Một số khó khăn trong nhân rộng mô hình VietGAP thủy sản (13-07-2015)

Thực hiện nuôi trồng, sản xuất thủy sản hướng VietGAP nhằm tạo ra sản phẩm sạch và có chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường; tuy nhiên, để phát triển đại trà thì chưa thực sự dễ dàng.
Một số khó khăn trong nhân rộng mô hình VietGAP thủy sản

               Trong năm 2014, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai có hiệu quả trong việc phối hợp các đơn vị xây dựng 8 mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thuộc 8 tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Kiên Giang, Sóc Trăng; xây dựng 2 mô hình nuôi tôm sú theo VietGAP thuộc các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng. Qua tổng kết các mô hình thực hiện nuôi theo hướng VietGAP, kết quả cho thấy 100% mô hình đều đạt trên 80% theo tiêu chí VietGAP. Đối với mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng qua thống kê sản lượng tôm thu hoạch đạt trung bình 4,1 tấn/0,4 ha, các hộ nuôi thu lãi 200 - 250 triệu đồng. Do thực hiện nuôi theo hướng VietGAP nông dân sẽ tiết kiệm được chi phí thuốc, hóa chất, kháng sinh, thức ăn; tỷ lệ tôm sống cao, hạn chế dịch bệnh dịch. Đây là kết quả giúp các mô hình đạt được bộ tiêu chí của VietGAP đặt ra cũng là yếu tố giúp người nuôi giảm được chi phí từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất.

            Chương trình này đang tiếp tục triển khai trong năm 2015, trên cả nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng; triển khai trên diện rộng, tại các tỉnh như: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Long An, Tiền Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

Khó khăn nhân rộng

Qua thực tế triển khai thực hiện việc nuôi trồng theo VietGAP, điều cần đầu tiên các chuyên gia hướng dẫn ghi chép cho người dân phải chi tiết và trực tiếp thực hành trên thực tế để bà con dễ nắm bắt việc theo dõi nuôi trồng theo các tiêu chí về quản lý hồ sơ, ghi chép biểu mẫu. Người dân thường e ngại tham gia nuôi theo VietGAP, trước hết do hạn chế về trình độ tiếp cận và kinh nghiệm nuôi chưa nhiều. Chưa kể nhân lực ngày càng khan hiếm và nhiều hộ phải thuê người làm với trình độ văn hóa thấp.

Đối với các tỉnh phía Bắc thì tiêu chí về quy hoạch và cơ sở hạ tầng khó đáp ứng vì với diện tích canh tác hạn chế nên để thực hiện được các tiêu chí như: địa điểm ao nuôi tôm theo quy trình VietGAP phải có hệ thống cấp, thoát nước riêng biệt; ao lắng, ao chứa, ao nuôi không rò rỉ; riêng ao lắng tối thiểu phải chiếm 15 - 20% diện tích mặt bằng, nhằm xử lý nước và diệt tạp trước khi thả giống nuôi đây là tiêu chí không phải hộ nuôi nào đủ điều kiện về diện tích để thực hiện.  

Trong khi, đối với các tỉnh phía Nam, tiêu chí về diện tích đất để thực hiện nuôi trồng không phải là trở ngại thì hệ thống xử lý chất thải đang là vấn đề lớn. Bởi vì các tỉnh khu vực phía Nam chịu ảnh hưởng bời các nguồn nước thải từ các nhà máy công nghiệp và hầu hết là nguồn nước để sử dụng nuôi trồng thủy sản được dung chung trong sản xuất nông nghiệp. Điều này khó kiểm soát về chất lượng nguồn nước và dễ bị lây lan dịch bệnh. Mặt khác các doanh nghiệp sản xuất ngày càng áp sát vùng nuôi tôm gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, do đặc thù vùng đất trũng nên việc tiêu thoát nước thải từ các vùng nuôi tôm gặp khó khăn. 

Giải pháp để nhân rộng mô hình VietGAP

Cái mà người dân cần là sản phẩm tôm đạt chứng nhận VietGAP phải có đầu ra ổn định và khẳng một thương hiệu riêng để phân biệt với sản phẩm khác từ đó giá cả dần được nâng cao hơn. Tuy nhiên,hiện sản lượng quá ít, lại không liên kết được với các công ty tiêu thụ nên tôm VietGAP vẫn chưa biết bán đi đâu. Tại các tỉnh phía Nam, việc thu mua vẫn phụ thuộc thương lái; thương lái không muốn đẩy giá tôm lên cao nên dĩ nhiên họ không mặn mà với tôm VietGAP. Do đó, việc tiêu thụ tôm “sạch” này cần phải theo quy trình khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ thì các mô hình mới tồn tại bền vững và nhân rộng theo thời gian.

Việc quảng bá và thừa nhận của quốc tế đối với VietGAP sẽ giúp giá trị con tôm VietGAP tăng lên, người dân mới toàn tâm toàn ý vào VietGAP bên cạnh những tiêu chuẩn khác như BAP, GlobalGAP, ASC...

Trong những năm qua, nhiều mô hình VietGAP đã đạt những thành công bước đầu, nhưng để nhân rộng, cần phải có sự quyết liệt của nhiều bộ ban ngành, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ tôm VietGAP. Giá trị của tôm VietGAP phải được nhìn nhận và khẳng định từ các nhà máy, từ thị trường trong nước và quốc tế.

Nếu mô hình không được nhân rộng, sản xuất mang tính manh mún nhỏ lẻ, không đồng bộ thì chi phí nuôi tôm VietGAP sẽ cao hơn mức bình thường; và khi sản lượng nuôi theo VietGAP còn quá thấp không đủ sức hấp dẫn trên thị trường. Vì vậy, chương trình nuôi tôm VietGAP chỉ thực sự hiệu quả khi nó được nhân rộng và trở nên phổ biến trên toàn quốc.  

Văn Thọ

 

 

Ý kiến bạn đọc

Tin khác