Báo cáo phản ảnh tác động tích cực của chứng nhận thủy sản (06-06-2017)

Một phân tích toàn diện về tác động của chứng nhận thủy sản bền vững trong việc bảo vệ tài nguyên biển đã được Hội đồng Quản lý Biển (MSC) công bố ngày 1/6/2017.
Báo cáo phản ảnh tác động tích cực của chứng nhận thủy sản
Ảnh minh họa

Báo cáo MSC về Tác động Toàn cầu năm 2017 đã mô tả hơn một nghìn ví dụ về sự thay đổi tích cực của các nghề cá được chứng nhận trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái biển.

Phân tích số liệu từ một mẫu nghề cá được chứng nhận và không được chứng nhận cho thấy rằng nghề cá được MSC chứng nhận có mục tiêu là bảo vệ nguồn lợi thủy sản dồi dào hoặc phục hồi nguồn lợi thủy sản. Các nghề cá được chứng nhận nói chung nhằm tăng khối lượng quần đàn trong những năm sau khi chứng nhận, và so với nghề cá không được chứng nhận, cho thấy sự khác biệt về tính bền vững của các nguồn lợi thủy sản mục tiêu.

Phát hiện này được đưa ra trước Hội nghị Đại dương Liên hợp quốc tổ chức tại New York vào tuần này để hỗ trợ thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) 14, kêu gọi bảo tồn và khai thác bền vững các đại dương. Báo cáo MSC cung cấp cho các chính phủ, ngành thủy sản và các tổ chức phi chính phủ bằng chứng về việc chứng nhận đáng tin cậy là một công cụ mạnh mẽ để xúc tiến và bảo đảm cải thiện nghề cá biển.

Rupert Howes, Giám đốc điều hành của MSC cho biết: “Chương trình MSC cung cấp cả sự công nhận lẫn động lực để đảm bảo trách nhiệm quản lý đại dương. 20 năm kể từ khi thành lập MSC, thủy sản được chứng nhận chiếm 12% tổng sản lượng khai thác biển toàn cầu. Các nghề cá được MSC chứng nhận nhằm mục tiêu tạo nên nguồn lợi thủy sản dồi dào và được quản lý tốt, bảo vệ các môi trường sống và các hệ sinh thái biển thông qua các cam kết liên tục cải thiện hoạt động của mình”.

Mục tiêu của MSC là vào năm 2020, 20% tổng lượng thủy sản đánh bắt tự nhiên đến từ các ngề cá tham gia vào chương trình MSC. Báo cáo cho thấy rõ ràng rằng với các động lực và hành động chính xác, nghề cá có thể đạt được hiệu quả bền vững cần thiết để đáp ứng SDG 14.

Báo cáo của MSC cho thấy 94% các nghề cá tham gia vào chương trình đã thực hiện ít nhất một cải tiến để đạt được hoặc duy trì chứng nhận, tổng cộng hơn 1.200 sự cải tiến trong 16 năm qua. Trong đó, 117 hoạt động của 39 nghề cá góp phần cải thiện hệ sinh thái, sự quản lý và thông tin. Tổng cộng, các nghề cá được MSC chứng nhận đã tham gia vào 46 dự án nghiên cứu khoa học mới như là một phần của các nỗ lực để hiểu rõ hơn và giảm thiểu tác động đến các hệ sinh thái.

Ví dụ, báo cáo nêu bật những nỗ lực đáng kể của ngư trường khai thác tôm nước lạnh ở Greenland trong việc bảo vệ hệ sinh thái. Ngư trường này đã đưa ra một dự án nghiên cứu với Hiệp hội động vật học London để phản ứng lại sự thiếu thông tin về hệ sinh thái ở đáy biển. Điều này đã giúp phát hiện ra một hệ sinh thái phong phú và thử nghiệm các biện pháp sáng tạo để bảo vệ biển, ngoài việc chỉ định một khu bảo tồn biển để bảo vệ các loài san hô quan trọng và bọt biển.

Tiến sĩ David Agnew, Giám đốc Khoa học và Tiêu chuẩn của MSC cho biết: “Đầu tư vào khoa học và nghiên cứu là một phần quan trọng trong cuộc hành trình của MSC trong 20 năm qua. Khoa học và quản lý nghề cá đang liên tục phát triển. Đó là lý do tại sao chúng tôi xem xét và cập nhật các tiêu chuẩn của chúng tôi một cách có hệ thống để phản ánh các thực tiễn tốt nhất trong khoa học thủy sản. Phiên bản sửa đổi của Tiêu chuẩn Thủy sản MSC, được công bố năm 2014, có sự gia tăng các yêu cầu về bảo vệ hệ sinh thái”.

Bảo đảm trong chuỗi cung ứng

Việc đảm bảo thủy sản bền vững chỉ là một vế của phương trình. MSC yêu cầu hải sản được chứng nhận có thể được theo dõi từ khai thác tới người tiêu dùng và kiểm tra tính toàn vẹn của hệ thống chứng nhận chuỗi một cách thường xuyên. Một nghiên cứu năm 2016 do MSC thực hiện đã thử nghiệm DNA của thủy sản bán tại 122 cửa hàng thủy sản và sản phẩm thủy sản của Anh. Nghiên cứu cho thấy sai sót trong ghi nhãn chỉ với tỷ lệ 1,64% ở các cửa hàng có chứng nhận MSC, so với hơn 8% ở các cửa hàng không được chứng nhận. Các kết quả kiểm tra DNA tổng thể từ năm 2009 đã cho thấy tỷ lệ sai sót trong ghi nhãn không đáng kể (<1%) đối với sản phẩm được chứng nhận MSC, so với trung bình toàn cầu là 30%.

Cần phải làm nhiều việc hơn nữa

Gần một nửa nghề cá hoàn thành việc tiền đánh giá tự nguyện theo Tiêu chuẩn Thủy sản MSC không tiến tới việc đánh giá đầy đủ, cho thấy họ phải nỗ lực để đạt được các yêu cầu về chứng nhận.

Báo cáo Tác động Toàn cầu của MSC đưa ra vị trí của các nghề cá được chứng nhận trong các hệ sinh thái biển lớn trên thế giới cho thấy tỷ lệ các nghề cá được MSC chứng nhận trong các khu vực có tầm quan trọng quốc tế đối với đa dạng sinh học. Các bản đồ cho thấy cần phải hỗ trợ các nghề cá quy mô nhỏ, đặc biệt là ở các nước đang phát triển trên con đường phát triển bền vững. MSC đang phát triển các công cụ mới và đầu tư vào nghiên cứu khoa học để hỗ trợ các nghề cá đạt chứng chỉ MSC.

Để các sáng kiến này có tác động về mặt quy mô, MSC khuyến khích cuộc họp cộng đồng quốc tế tại Liên Hợp Quốc để hỗ trợ các cơ chế khuyến khích dựa trên thị trường, bao gồm cả chứng nhận, như là một công cụ thiết yếu để đóng góp vào việc thực hiện SDGs. Người tiêu dùng cũng có thể thực hiện vai trò của mình bằng cách chọn hải sản có nhãn MSC xanh. Ngày Đại dương Thế giới, được tổ chức vào ngày 8 tháng 6, tạo cơ hội cho tất cả mọi người tham gia.

HNN (Theo thefishsite)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác