Phát triển nuôi trồng thủy sản các tỉnh phía Bắc (18-06-2017)

Ngày 16/6/2-17, tại Tp. Tuyên Quang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với UBND tỉnh Tuyên Quang tổ chức Hội nghị phát triển nuôi trồng thủy sản các tỉnh phía Bắc. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Đình Quang đã đến dự và chủ trì Hội nghị.
Phát triển nuôi trồng thủy sản các tỉnh phía Bắc

Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tổng cục Thủy sản, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT 25 tỉnh, thành phố phía Bắc, đại diện Hội, hiệp hội thủy sản và một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.

Các tỉnh phía Bắc có địa hình tự nhiên đa dạng, có thể phát triển nhiều loại hình NTTS như nuôi lồng bè trong hồ chứa, sông suối, nuôi ao, nuôi kết hợp trong ruộng lúa v.v.. và đa dạng đối tượng nuôi, phát triển các thủy sản đặc sản, có giá trị. Ngoài ra, một số vùng có thể phát triển nuôi các đối tượng chủ lực phục vụ xuất khẩu và có giá trị kinh tế cao như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá song, cá vược, cá giò, hàu, tu hài, ốc hương… Thị trường tiêu thụ các đối tượng thủy đặc sản thuận lợi do gần các thị trường lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Diện tích tiềm năng có thể phát triển NTTS của vùng còn rất lớn, khoảng 454.109ha, trong đó diện tích nuôi ngọt là 383.999ha và nuôi mặn lợ là 70.110 ha. Bên cạnh đó, các tỉnh miền núi phía Bắc còn có diện tích mặt nước của các hồ chứa, hồ thủy điện, hồ thủy lợi có thể phát triển nuôi cá lồng bè, nuôi cá hồ chứa. Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Vũ Văn Tám chỉ đạo, thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và PTNT, trong đó có tái cơ cấu ngành thủy sản, Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá tiềm năng phát triển, nhất là các đối tượng thủy đặc sản để phát triển NTTS gắn với bảo vệ, bảo tồn và tái tạo nguồn lợi. Đồng thời đưa ra các giải pháp mang tính đột phá để phát triển NTTS các tỉnh phía Bắc bền vững nhằm tạo sinh kế cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo và ổn định an sinh xã hội.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, trong giai đoạn 2010 – 2015 NTTS các tỉnh phía Bắc duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt, trong khi diện tích nuôi tăng bình quân 3,84%/năm thì sản lượng thủy sản lại có tốc độ tăng khá tới 7,76%. Năm 2016, diện tích nuôi trồng thủy sản của các tỉnh phía Bắc là 205.253 ha, giảm 9,75% so với năm 2015, trong đó nuôi ngọt đạt 157.767 ha (giảm 11,05%). Tuy nhiên, sản lượng nuôi trồng thủy sản lại duy trì được mức tắng, đạt 805.391 tấn (tăng hơn 10% so với năm 2015), trong đó sản lượng nuôi ngọt đạt 577.364 tấn (tăng 10,27%). 5 tháng đầu năm 2017, diện tích nuôi trồng thủy sản của các tỉnh phía Bắc đạt 200.734 ha (bằng 96,8% kế hoạch diện tích thả nuôi năm 2017), trong đó nuôi nước ngọt là 158.237 ha, nuôi mặn lợ là 42.497 ha. Sản lượng thu hoạch đạt 372.609 tấn (đạt 44,6% kế hoạch sản lượng nuôi năm 2017), trong đó sản lượng nuôi ngọt 270.874 tấn, nuôi mặn lợ 100.735 tấn.

Báo cáo kết quả nghiên cứu sản xuất giống của Viện Nghiên cứu NTTS 1 cho biết, trong nhiều năm vừa qua, công tác nghiên cứu các công nghệ chọn, tạo và sản xuất giống thủy sản đã được gắn với các định hướng phát triển, các mục tiêu chung của ngành Nông nghiệp nói chung và Thủy sản nói riêng. Thành công trong nghiên cứu khép kín vòng đời, làm chủ công nghệ chọn, tạo và sản xuất giống nhân tạo các đối tượng thủy sản đã góp phần chủ động, ổn định về số lượng, chất lượng con giống cung cấp cho người nuôi, thúc đẩy phát triển NTTS bền vững, từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, các chương trình chọn, tạo và sản xuất giống cũng như nghiên cứu sản xuất giống phục vụ phát triển nuôi trồng thủy sản ở các tỉnh phía Bắc vẫn còn có những mặt hạn chế về công nghệ, phương thức quản lý đặc biệt là nguồn nhân lực.

Tham luận của các đại biểu dự hội nghị đã khẳng định, tuy không có diện tích và sản lượng lớn để xuất khẩu nhưng phát triển NTTS tại các tỉnh phía Bắc trong thời gian qua đã đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế xã hội của các địa phương, ổn định sinh kế của người dân, góp phần cung cấp sản phẩm thủy sản phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại chỗ, đảm bảo an ninh thực phẩm và dinh dưỡng, tạo công ăn việc làm cho đồng bào miền núi và trung du. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đã nêu rõ những hạn chế trong phát triển NTTS của các tỉnh phía Bắc. Đó là công tác nghiên cứu sản xuất giống, nhất là nguồn giống bố mẹ, chưa đáp ứng yêu cầu. Giá thức ăn cao dẫn đến chi phí sản xuất lớn, trong khi giá bán sản phẩm không ổn định. Việc tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều kho khăn do chủ yếu là sản phẩm tươi sống trong khi cơ sở chế biến, thu gom sản phẩm còn rất thiếu và yếu.

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến tham luận đã đề xuất các mô hình nuôi trồng thủy sản hiệu quả, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phát triển thủy sản giữa các địa phương… Đồng thời, các đại biểu đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tổng cục Thủy sản hỗ trợ đẩy mạnh công tác nghiên cứu, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phòng, chống dịch bệnh nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi trồng, đào tạo, tập huấn NTTS theo tiêu chuẩn VietGAP; tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đánh giá tiềm năng, lợi thế của các tỉnh phía Bắc còn rất rất lớn để phát triển NTTS các đối tượng thủy đặc sản, bảo vệ và bảo tồn nguồn lợi thủy sản nội địa và ổn định sinh kế của người dân. Tuy nhiên, việc phát triển trong thời gian qua còn phân tán, nhỏ lẻ, công tác bảo vệ tái tạo nguồn lợi chưa được chú trọng, công tác nghiên cứ KHCN chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nuôi nước ngọt, sinh kế của người dân con khó khăn. Định hướng phát triển thời gian tới, Thứ trưởng nhấn mạnh phát triển NTTS toàn diện trên cơ sở tái cơ cấu ngành với các nhóm giải pháp KHCN để nâng cao năng suất, hạ giá thành, tổ chức lại sản xuất, hình thành các chuỗi liên kết trong NTTS. Trước mắt, phát triển sản xuất hướng tới thị trường nội địa còn nhiều tiềm năng, nhưng cần có định hướng mở rộng thị trường để xuất khẩu.

Thứ trưởng đề nghị cần rà soát các đối tượng nuôi có lợi thế trên cơ sở Quy hoạch Tổng thể ngành thủy sản, định hướng tái cơ cấu ngành để có điều chỉnh phù hợp. Tập trung giải quyết khâu giống, trong đó có vai trò quan trọng của các cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu trong việc xây dựng các chương trình nghiên cứu chọn tạo giống bố mẹ, chuyển giao công nghệ cho các địa phương để nhân rộng. Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào công tác nghiên cứu khoa học để phát triển sản xuất giống. Tổng kết các mô hinh thực tiễn két hợp với kết quả nghiên cứu để hướng dẫn địa phương nhân rộng trên địa bàn. Tăng cường kiểm soát tố môi trường, dịch bệnh, chấn chỉnh công tác bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản. Tổ chức điều tra nguồn lợi ở các thủy vực, các bãi đẻ để có các giả pháp thanh tra, kiểm tra và phát triển các mô hình quản lý dựa trên công đồng. Tổng cục Thủy sản phối hợp với tỉnh Hòa Bình và các tỉnh xung quanh hồ Hòa Bình dây dựng đề án thí điểm bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản trên hồ Hòa Bình để tổng kết nhân rộng mô hình.Ngoài ra, cần nghiên cứu đánh giá thị trường, trước mắt là thị trường nội địa để tổ chức lạ sản xuất theo chuỗi, giảm bớt khâu trung gian trong quá trình từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm lợi ích của người sản xuất. Tổng cục Thủy sản tiếp thu ý kiến tại hội nghị để tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và PTNT rà soát, đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp cho phát triển thủy sản nói chung và các tỉnh phía Bắc nói riêng.            

Trước đó, chiều ngày 15/6/2017, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đã đến thăm và khảo sát mô hình nuôi cá đặc sản của HTX Chăn nuôi cá đặc sản Thái Hòa thuộc huyện Hàm Yên.

L. Trì

 

Ý kiến bạn đọc

Tin khác