Cơ hội và thách thức đối với an ninh lương thực trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương (29-09-2016)

Hội nghị bộ trưởng APEC lần thứ tư về an ninh lương thực đã diễn ra tại Piura, Peru trong hai ngày 26-27/9 với sự tham gia của các bộ trưởng an ninh lương thực của của các nền kinh tế tham gia diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), đại diện tổ chức FAO, Trung tâm Khoai Tây Quốc tế và Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Thế giới. Ông José Manuel Hernández, Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và thủy lợi Peru chủ trì hội nghị.
Cơ hội và thách thức đối với an ninh lương thực trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương

Mục đích của hội nghị là nhằm thảo luận về việc đẩy mạnh an ninh lương thực trong khu vực và đạt được Hệ thống Thực phẩm APEC bền vững đến năm 2020.

An ninh lương thực đóng vai trò quan trong đối với sự phát triển và thịnh vượng trong khu vực. Trong những năm qua, các nền kinh tế APEC đã không ngừng quan tâm đến hệ thống lương thực và an ninh lương thực, kết nối người nuôi, ngư dân, các nhà chế biến thực phẩm và người tiêu dùng nhằm thúc đẩy sự đóng góp của ngành nông nghiệp đối với các nền kinh tế các nước APEC.

Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo APEC đã tổng kết và đánh giá cao các hoạt động nhằm thúc đẩy an ninh lương thực trong khu vực trong những năm qua như sự thông qua và thực hiện một số chính sách: Đối tác chính sách dành cho an ninh lương thực của APEC (PPFS), Lộ trình An ninh lương thực APEC đến năm 2020, Kế hoạch hành động nhằm thúc đẩy sự kết nối các tiêu chuẩn thực phẩm của APEC và đảm bảo an toàn thực phẩm, các diễn đàn như Nhóm Công tác về Hợp tác Kỹ thuật Nông nghiệp (ATCWG); Nhóm công tác về thủy sản và đại dương(OFWG) và Đối thoại chính sách cấp cao về Công nghệ sinh học nông nghiệp và Diễn đàn ngành Thực Phẩm châu Á Thái Bình Dương (AP-FIF).

Cơ hội và thách thức

Trong những năm qua, các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực APEC đã có sự chuyển đổi lớn về nông nghiệp và an ninh lương thực do sự phát triển nhanh chóng của đô thị hóa, các nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có, sự thay đổi về thu nhập, thị hiếu tiêu dùng, sự tiến bộ kỹ thuật, và sự chuyển đổi về hệ thống lương thực. Điều này đã tác động đến cung và cầu thực phẩm và đặt ra những thách thức và cơ hội cho chính phủ các nước thành viên APEC trong việc sản xuất lương thực trong tương lai, an toàn thực phẩm, phát triển nông thôn, giảm đói nghèo, thương mại thực phẩm và môi trường, đảm bảo vừa phát triển nông nghiệp và thủy sản và làm hồi sinh các cộng đồng thủy sản và nông thôn, vừa gắn gới phát triển bền vững an ninh lương thực.

Năm 2050, dân số thế giới sẽ đạt 9.7 tỷ, đồng nghĩa với việc nhu cầu thực phẩm sẽ tăng lên 60%. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên thiên nhiên của thế giới đang phải chịu sức ép lớn do đất đai kém màu mỡ, nhu cầu sử dụng nước cho nông nghiệp ngày càng tăng, đa dạng sinh học suy giảm và áp lực về thủy sản toàn cầu. Tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương, vùng chiếm ½ sản lượng ngũ cốc toàn cầu, sự phát triển về sản lượng ngũ cốc lại phục thuộc vào sự mở rộng diện tích đất trồng trọt, sự tăng năng suất và điều kiện thời tiết thuận lợi. Bên cạnh việc phát triển sản lượng, thì việc tăng hiệu suất của toàn bộ chuỗi giá trị là vô cùng cần thiết.

Thủy sản và nuôi trồng thủy sản bền vững đóng một vai trò quan trọng đối với an ninh lương thực trong khu vực. Các nước thành viên khu vực APEC đóng góp trên 80% sản lượng nuôi trồng thủy sản và hơn 65% sản lượng khai thác toàn cầu. Mức tiêu dùng thủy, hải sản của khu vực APEC cao hơn rất nhiều so với mức trung bình của thế giới. Do vậy, việc tăng sản lượng khai thác, nuôi trồng và giảm tổn thất sau thu hoạch cũng là một thách thức đối với các nước khu vực APEC.

Khu vực APEC cũng đang phải đối mặt với các thách thức về an ninh lương thực như hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng tăng do biến đổi khí hậu, thiếu nguồn nhân lực và nhu cầu ngày càng tăng đối với thực phẩm an toàn và giàu dinh dưỡng.

