Trà Vinh: Ban hành chính sách hỗ trợ sản xuất theo VietGAP (03-08-2015)

Đến nay, toàn tỉnh Trà Vinh hiện có hơn 11.000 hộ thả nuôi khoảng 1,2 tỷ con tôm giống trên diện tích khoảng 13.000 ha; tập trung chủ yếu ở hai huyện Duyên Hải và Cầu Ngang. Nhằm giành thắng lợi vụ nuôi tôm nước mặn, nước lợ năm 2015, phấn đấu đạt 37.500 tấn tôm thương phẩm, tổng giá trị gần 3.500 tỷ đồng; trong đó, sản lượng tôm sú đạt 13.500 tấn, tôm thẻ chân trắng đạt 24.000 tấn. Ngay từ đầu vụ công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, tập huấn kỹ thuật, quan trắc, cảnh báo môi trường, lịch thả giống ở từng khu vực sớm được ban hành. Riêng Chi cục Nuôi trồng Thuỷ sản đã dự phòng 30 tấn chlorine từ nguồn dự trữ quốc gia để kịp thời xử lý khi dịch bệnh xảy ra. Để khai thác có hiệu quả tiềm năng của kinh tế biển, trong nuôi thủy sản cần tiếp tục thực hiện chuỗi nâng cấp giá trị con tôm sú, đồng thời duy trì hình thức nuôi tôm bán thâm canh, quảng canh cải tiến, nuôi tôm luân canh với trồng lúa. Các địa phương vùng ven biển cũng đã xác định đối tượng tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua biển, nghêu sò là mặt hàng chiến lược và là sản phẩm thủy sản xuất khẩu chính của tỉnh cần ưu tiên phát triển cả trước mắt và lâu dài.

 

Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh vừa ban hành chính sách ưu đãi đối với các cơ sở chế biến, trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản với quy mô trang trại, cánh đồng lớn và sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn VietGap. Hơn 51 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của Tỉnh sẽ dành hỗ trợ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã… đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap trong khung thời gian từ nay đến năm 2020. Cụ thể, nguồn ngân sách sẽ ưu tiên hỗ trợ đối với các sản phẩm từ nông nghiệp như: nấm ăn các loại, rau, quả, lúa, lợn thịt, bò thịt, dê, gia cầm, thủy cầm, cá da trơn, cá lóc, tôm sú, tôm thẻ chân trắng và nghêu. Cũng trong thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết hợp với các địa phương triển khai xây dựng mô hình nuôi tôm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng mô hình cộng đồng quản lý nghêu, mô hình sản xuất rừng - tôm bền vững. Đây là chủ trương phát triễn lĩnh vực nông nghiệp nói chung và lĩnh vực thủy sản nói riêng nhằm nâng cao giá trị gia tăng, hướng đến nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, tăng thu nhập và giải quyết việc làm cho lao động vùng nông thôn.

Để được hưởng chính sách sách hỗ trợ nói trên, các cơ sở sản xuất sản phẩm nuôi trồng thủy sản phải đạt chuẩn quy mô trang trại diện tích nuôi cá ít nhất 3 ha, nuôi tôm 5ha, bãi nghêu có diện tích 50ha. Những trang trại đạt tiêu chuẩn trên sẽ được tỉnh hỗ trợ một lần 100% chi phí về phân tích mẫu đất, mẫu nước, mẫu không khí; hỗ trợ 50% tiền mua giống tính theo thời giá và hỗ trợ 30% chí phí xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ nuôi phù hợp với yêu cầu tiêu chuẩn VietGap.

Đối với cơ sở chế biến sản phẩm nông nghiệp, thủy sản có công suất sơ chế thủy sản đạt công suất thấp nhất 250 tấn/năm sẽ được tỉnh hỗ trợ không quá 75 triệu đồng để mua trang thiết bị; hỗ trợ một lần 100% chi phí thuê tư vấn kỹ thuật, đào tạo, tập huấn cán bộ kỷ thuật, quản lý và người lao động, hỗ trợ 100 % chi phí thuê tổ chức chuyên môn đánh giá, chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGap.

 

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác