Sơ kết 02 năm thực hiện Đề án “Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi” (20-05-2017)

Ngày 20/5/2017, Tại Phú Yên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với UBND tỉnh Phú Yên tổ chức Hội nghị Sơ kết 02 năm thực hiện Đề án “Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi”. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Phú Yên Huỳnh Tấn Việt và Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Văn Trà và Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám đồng chủ trì Hội nghị.
Sơ kết 02 năm thực hiện Đề án “Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi”

Cá ngừ là đối tượng có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ lớn và còn nhiều dư địa cho phép phát triển khai thác. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xác định cá ngừ đại dương là một trong bốn đối tượng chủ lực, là sản phẩm quốc gia đối với ngành thủy sản trong thời gian tới.

Ngày 06/8/2014, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 3465/QĐ-BNN-TCTS phê duyệt đề án “Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi” với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị cá ngừ đại dương theo hướng công nghiệp, hiện đại, gắn khai thác với thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, hài hòa lợi ích giữa ngư dân và doanh nghiệp; đồng thời khai thác hiệu quả, bền vững nguồn lợi làm cơ sở để nhân rộng cho các nhóm đối tượng khác. Đề án được thực hiện thí điểm tại 3 tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa từ năm 2015 - 2020.

Qua hơn 02 năm triển khai, cùng với một số chính sách khác của Nhà nước, đội tàu khai thác cá ngừ cơ bản được hiện đại hóa, đã hình thành được các chuỗi sản xuất cá ngừ tại các tỉnh, chất lượng sản phẩm được nâng cao và giá bán sản phẩm ổn định, hình thức tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị đã được hình thành trong nhận thức của ngư dân và các cơ quan quản lý khai thác thủy sản.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, đến hết năm 2016, tổng số tàu cá khai thác cá ngừ của 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa là 2.372 tàu; Tổng sản lượng 92.192 tấn (bao gồm cá ngừ vây vàng, cá ngừ mắt to và cá ngừ vằn).

Hiện cả nước có nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá ngừ sang 138 thị trường trên thế giới, đứng đầu là thị trường Mỹ, tiếp đến EU, Thái Lan, Israel, Nhật Bản, Trung Quốc, Canada, Mexico... Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá ngừ chủ yếu tập trung ở các tỉnh Nam Trung Bộ và các tỉnh phía Nam, xuất khẩu cá ngừ. Các chủng loại sản phẩm cá ngừ xuất khẩu phong phú gồm: cá ngừ tươi nguyên con, đông lạnh nguyên con, chế biến đông lạnh, hấp chín đông lạnh, đồ hộp cá ngừ... Kim ngạch xuất khẩu năm 2016 đạt 509,786 triệu USD.

Qua 2 năm triển khai đề án, tại 3 tỉnh đã hình thành một số chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu với hệ thống thu mua và các tàu khai thác. Trong đó có 3 dạng mô hình cơ bản: mô hình doanh nghiệp làm trung tâm của chuỗi giá trị; Mô hình doanh nghiệp kết hợp với nậu vựa làm trung tâm của chuỗi; mô hình doanh nghiệp triển khai một chuỗi hoàn chỉnh. Cũng trong khuôn khổ Đề án, công nghệ khai thác, chế biến và đánh giá chất lượng cá ngừ của Nhật Bản cũng đã được đào tạo, chuyển giao tại Bình Định.  Ngoài ra còn có một số mô hình liên kết ngang giữa các tàu khai thác trên biển dưới hình thức tổ đội góp vốn và tổ chức liên kết giữa các tàu từ khai thác, bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm, luân phiên vận chuyển cá vào bờ tiêu thụ theo sự phân công của chủ đội tàu.

