Kiên quyết di dời dân đến nơi an toàn, cấm tất cả tàu thuyền ra khơi để ứng phó với bão số 9 (26-10-2020)

Hồi 19 giờ ngày 26/10, vị trí tâm bão cách đảo Song Tử Tây khoảng 430km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão giật cấp 15. Hiện nay, một số tỉnh thành đã lên phương án cấm biển và kiên quyết di dời dân trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn để tránh trú bão.
Kiên quyết di dời dân đến nơi an toàn, cấm tất cả tàu thuyền ra khơi để ứng phó với bão số 9

Hồi 19 giờ ngày 26/10, vị trí tâm bão ở khoảng 13,6 độ Vĩ Bắc; 117,5 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 430km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 15. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 280km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 120km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km và có khả năng mạnh thêm. Đến 19 giờ ngày 27/10, vị trí tâm bão ở khoảng 14,2 độ Vĩ Bắc; 112,0 độ Kinh Đông, cách bờ biển từ Đà Nẵng đến Phú Yên khoảng 200km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 17.

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 11,0 đến 17,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 109,0 đến 120,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 19 giờ ngày 28/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 15,1 độ Vĩ Bắc; 106,5 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.

Trong 48 đến 60 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan.

Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển: Khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa và vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 10-11, vùng gần tâm bão cấp 12-14, giật cấp 17; sóng biển cao từ 8-10m; biển động dữ dội.

Từ chiều mai 27/10, vùng biển ngoài khơi từ Đà Nẵng đến Phú Yên (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 9-11, sau tăng lên cấp 12-13, giật cấp 15; biển động dữ dội; sóng biển cao từ 6-8m. Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế (bao gồm cả đảo Cồn Cỏ) ảnh hưởng của hoàn lưu phía Bắc cơn bão kết hợp với không khí lạnh nên có gió đông bắc cấp 8-9, giật cấp 11; biển động rất mạnh; sóng biển cao từ 4-6m. Vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5m.

Khu vực ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định có khả năng xảy ra nước dâng do bão cao từ 0,5-1,5m. Nguy cơ ngập úng ở các vùng trũng, cửa sông, đầm phá ven biển từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi.

Ngay trong ngày 26.10, trước diễn biến nguy hiểm của bão số 9, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai thành lập đoàn công tác chỉ đạo ứng phó bão số 9 tại các địa phương từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi.

Đoàn công tác do ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp&PTNT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo làm trưởng đoàn. Đoàn công tác sẽ trực tiếp tham gia chỉ đạo ứng phó bão số 9 tại các địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Cụ thể, ngày 27/10 đoàn sẽ kiểm tra khu neo đậu tránh trú Thọ Quang (Đà Nẵng); kiểm tra vị trí sạt lở và khu sơ tán dân tại Cửa Đại (TP.Hội An); kiểm tra Khu công nghiệp Dung Quất, khu cảng cá Tịnh Hòa và khu sơ tán dân huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi); làm việc với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi.

Ngày 28.10, tùy tình hình bão, mưa lũ, đoàn công tác sẽ chỉ đạo tại Quảng Ngãi hoặc đi các tỉnh khác.

Tiến hành cấm biển, kiên quyết di dời dân

Chiều 26/10, UBND tỉnh Quảng Ngãi phát đi Công điện hỏa tốc số 03/CĐ-UBND về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống bão số 9.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị-xã hội tỉnh thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Tỉnh ủy Quảng Ngãi về việc tập trung ứng phó với thiên tai, tăng cường công tác tìm kiếm cứu nạn và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác phòng, chống, ứng phó với bão, mưa lũ lớn, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh.

Giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi, Chi cục Thủy sản, UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm cấm tất cả các phương tiện, tàu, thuyền ra biển hoạt động (bao gồm cả phương tiện vận tải hành khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại) từ 20 giờ ngày 26/10, cho đến khi có thông báo chính thức về thời tiết ổn định từ Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Ngãi.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm hoặc quay về bờ ngay để neo đậu an toàn.

Tiếp tục theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra (nhất là đối với các tàu, thuyền còn ở trong khu vực ảnh hưởng của bão). Lưu ý các tàu thuyền neo đậu ở các khu vực bãi ngang ven biển phải vào nơi trú tránh hoặc có biện pháp bảo vệ an toàn.

Kêu gọi và hướng dẫn neo đậu tàu, thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản an toàn tại các khu neo đậu; tuyệt đối không để người ở lại trên lồng bè khi có sóng, gió lớn.

Tại Quảng Nam, là địa phương được dự báo là trọng tâm của cơn bão số 9 đổ bộ, Cùng ngày, UBND tỉnh ban hành Công văn số 6921/UBND-KTN gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động ứng phó bão số 9.

Theo công văn, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện Công điện số 09/CĐ-UBND về chủ động ứng phó bão số 9 và tình hình mưa lũ. Trong đó, khẩn trương chỉ đạo kiểm tra, rà soát, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt sâu để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước, hoàn thành trước 17 giờ ngày 27.10. Đồng thời đảm bảo lương thực, các nhu cầu thiết yếu tại nơi tổ chức sơ tán tập trung.

Tại Đà Nẵng, chiều 26/10, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có công văn gửi phòng GD&ĐT các quận, huyện; các trường, trung tâm trực thuộc sở; các trường đại học tư thục; các phòng thuộc sở về việc triển khai ứng phó với bão số 9 (bão Molave).

Sở GD&ĐT yêu cầu các đơn vị, trường học kiểm tra, rà soát phương án phòng, chống bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất; có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và tài sản theo các công văn chỉ đạo của Sở GD&ĐT, hoàn thành trước 17 giờ ngày 27/10. Đồng thời, phân công các bộ phận có liên quan trực 24/24 giờ để sẵn sàng ứng phó với những tình huống phát sinh; thường xuyên theo dõi diễn biến của bão, mưa lũ, kịp thời báo cáo lãnh đạo Sở GD&ĐT tình hình của đơn vị để có phương án xử lý.

Ngoài ra, các đơn vị, trường học xây dựng kế hoạch và tổ chức dọn vệ sinh trường, lớp, khắc phục hậu quả do bão, mưa lũ gây ra; báo cáo tình hình thiệt hại (nếu có) về Sở GD&ĐT trước 16 giờ hằng ngày để tổng hợp.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác