Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thủy sản (sửa đổi) (21-06-2017)

Sáng ngày 20/6/2017, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Thủy sản (sửa đổi), tập trung thảo luận về 04 vấn đề lớn như cho giao, thuê mặt nước biển; Quỹ bảo vệ và phát triển thủy sản; lực lượng kiểm ngư; bảo tồn nguồn lợi thủy sản.
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thủy sản (sửa đổi)

Tại thảo luận, các đại biểu cơ bản đồng tình với nội dung của dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi) và cho rằng, trong tình hình khai thác thủy sản có nguy cơ tận diệt như hiện nay, nguồn lợi thủy sản suy giảm nghiêm trọng thì dự thảo Luật là căn cứ pháp lý quan trọng trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, quản lý về nuôi trồng, khai thác thủy sản. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi và môi trường kinh doanh cho các tổ chức, cá nhân tham gia trong hoạt động thủy sản, đẩy mạnh phát triển thủy sản thành ngành kinh tế theo chuỗi giá trị và hội nhập quốc tế.

  • Về chính sách của Nhà nước trong hoạt động thủy sản: Dự thảo đã đề cập đến nhiều chính sách về đầu tư, hỗ trợ kinh phí, chính sách khuyến khích cho hoạt động thủy sản tuy nhiên vẫn còn chung chung, khó thực thi, nhiều Đại biểu đề nghị cần có chính sách cụ thể, rõ ràng hơn, đặc biệt chú trọng đào tạo nguồn nhân lực khai thác thủy sản, đồng tình với Tờ trình của Chính phủ về việc cần có chính sách hỗ trợ bảo hiểm trong nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản xa bờ.
  • Về Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản: Một số ý kiến cho rằng cần xem xét việc thành lập thêm Quỹ cấp tỉnh, đại biểu Quốc hội Đặng Thị Phương Thảo – tỉnh Nam Định phân tích, theo thống kê sơ bộ, quỹ nguồn lực tài chính nhà nước ngoài ngân sách hàng năm ước tính khoảng 300.000 tỷ đồng, tuy nhiên, các quỹ này hoạt động còn kém hiệu quả do cơ chế quản lý lỏng lẻo, nhiều quỹ tồn dư không sử dụng đến, trong khi ngân sách nhà nước phải đi vay để chi và việc thành lập Quỹ sẽ phát sinh tổ chức, biên chế. Trái với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu – tỉnh Khánh Hòa và một số đại biểu khác cho rằng cần có quỹ trung ương và địa phương như dự thảo luật đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, tránh hình thức nhằm hỗ trợ người dân ở địa phương, ngoài mục đích bảo vệ phát triển thủy sản còn phục vụ mục đích hỗ trợ khắc phục sự cố liên quan đến môi trường, dịch bệnh và sự suy giảm nguồn lợi thủy sản.
  • Về giao cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản: Một số ý kiến đề nghị cần quy định chặt chẽ và rõ các trường hợp được giao mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản, cần thực hiện cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản, không để tình trạng giao, cho thuê rồi lại cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng; với đặc thù của hoạt động nuôi trồng thủy sản, nhiều đại biểu đồng tình về thời hạn cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản không quá 20 năm và nhiều đại biểu đề nghị quy định trong trường hợp mặt nước biển đã được giao, cho thuê mà không sử dụng  trong 12 tháng thì sẽ bị thu hồi. Theo đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận), quy định giao cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản là vấn đề quan trọng vì ảnh hưởng đến an ninh, chủ quyền quốc gia nên cần cân nhắc kỹ và nếu có, nên giao cho Chính phủ quy định để đảm bảo lợi ích hài hòa. Một số đại biểu cho rằng, cần cân nhắc việc giao UBND cấp tỉnh có thẩm quyền giao, cho thuê mặt nước biển, vì khó khả thi đối với các dự án có quy mô đầu tư trên diện tích lớn, trên địa bàn hai tỉnh.
  • Về lực lượng Kiểm ngư: Nhiều đại biểu Quốc hội nhất trí với phương án thành lập lực lượng kiểm ngư trung ương thực hiện tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại vùng xa bờ; hình thành kiểm ngư địa phương ở 28 tỉnh ven biển trên cơ sở phát triển, chuyển đổi lực lượng thanh tra chuyên ngành thủy sản ở các tỉnh để thực hiện nhiệm vụ tại vùng lộng và ven bờ, đặc biệt là thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong tình hình hiện nay, vì lực lượng thanh tra chuyên ngành không được trang bị phương tiện, công cụ như lực lượng kiểm ngư và thực tế hoạt động tuần tra, kiểm tra trên biển không thể áp dụng quy trình thanh tra.

Thảo luận về nội dung này đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (tỉnh Bến Tre) cho rằng, muốn phát triển kinh tế biển thì biển phải lặng. Trong những yếu tố góp phần làm biển lặng là lực lượng kiểm ngư. Hiện nay lực lượng kiểm ngư vừa yếu, vừa thiếu về lực lượng, trang thiết bị phương tiện, kinh phí; bên cạnh đó, quy trình thanh tra không phù hợp với đặc thù thực hiện trên biển và công tác thanh tra, kiểm tra trên biển còn ít, trong khi đó trên biển diễn biến rất phức tạp. Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (tỉnh Bình Thuận) ủng hộ việc thành lập lực lượng kiểm ngư Trung ương và kiểm ngư tại 28 tỉnh ven biển; theo đại biểu Nguyễn Thị Phúc, cử tri rất bức xúc đó là việc sử dụng ngư cụ để khai thác thủy sản mang tính tận diệt đang ngày càng gia tăng, do vậy, cần thiết có lực lượng thực thi pháp luật đủ mạnh như kiểm ngư để bảo vệ nguồn lơi thủy sản hiệu quả.

Một số đại biểu đề nghị bên cạnh việc thành lập kiểm ngư tại 28 tỉnh ven biển, cần thành lập cả lực lượng kiểm ngư tại các tỉnh có thủy vực sông lớn, giáp biên giới như An Giang, Đồng Tháp. Bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng chỉ nên duy trì lực lượng kiểm ngư trung ương và kiểm ngư vùng như hiện nay.

  • Về khai thác thủy sản: Cần có chế định quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác thủy sản, phải tuân thủ pháp luật quốc tế về hải phận đánh bắt, không xâm phạm lãnh thổ nước khác; chú trọng đến an toàn cho người và tàu cá trong quá trình khai thác thủy sản.
  • Về chợ đầu mối thủy sản: Một số ý kiến đề nghị quy định chi tiết hơn về chợ đầu mối, cần chú trọng phát triển tại các địa phương có nghề cá phát triển để hạn chế đầu lậu thu mua, ép giá và tập trung quản lý an toàn thực phẩm, hạn chế các chợ nhỏ lẻ, khó kiểm soát an toàn thực phẩm tại các cảng cá hiện nay.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã giải trình, làm rõ thêm về 4 nội dung được Quốc hội thảo luận; Bộ trưởng nêu, hiện nay nước ta có 110.000 tàu thuyền trên biển với công suất 16 triệu mã lực, đủ để khai thác 3,5 triệu tấn cá thủy sản trong một năm, giá trị 3,5 tỷ USD. Nếu chúng ta làm tốt, chuỗi giá trị còn tăng lên mặc dù sản lượng vẫn từng đó; lực lượng kiểm ngư sẽ làm nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát các hoạt động này. Do đó bên cạnh lực lượng kiểm ngư Trung ương tại 5 vùng như hiện nay; 28 tỉnh, thành ven biển phải từng bước thành lập lực lượng kiểm ngư, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng không kiểm soát được. Việc thành lập lực lượng kiểm ngư cấp tỉnh là cần thiết, giúp Luật Thủy sản (sửa đổi) hướng tới một ngành thủy sản phát triển và hội nhập.

Trước đó, ngày 07/6/2017, Quốc hội đã thảo luận tại 19 tổ về Dự án Luật Thủy sản (sửa đổi), qua đó đã có 117 lượt ý kiến phát biểu đóng góp cho Dự án Luật Thủy sản (sửa đổi).

  Minh Phương

Ý kiến bạn đọc

Tin khác