Giải pháp

Trước các thách thức trên, hội nghị thảo luận và đưa ra các giải pháp để giải quyết như từng bước đẩy mạnh thương mại thực phẩm, hội nhập các nhà sản xuất lương thực như các hộ gia đình, ngư dân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ để tạo thành các chuỗi giá trị và cung cấp thực phẩm trong nước và thế giới, giải quyết các tồn đọng nảy sinh từ các kẽ hở về cơ sở hạ tầng, các quy định thương mại cồng kềnh và không cần thiết; áp dụng các kỹ thuật công nghệ tiên tiến nhằm tăng năng suất và hỗ trợ hệ thống lương thực; và củng cố năng lực và tăng cơ hội cho phụ nữ, thanh niên và các nhóm dễ tổn thương trong nông nghiệp, thủy sản và nuôi trồng thủy sản; tăng cường hợp tác và phối hợp trong nước và trong khu vực nhằm thúc đẩy an ninh lương thực vùng.

Về phát triển bền vững hệ thống lương thực, hội nghị thống nhất phát triển nông nghiệp, thủy sản kết hợp với quản lý môi trường bền vững, bảo tồn và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên. Theo đó, các nước APEC sẽ thông qua các chính sách và mở rộng hợp tác về kinh tế và kỹ thuật nhằm tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên như chia sẻ các thực hành tốt nhất về quản lý, sử dụng nguồn nước, các kế hoạch quản lý bền vững môi trường sống của các loài cá và hệ sinh thái biển bao gồm thúc đẩy các giải pháp quản lý rác đại dương. Ngoài ra, các nước APEC sẽ hợp tác nhằm ngăn chặn, giảm trừ và loại bỏ đánh cá bất hợp pháp, không báo các và không theo quy định (IUU) trong khu vực bao gồm tăng cường phát hiện và ngăn chặn không cho các sản phẩm khai thác IUU vào thị trường. Bên cạnh đó, hội nghị thống nhất kêu gọi các nước thành viên đẩy mạnh tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí khậu thông qua việc cam kết hợp tác về thực hiện các hệ thống lương thực thân thiện với môi trường, tăng cường quản lý và đánh giá, dự báo rủi ro trong nông nghiệp và thủy sản; khuyến khích phát triển các sáng kiến Phát triển Nông nghiệp bền vững và đánh giá cao việc tổ chức các hội thảo về các chủ đề liên quan trong 3 năm tới nhằm học hỏi về công nghệ và trao đổi kinh nghiệm,…

Về khoa học công nghệ, hội nghị đánh giá cao vai trò của công nghệ sinh học trong nông nghiệp đối với việc giải quyết các thách thức về an ninh lương thực và thúc đẩy thích ứng đối với biến đổi khí hậu và thống nhất công nghệ sinh học nến được áp dụng trong nông nghiệp sao cho phù hợp với luật và quy định của từng nước. Hội nghị cũng thống nhất thúc đẩy các sáng kiến khoa học công nghệ áp dụng trong sản xuất thông qua việc chia sẻ các thông tin, thực hành, kinh nghiệm trong việc áp dụng các sáng kiến giữa các nước APEC.

Về dịch vụ, cơ sở hạ tầng cho an ninh lương thực, hội nghị đánh giá cao vai trò của việc đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng cho sản xuất lương thực và thống nhất từng bước thúc đẩy môi trường đầu tư vào giao thông, dịch vụ hậu cần và các dịch vụ khác nhằm cải thiện nuôi trồng và kết nối với các thị trường bán lẻ, đặc biệt và khu vực nông thông và thành phố cấp 2 trong khu vực APEC. Ngoài ra, hội nghị thống nhất thúc đẩy sự hợp tác khu vực kinh tế công-tư tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công nghệ và dịch vụ nhằm đảm bảo khả năng tiếp cập và sử dụng nguồn nước một cách thích hợp.

Về việc hướng tới Hệ thống lương thực APEC 2020, hội nghị thống nhất tăng cường thực hiện Chính sách Cộng tác về An ninh Lương thực thông qua việc tổng kết kết quả, đánh giá quá trình thực hiện nhằm đảm bảo hiệu quả của chính sách. Hội nghị cũng thống nhất tăng cường sự tham gia có hiệu quả của thành phần kinh tế tư nhân trong việc đảm bảo an ninh lương thực; đồng thời nhấn mạnh việc sản xuất, cơ sở hạ tầng, đầu tư và thương mại là các nhân tố chính thúc đẩy sự phát triển bền vững an ninh lương thực trong khu vực và thế giới.

Hội nghị bộ trưởng APEC lần thứ tư về an ninh lương thực đã kết thúc tốt đẹp và thống nhất Việt Nam sẽ là nước đăng cai tổ chức Tuần An Ninh Lương Thực năm 2017 bao gồm các Đối thoại chính sách cấp cao về An ninh Lương Thực.

Giáng Hương

Ý kiến bạn đọc

Tin khác