Với các hình thức liên kết chuỗi đã triển khai, chất lượng, giá trị sản phẩm cá ngừ được nâng lên rõ rệt; nhận thức, tay nghề, kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm của ngư dân được nâng cao; tạo sự đoàn kết, gắn bó và mối liên kết gắn bó giữa các tàu tham gia trong mô hình. Khi doanh nghiệp làm trung tâm của chuỗi có những cam kết bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ, khuyến khích bằng hình thức thưởng ngư dân khi họ thực hiện tốt công tác sơ chế bảo quản sản phẩm theo yêu cầu đã bước đầu tạo động lực để ngư dân tham gia vào quá trình nâng cao chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh đó, việc triển khai đề án cũng còn nhiều khó khăn như ngư dân ngại thay đổi thói quen, tập quán; việc mua bán sản phẩm của các doanh nghiệp vẫn còn hình thức mua xô, chưa tạo động lực để các chủ tàu đầu tư cải tiến công nghệ khai thác và bảo quản trên tàu để làm thay đổi chất lượng sản phẩm. Hiện ngư dân vẫn chạy theo số lượng hơn chất lượng; Một số doanh nghiệp tham gia xây dựng chuỗi liên kết với ngư dân nhưng thiếu vốn để thực hiện hoặc khả năng quản lý chưa đáp ứng được để thực hiện chuỗi; Việc nghiên cứu chuyển giao công nghệ tiên tiến cũng như trình độ tiếp nhận của ngư dân còn hạn chế; Doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu chưa thể hiện rõ vai trò trung tâm để làm động lực cho ngư dân đầu tư nâng cấp tàu, thực hiện đúng yêu cầu công nghệ, kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phầm; nhiều doanh nghiệp chưa thực sự chia sẻ lợi ích với ngư dân từ sản phẩm có chất lượng và giá trị được nâng cao. Cơ sở hạ tầng cảng cá, chợ cá chuyên dụng còn yếu cũng là yếu tố ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của chuỗi giá trị cá ngừ.

Tại Hội nghị, đại diện Ban chỉ đạo đề án tại 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đã báo cáo tình hình thực hiện các mô hình chuỗi liên kết, trong đó tập trung vào việc đánh giá những kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc khi thực hiện mô hình và định hướng giải pháp phát triển mô hình chuỗi trong thời gian tới.

Theo các đại biểu tham dự Hội nghị, Đề án này là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với nhu cầu thực tế của nghề khai thác hải sản Việt Nam, với cá ngừ là sản phẩm chủ lực, qua 2 năm thực hiện đã tập trung thí điểm một số mô hình chuỗi bước đầu có hiệu quả, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các khâu trong chuỗi.

Một số đại biểu cho rằng bảo quản trên tàu là rất cần thiết để nâng cao chất lượng cá và đây là điều ngư dân mong muốn, nhưng cần tổng kết công nghệ để phổ biến, tập huấn trực tiếp cho ngư dân.

Bên cạnh đó, ngư trường nghề khai thác cá ngừ rất xa, vì vậy cần có hệ thống thu mua, dịch vụ, tiêu thụ để tăng giá thành, đặc biệt là hậu cần dịch vụ trên các điểm đảo, hỗ trợ cơ chế cho tàu dịch vụ thu mua sản phẩm trên các điểm đảo.

Cần đầu tư cơ sở hạ tầng cảng cá, chợ cá chuyên dụng một cánh đồng bộ để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Hỗ trợ doanh nghiệp đủ mạnh, đủ lớn để xây dựng thương hiệu cho con cá ngừ Việt Nam, phát huy vai trò của tất cả các khâu trong chuỗi. Tăng cường sự minh bạch trong đánh giá chất lượng và giá cả sản phẩm.

Với dư địa của đối tượng cá ngừ vằn, cần chú trọng phát triển đối tượng này cả về khai thác, chế biến và phát triển thị trường, đa dạng hóa sản phẩm.

Đại diện Công ty TNHH Thịnh Hưng, Khánh Hòa cho rằng, mô hình chuỗi đang có chiều hướng tốt, cần phải xác định rõ tầm quan trọng của các khâu trong chuỗi theo hướng từ thị trường đến chế biến và khâu nguyên liệu. Khi thị trường tốt sẽ hỗ trợ được cho ngư dân. Tránh phụ thuộc thị trường đơn lẻ mà phải đa dạng hóa thị trường và đa dạng hóa sản phẩm để có thể tiêu thụ tốt sản phẩm cho ngư dân. Doanh nghiệp hỗ trợ ngư dân nhằm khuyến khích đầu tư khoa học kỹ thuật trong khai thác và bảo quản sản phẩm. Tăng cường đối thoại Doanh nghiệp – Ngư dân để hoàn thiện hệ thống chuỗi.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định cá ngừ là đối tượng còn nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển, đặc biệt là ngừ vằn. Đối với cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to, với trình độ khai thác, bảo quản, chế biến như hiện nay so với thế giới còn giới hạn, có thể tăng giá trị. Năng lực của chúng ta đối với ngành hàng này từ phương tiện, công cụ, kỹ thuật, chế biến, thị trường cần có bước phát triển mạnh hơn, đa dạng hóa mặt hàng, mở rộng thị trường.

Bộ trưởng đánh giá, qua 2 năm triển khai đề án, đã có những mô hình khá tốt, từ tổ chức khai thác, các khâu trung gian đến chế biến, thị trường. Đã xuất hiện mô hình chuỗi hướng tới bền vững, phân phối lợi nhuận phù hợp, công bằng. Công nghệ chế biến hiện đại.

Tuy nhiên việc triển khai các mô hình còn một số tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới, cụ thể:

Phạm vi mô hình trên cả 3 tỉnh còn nhỏ, tính lan tỏa chưa cao, vẫn còn tổ chức sản xuất theo truyền thống, chưa áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trên diện rộng; liên kết giữa các khâu trong chuỗi còn rời rạc; Công nghệ chế biến chưa được đầu tư đúng mức để tạo ra những sản phẩm giá trị cao; Về thị trường trong nước còn chưa được quan tâm đúng mức, cần phân dạng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm; Thiết kế hạ tầng chưa đồng bộ cho ngành hàng này, chưa xuất hiện phương thức giao dịch thị trường hiện đại; việc lồng ghép chính sách của nhà nước cho đặc thù của ngành hàng này chưa đồng bộ, phải đồng bộ chính sách ở 3 cấp độ: chính sách nhà nước, cấp tỉnh, và sự tham mưu của các hiệp hội ngành hàng; Việc đầu tư khoa học công nghệ cho ngành này chưa tương xứng từ nghiên cứu nguồn lợi, trữ lượng, phải liên tục được bổ sung cập nhật để đưa ra cơ sở khoa học, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học phục vụ điều tra nguồn lợi còn yếu. Chưa tổng kết được các ứng dụng khoa học để phổ biến, khuyến cáo phù hợp cho từng vùng phù hợp ở tất cả các khâu. Các trong chuỗi đều đang thu nhập thấp chưa tương ứng với tiềm năng, lợi thế, trong đó ngư dân là khâu thu nhập thấp nhất.

Với những tồn tại đó, Bộ trưởng đề nghị:

Tổng cục Thủy sản sớm hoàn thiện đầy đủ, tổng kết chi tiết kết quả 2 năm thực hiện Đề án để phục vụ cho chỉ đạo trong thời gian tới, làm cơ sở cho 3 tỉnh hoàn thiện đề án của tỉnh.

Rà soát cơ chế chính sách, đánh giá, đề xuất lồng ghép các chính sách và tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện. Đề xuất nhiệm vụ khoa học cho các lĩnh vực xung quanh ngành hàng này, phối hợp với các doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương để triển khai thực hiện; Viện Nghiên cứu Hải sản sớm đề xuất tàu nghiên cứu phục vụ điều tra trên biển.

Các địa phương phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thủy sản, các hiệp hội hoàn thiện đề án; Tổng kết sâu các mô hình trên biển, các ứng dụng kỹ thuật tiên tiến của nước ngoài đã chuyển giao để ứng dụng trên diện rộng.

Giao Tổng cục Thủy sản phối hợp chặt chẽ 3 tỉnh, hiệp hội ngành hàng và các bên tham gia lựa chọn mô hình tốt để tổ chức vinh danh (ngư dân, doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ cao…) với hình thức phù hợp.

Huy Linh

 

Ý kiến bạn đọc

Tin khác