Hội thảo bàn giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng VietGAP (19-11-2015)

Ngày 17/11, tại thành phố Cần Thơ, Tổng cục Thủy sản phối hợp với Sở Nông nghiệp &PTNT tỉnh Cần Thơ đã tổ chức Hội thảo bàn giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng VietGAP trong nuôi trồng thủy sản. Tham dự Hội thảo có sự tham sự của lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, Vụ NTTS, ban quản lý WWF, chi cục NTTS một số tỉnh, Hiệp hội cá tra, tổ chức chứng nhận VietGAP, các công ty sản xuất chế biến thủy sản. Ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản chủ trì Hội thảo.
Hội thảo bàn giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng VietGAP

Hội thảo đã nghe báo cáo về tình hình thực hiện chương trình VietGAP giai đoạn (2011-2015) và kế hoạch triển khai thực hiện năm 2016. Chương trình VietGAP trong nuôi trồng thủy sản đã được Tổng cục Thủy sản nghiên cứu xây dựng và triển khai áp dụng trong 5 năm qua. Năm 2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quy phạm thực hành VietGAP chủ yếu dành cho 3 đối tượng chủ lực: cá tra, tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Với mục tiêu đưa ngành nuôi trồng thủy sản phát triển một cách bền vững, sản phẩm thủy sản đảm bảo về: an toàn dịch bệnh, đảm bảo môi trường an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo an sinh xã hội. Trong 5 năm triển khai thực hiện đến cuối tháng 10-2015, cả nước có 75 cơ sở nuôi trồng thủy sản được chứng nhận VietGAP trên tổng diện tích hơn 686 hecta. Trong đó nhiều nhất là 42 cơ sở nuôi cá tra, diện tích361 hecta, 23 cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng (233 hecta), còn lại là các cơ sở nuôi  tôm sú, cá rô phi, tôm càng xanh. Hiện nay đã có 09 tổ chức chứng nhận được phép đi đánh giá và cấp giấy chứng nhận VietGAP trong lĩnh vực thủy sản đó là:  Công ty CP chứng nhận Globalcert; Trung tâm chuyển giao Công nghệ và Dịch vụ Thủy sản Việt Nam (FITES); Công ty TNHH Công nghệ NHONHO; Trung tâm Chất lượng Nông lâm Thủy sản vùng 4; Trung tâm chứng nhận phù hợp Quacert; Trung tâm Khảo nghiệm-Kiểm nghiệm-Kiểm định Nuôi trồng thủy sản; Trung tâm Chất lượng Nông lâm Thủy sản vùng 2; Công ty CP chứng nhận và Giám định Vinacert; Trung tâm Chất lượng Nông lâm Thủy sản vùng 5.

Theo ông Võ Hùng Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra, việc triển khai áp dụng VietGAP rất quan trọng và cần thiết đối với mặt hàng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam hiện nay. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế sâu rộng FTA Việt Nam - Hàn Quốc, FTA Việt Nam với Liên minh kinh tế Á - Âu. Bên cạnh đó, FTA Việt Nam - EU, Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp hoàn tất sẽ mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu tôm Việt Nam. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản của nước ta mở rộng thị trường và hưởng mức thuế ưu đãi từ các Hiệp định. Tuy nhiên, khi hàng rào thuế quan dần được loại bỏ, các thị trường tiêu thụ tôm được coi là khó tính và có giá trị cao như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... ngày càng đặt ra các quy định ngặt nghèo. Cùng với tiêu chuẩn về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hoá là yêu cầu mà các thị trường này đang đòi hỏi các doanh nghiệp phải vượt qua. Ngoài ra, các thị trường này còn đòi hỏi các yêu cầu về an sinh xã hội, điều kiện sản xuất cực kỳ khó khăn. Chính vì vậy, theo Ông Dũng ngay từ bây giờ chúng ta cần xây dựng bộ tiêu chuẩn VietGAP phù hợp để ứng dụng rộng rãi và tiến tới hài hòa, công nhận tiêu chuẩn lẫn nhau giữa VietGAP với các tiêu chuẩn quốc tế như GlobalGAP, ASC, BAP và tham gia chương trình GSSI. Từ đó đưa thương hiệu thủy sản VietGAP trở thành thương hiệu mạnh và đủ sức cạnh tranh với các nước khác trên thế giới.

Riêng với lĩnh vực cá tra, theo ông Võ Hùng Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra, do chưa hài hòa tiêu chuẩn quốc tế nên cá tra Việt Nam đang chịu sự ràng buộc của chín bộ tiêu chuẩn về nuôi trồng thủy sản bền vững quốc tế do các tổ chức phi chính phủ đặt ra mặc dù đều theo tiêu chuẩn của FAO về bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, bảo đảm sức khỏe động vật và an sinh xã hội. Do vậy người nuôi cá tra gặp khó khăn trong việc định hướng áp dụng tiêu chuẩn nào có hiệu quả. Mặc khác, việc thực hiện cùng lúc các tiêu chuẩn sẽ gây tốn kém nhiều cho người nuôi.

Cuối năm nay, tiêu chuẩn VietGAP trong ngành thủy sản sẽ tham gia chương trình Tổ chức Sáng kiến nuôi trồng thủy sản bền vững toàn cầu (gọi tắt là GSSI), một mốc quan trọng để ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam được quốc tế công nhận nhằm quảng bá rộng rãi và kết nối thị trường dễ dàng hơn trong thời gian tới. Để đồng bộ tiêu chuẩn VietGAP với nhiều bộ tiểu chuẩn quốc tế và tham gia GSSI, Tổng cục Thủy sản đã ký biên bản ghi nhớ với tất cả các tổ chức này để lập bản đồ so sánh đối chiếu, đánh giá và công nhận hài hòa lẫn nhau. Điều này nhằm giảm thiểu chi phí chứng nhận cho cơ sở nuôi đạt nhiều tiêu chuẩn khác nhau cũng như khẳng định vai trò, vị thế của VietGAP.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Ông Nguyễn Huy Điền đã đề nghị Vụ Nuôi trồng thủy sản hoàn thiện các văn bản phù hợp để áp dụng, rà soát và điều chỉnh bộ tiêu chí để ngắn gọn dễ triển khai áp dụng. Vụ NTTS, Chi cục NTTS, các tỉnh cần tập trung tuyên truyền rộng rãi tới các hộ nuôi, doanh nghiệp về ứng dụng VietGAP. Các tỉnh cần bố trí kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh phí hỗ trợ thực hiện áp dụng VietGAP. Để thực hiện áp dụng VietGAP đạt kết quả cao cần tăng cường đào tạo đội ngũ chuyên gia tư vấn chứng nhận, hướng dẫn cho người nuôi thực hiện áp dụng VietGAP. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức chứng nhận và cơ sở nuôi đạt chứng nhận VietGAP. Tập hợp tất cả các vấn đề không đồng nhất với các tổ chức chứng nhận quốc tế để rút ngắn tiêu chí VietGAP. Chú trọng thúc đẩy nhanh công tác hài hòa tiêu chuẩn với các tiêu chuẩn quốc tế và kết nối thị trường tiêu thụ.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác