình để giảm tỷ lệ mạ băng và hàm lượng nước để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Về thị trường, theo bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn: cần chú trọng thị trường Trung Quốc, đây là thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh và chiếm thị phần lớn nhất về xuất khẩu cá tra nên cần chủ động kiểm soát tốt chất lượng khi vào thị trường này, các cơ quan quản lý cần phối hợp với phía Trung Quốc minh bạch các tiêu chí về tiêu chuẩn chất lượng từ phía Trung Quốc, tránh rủi ro cho các nhà xuất khẩu. Bên cạnh đó, Nhật Bản là thị trường mới nổi và được hỗ trợ rất tốt về truyền thông cần được quan tâm. Thị trường EU vẫn là thị trường nòng cốt, cần có chiến lược truyền thông một cách bài bản, tránh bị bôi nhọ.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đánh giá, kết quả sản xuất của ngành hàng cá tra trong thời gian vừa qua đạt được những thành tựu lớn và có nhiều triển vọng phát triển, giá trị xuất khẩu tăng và khẳng định thương hiệu của con cá Tra Việt Nam. Tuy nhiên vẫn chưa bền vững và còn nhiều thách thức, đặc biệt là các rào cản kỹ thuật của các thị trường nhập khẩu.

Nghị định 55 đã đạt được sự đồng thuận cao trong cộng đồng doanh nghiệp, là khuôn khổ pháp lý quan trọng để quản lý và phát triển bền vững ngành hàng cá tra, các nội dung đã được quy định chi tiết, Thứ trưởng đề nghị các doanh nghiệp triển khai thực hiện ngay sau khi có hiệu lực, nếu có khó khăn vướng mắc, các địa phương cần tổng hợp gửi Bộ để có giải pháp tháo gỡ. Các cơ quan quản lý tăng cường công tác hậu kiểm và có giải pháp hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện.

Để phát triển ngành hàng cá tra một cách hiệu quả, bền vững, đáp ứng yêu cầu của thị trường và yêu cầu của sản xuất, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Về thị trường: Tập trung tháo gỡ các rào cản của thị trường Mỹ trên cơ sở hợp tác chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp Mỹ trong đánh giá tương đương, bên cạnh đó cần vận động hành lang song song với đấu tranh pháp lý, chuẩn bị các điều kiện để khi cần thiết có thể khởi kiện Mỹ ra WTO; Đối với thị trường EU, cần sẵn sàng các điều kiện khi FTA Việt Nam – EU được ký kết, tăng cường công tác truyền thông để tránh bị bôi nhọ; Hợp tác với các nước EU để tăng cường sự hỗ trợ kỹ thuật và đầu tư từ các nhà đầu tư trong khối EC vào sản xuất, đặc biệt là các ngành công nghiệp phụ trợ, xử lý môi trường…

Đối với thị trường Trung Quốc, cần kiểm soát tốt chất lượng và tạo sự bình đẳng giữa doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch và tiểu ngạch. Bên cạnh đó cần xúc tiến thương mại để mở cửa các thị trường tiềm năng khác.

Thị trường trong nước còn dư địa lớn, cần quan tâm mở rộng, bên cạnh đó cần đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng và tạo ra những sản phẩm mới. Cần giám sát tốt các hệ thống phân phối, các khâu trung gian để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Về tổ chức sản xuất: cần tập trung các giải pháp để cung ứng đủ giống tốt, sạch bệnh và tăng trưởng nhanh cho người nuôi, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp lớn phối hợp với các nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu, sản xuất giống chất lượng cao. Sớm hoàn thiện đề án sản xuất giống 3 cấp.

Triển khai các nhiệm vụ trong đề án phát triển sản phẩm Quốc gia cá da trơn với các dòng sản phẩm chất lượng cao, nâng cao giá trị, xây dựng thương hiệu mạnh.

Chú trọng công tác thông tin, truyền thông, xây dựng chiến lược truyền thông đối với tất cả các thị trường. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản sớm cùng với các doanh nghiệp sớm có đề xuất cụ thể về quỹ phục vụ công tác truyền thông cho ngành hàng cá Tra nói riêng và thủy sản nói chung.

Theo Tổng cục Thủy sản, tính đến 20/6/2017, lũy kế diện tích thả nuôi là 3.100ha, đạt 62,3% kế hoạch năm (tăng 1,3% so với cùng kỳ 2016), diện tích thu hoạch đạt 1.714 ha và sản lượng cá tra nguyên liệu đạt 519.260 tấn, bằng 45,2% so với kế hoạch 2017 (tăng 2,2% so với cùng kỳ 2016). Giá cá tra nguyên liệu giữ mức cao trong 4 tháng đầu năm, khoảng 26.000-27.000 đ/kg cỡ<1kg nên người nuôi có lãi từ 4.000-6.000đ/kg. Đến tháng 5/2017, giá cá thương phẩm trở nên ổn định với mức giá trung bình dao động trong khoảng 21.500-23.000 đ/kg loại 800-1kg/con và người nuôi vẫn có lãi.

Nhằm quảng bá hình ảnh, thương hiệu các sản phẩm cá tra tại thị trường nội địa, mở rộng thị trường quốc tế, khu vực, đặc biệt chú trọng thị trường Trung Quốc, từ ngày 06 – 08/10/2017, tại Hà Nội sẽ diễn ra Hội chợ CÁ TRA và các sản phẩm thủy sản Việt Nam.

Linh Huy

Ý kiến bạn đọc

Tin khác