Nam Định: tăng cường đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản (11-04-2017)

Thực phẩm nói chung và thực phẩm thủy sản nói riêng là một trong những nhu yếu phẩm không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của người dân. Để các sản phẩm thủy sản khi đưa ra thị trường được đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng thì việc áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản từ khâu sản xuất giống, nuôi thương phẩm, thu hoạch, chế biến, bảo quản… là vô cùng cần thiết.
Nam Định: tăng cường đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản
Ảnh minh họa

An toàn thực phẩm trong sản xuất giống

Thời gian qua, tình hình sản xuất giống thủy sản trên địa bàn tỉnh Nam Định đã có bước phát triển nhất định. Toàn tỉnh hiện có 115 cơ sở sản xuất giống mặn lợ, 22 cơ sở sản xuất giống nước ngọt. Năm 2016, các cơ sở giống đã sản xuất cung ứng thị trường trong và ngoài tỉnh trên 10 tỷ con giống các loại, trong đó tôm sú giống là 137 triệu con, ngao giống gần 9 tỷ con. 

Tuy nhiên, số lượng con giống sản xuất ra vẫn chưa đáp ứng nhu cầu nuôi thả của các hộ nuôi, đặc biệt, giống tôm thẻ chân trắng vẫn phải nhập từ bên ngoài vào. Việc kiểm soát nguồn gốc, chất lượng con giống thủy sản nhập vào tỉnh gặp nhiều khó khăn do sự phối hợp thông tin kiểm dịch giữa các địa phương chưa chặt chẽ và thường xuyên. Ngoài ra, hiệu quả công tác quản lý sản xuất, kinh doanh giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản trên địa bàn tỉnh còn chưa cao do lực lượng cán bộ thú y, thủy sản còn mỏng. Bên cạnh đó, năng lực, trang thiết bị phục vụ chẩn đoán, xác định bệnh và xét nghiệm các chỉ tiêu môi trường nuôi thủy sản của tỉnh còn yếu và thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Nhằm đảm bảo quản lý tốt chất lượng con giống phục vụ nuôi trồng thủy sản, ngay từ đầu năm 2017, Chi cục Thủy sản tỉnh Nam Định đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện tiến hành thống kê, lập danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn tỉnh. Hoạt động sản xuất giống tại chỗ và nhập giống thủy sản được quản lý chặt chẽ. Toàn bộ nguồn giống nhập phải được đối chiếu giấy chứng nhận kiểm dịch, đánh giá chất lượng giống. Đồng thời, tiến hành thu mẫu xét nghiệm đối chứng, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm trong vận chuyển lưu thông giống nhằm ngăn chặn, loại bỏ những lô giống kém chất lượng, nhiễm bệnh.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng còn tăng cường kiểm tra dịch bệnh, vệ sinh thú y tại tất cả các cơ sở sản xuất và kinh doanh con giống thủy sản trong tỉnh; tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi thủy sản chủ động chọn mua những loại thức ăn, giống thủy sản đảm bảo chất lượng.

An toàn thực phẩm trong nuôi thương phẩm và chế biến

Về quản lý an toàn thực phẩm trong nuôi thương phẩm, Chi cục Thủy sản kết hợp chặt chẽ cùng các đơn vị khác như Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Chi cục Chăn nuôi và Thú y thường xuyên thực hiện các chương trình giám sát ô nhiễm sinh học và tồn dư hóa chất trong thủy sản, giám sát đảm bảo an toàn dịch bệnh các vùng nuôi thủy sản trọng điểm. Bên cạnh đó, cũng tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo các hộ nuôi về sử dụng hóa chất, chế phẩm sinh học đúng quy định; hướng dẫn kỹ thuật nuôi tốt, nâng cao nhận thức cho các hộ nuôi.

Ngoài ra, Chi cục Thủy sản cũng thường xuyên kiểm tra, đánh giá, phân loại cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn, hóa chất, chế phẩm sinh học dùng trong nuôi thủy sản, đảm bảo các cơ sở phải có đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra các công ty có sản phẩm vật tư đầu vào lưu hành trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo các loại vật tư trong nuôi thủy sản đều đạt yêu cầu chất lượng và được phép lưu hành theo quy định của pháp luật.

Chi cục Thủy sản thường xuyên tổ chức các lớp tuận huấn nhằm trang bị những kiến thức cần thiết cho người nuôi về kỹ thuật nuôi thủy sản và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Khuyến cáo người nuôi thả giống theo đúng lịch, thời vụ và chỉ thả những con giống đã được kiểm dịch đầy đủ. Theo các kỹ sư thủy sản, để đảm bảo sản phẩm thủy sản được sạch, an toàn thì trong suốt quá trình nuôi người nuôi không được sử dụng các hóa chất, chế phẩm sinh học,… không có trong danh mục được Bộ Nông nghiệp và PTNT cho phép sử dụng, không lạm dụng hóa chất, kháng sinh để chữa trị bệnh cho thủy sản, không xả nước và các chất thải từ ao, đầm nuôi khi chưa xử lý ra môi trường xung quanh.

Đặc biệt, thức ăn cho tôm phải được chọn lựa kỹ càng, người nuôi phải chọn loại sản phẩm có đầy đủ nhãn mác, đảm bảo không bị hết hạn, mốc… Đến gần thời điểm thu hoạch tôm, người nuôi tuyệt đối không sử dụng kháng sinh. Nhờ vậy, đàn tôm mới có sức khỏe tốt, không bị dịch bệnh, đảm bảo có nguồn thực phẩm thủy sản sạch cung cấp ra thị trường.

Ngoài yếu tố vật tư đầu vào như giống, thức ăn thủy sản, việc ứng dụng các tiêu chuẩn an toàn trong nuôi trồng, chế biến, bảo quản thực phẩm cũng được tỉnh Nam Định chú trọng. Trong thời gian tới, nhằm nâng cao chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản, Sở Nông Nghiệp và PTNT tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc chứng nhận xuất xứ sản phẩm thủy sản nuôi nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, phục vụ cho việc tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, xây dựng và triển khai chương trình nuôi có kiểm soát theo các tiêu chuẩn như GaqP, GMP, GlobalGAP đối với tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ngao, cá rô phi… Bên cạnh đó, sẽ nhân rộng việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến HACCP, GMP, SSOP… trong sơ chế, chế biến, bảo quản thủy sản nhằm tăng giá trị sản phẩm thủy sản.

Giáng Hương

 

Ý kiến bạn đọc

Tin khác