Gỡ bỏ vướng mắc quy định về an toàn thực phẩm (27-04-2017)

Theo khảo sát của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện nay phần lớn các doanh nghiệp gặp khó khăn với thủ tục công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm theo Nghị định số 38/2012/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm (ATTP).
Gỡ bỏ vướng mắc quy định về an toàn thực phẩm
Ảnh minh họa

Theo quy định tại khoản 4, Điều 4, Nghị định 38/2012/NĐ-CP, việc chờ đợi ít nhất 15 ngày làm việc để được cấp Giấy xác nhận công bố phù hợp với quy định an toàn thực phẩm. Điều này đã và đang tạo ra không ít khó khăn cho các tổ chức, cá nhân, vô hình chung tạo thêm một “giấy phép con” cho các tổ chức, cá nhân, đi ngược lại tinh thần giảm bớt quy định và thủ tục hành chính trong giai đoạn hiện nay.

Hơn nữa, quy định này không phù hợp với thông lệ quốc tế vì hiện nay phương thức quản lý an toàn thực phẩm của nhiều nước trên thế giới (EU, Mỹ, Nhật Bản,…) không có phương thức tương tự và các nước chỉ thực hiện công tác quản lý nhà nước dựa trên 3 hoạt động chính: đánh giá điều kiện sản xuất, lấy mẫu phân tích và thanh, kiểm tra.

Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, vừa qua VASEP đã có văn bản góp ý cho Dự thảo 3 Nghị định sửa đổi Nghị định 38/2012/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm. Theo đó, VASEP đã kiến nghị Bộ Y tế điều chỉnh về phạm vi công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm đúng theo quy định tại Điều 12 của Luật ATTP và các Nghị quyết liên quan của Chính phủ như Nghị quyết số 103-2016 và Nghị quyết số 19/2017.

Về phạm vi công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, VASEP kiến nghị, chỉ đăng ký bản công bố hợp quy với thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi lưu thông trên thị trường; Bãi bỏ quy định cấp Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm do không có quy định trong Luật ATTP. Ngoài ra, miễn thực hiện việc công bố hợp quy và công bố sự phù hợp quy định an toàn thực phẩm, miễn ghi nhãn tiếng Việt Nam đối với thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm nhập khẩu vào Việt Nam dùng để sản xuất xuất khẩu, gia công hàng xuất khẩu và nhập kinh doanh để sản xuất tiếp hàng xuất khẩu, không tiêu thụ tại thị trường trong nước.

Về thời gian làm hồ sơ công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, VASEP kiến nghị sửa đổi quy định yêu cầu Cơ quan nhà nước tiếp nhận hồ sơ sẽ: kiểm tra Hồ sơ xem có đủ không ngay khi doanh nghiệp nộp hồ sơ, và thời gian cấp “Thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy” xuống còn tối đa là 3 ngày làm việc.

Sở dĩ có kiến nghị trên là theo Khoản 4 Điều 4 Nghị định 38, thời gian làm hồ sơ công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm là 15 ngày làm việc, tương đương khoảng 3 tuần. Tuy nhiên, nếu hồ sơ hợp lệ thì tính từ khi kiểm nghiệm đến khi nhận được Giấy xác nhận Công bố phù hợp an toàn thực phẩm, doanh nghiệp phải chờ ít nhất 1 tháng mới được bán hàng ra thị trường. Hơn nữa, trên thực tế, thời gian để doanh nghiệp làm thủ tục để được cấp Giấy Xác nhận không chỉ là 3 tuần như qui định trên, mà thông thường còn mất nhiều thời gian hơn thậm chí là gấp đôi thời gian quy định. Nguyên nhân là do nhiều trường hợp sau khi đã chờ đợi đến đủ 3 tuần, doanh nghiệp  lại mới nhận được thông báo là hồ sơ không đạt, yêu cầu doanh nghiệp lên Chi cục nhận lại hồ sơ và văn bản thông báo không đạt để về sửa lại hồ sơ. Doanh nghiệp lại tiếp tục nộp hồ sơ và được tính lại từ đầu là 15 ngày làm việc. Do vậy, thời gian làm thủ tục công bố hợp quy của doanh nghiệp thường rất lâu, dẫn đến nhiều khi các đối tác không thể chờ đợi nên đã chuyển sang mua hàng của nhà cung cấp khác, làm doanh nghiệp mất khách hàng, mất cơ hội kinh doanh, ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Về công tác thực thi, việc thực hiện của các cán bộ được giao trách nhiệm thực thi cũng tạo ra thêm các tổn thất về thời gian không đáng có cho doanh nghiệp. Để không mất thêm thời gian 21 ngày nữa, một số doanh nghiệp có nhờ kiểm tra viên xem lại hồ sơ nhưng các cán bộ này từ chối vì lý do không có thời gian dù chỉ mất 5-10 phút, trong khi nếu hồ sơ chưa đạt yêu cầu thì doanh nghiệp phải đợi thêm một số tuần nữa, mất đi rất nhiều cơ hội kinh doanh.

Từ thực tế trên, VASEP kiến nghị Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn để các Chi cục An  toàn Vệ sinh Thực  phẩm các tỉnh/thành phố khi tiếp nhận hồ sơ có thể kiểm tra sơ bộ hồ sơ và hướng dẫn ngay cho doanh nghiệp, nếu phát hiện có thiếu sót nào trong hồ sơ nhằm giúp doanh nghiệp giảm thiểu các sai sót trong hồ sơ khi nộp, tiết kiệm được thời gian chờ đợi, lưu kho và gia tăng cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp.

Về việc thực hiện gia hạn hồ sơ công bố, VASEP kiến nghị Bộ Y tế có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chính thức về vấn đề này đến các Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm các Tỉnh/thành để thống nhất cho phép gia hạn lại hồ sơ khi hồ sơ hết hạn nhằm giảm thời gian trả kết quả gia hạn hồ sơ công bố chỉ còn trong vòng 3 ngày làm việc, tương đương với thời gian cấp mới Giấy chứng nhận của các cơ quan quản lý Nhà nước thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT hiện nay. Lý do là việc yêu cầu công bố mới đối với các sản phẩm gia hạn lại gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp vì sẽ lại mất 21 ngày như đã nêu ở trên, trong khi thời gian quy định  cho việc gia hạn lại chỉ 7 ngày làm việc  (Khoản 4 Điều 8 Chương II Nghị định 38). Hơn nữa, doanh nghiệp phải chờ đến khi có Giấy Xác nhận công bố phù hợp an toàn thực phẩm mới tiến hành in hàng loạt bao bì và nhãn hàng hóa vì nếu thay đổi lại bộ hồ sơ công bố thì số của Giấy Xác nhận do Chi Cục cấp là số mới nên nhãn phải thay đổi. Do đó, doanh nghiệp phải bỏ nhãn cũ, in lại nhãn mới, tốn  kém  thêm chi phí và mất thêm thời gian.

Giáng Hương

 

Ý kiến bạn đọc

Tin khác