Bão số 8 gây sóng lớn, đặc biệt nguy hiểm trên khu vực Bắc Biển Đông (23-10-2020)

Hồi 11 giờ ngày (23/10), vị trí tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 300km về phía Đông Đông Bắc. Khu vực Bắc Biển Đông vùng gần tâm bão đi qua cấp 13, giật cấp 15; sóng biển cao từ 6-8m; biển động dữ dội.
Bão số 8 gây sóng lớn, đặc biệt nguy hiểm trên khu vực Bắc Biển Đông

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 11 giờ ngày (23/10), vị trí tâm bão ở khoảng 17,7 độ Vĩ Bắc; 114,9 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 300km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 15. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 260km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 160km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10-15km. Đến 11 giờ ngày 24/10, vị trí tâm bão ở khoảng 17,7 độ Vĩ Bắc; 112,0 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Tây Bắc quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12, giật cấp 14.

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 15,0 đến 20,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 109,0 đến 117,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 10-12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13, giật cấp 15; sóng biển cao từ 6-8m; biển động dữ dội.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 11 giờ ngày 25/10, vị trí tâm bão ở khoảng 17,7 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10.

Công tác ứng phó với bão số 8

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến 16h00 ngày 22/10, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 59.477 tàu/289.299 lao động biết để di chuyển, thoát khỏi vùng nguy hiểm, trong đó, hoạt động ở khu vực Hoàng Sa, 05 phương tiện/44 lao động (Quảng Ngãi 4; Bình Định 1 tàu) đều đã nắm được thông tin về bão số 8 đang di chuyển tránh trú.

Hiện các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi có tổng số 525 tàu thuyền, phương tiện thủy nội địa đang neo đậu tại các khu vực cảng biển.

Trước đó, Tổng cục Thủy sản đã có công điện số 05/BCH-TCTS ngày 21/10/2020 gửi Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục thủy sản các tỉnh từ Thanh Hóa tới Quảng Nam đề nghị triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 8.

Trên địa bàn các tỉnh nằm trong khu vực có thể chịu ảnh hưởng của bảo số 8 (Khu vực Trung Bộ) có 30 hồ chứa vận hành điều tiết qua tràn, trong đó: khu vực Bắc Trung Bộ: 12 hồ; duyên hải Nam Trung Bộ: 18 hồ.

Đối với Hồ thủy lợi:  Khu vực Bắc Bộ có 2.543 hồ dung tích trung bình 53-100% dung tích thiết kế, 81 hồ hư hỏng nặng, 51 hồ đang thi công. Khu vực Trung Bộ có tổng số 2.840 hồ; trong đó ở Bắc Trung Bộ có 2.323 hồ, dung tích 65-90% dung tích thiết kế; 55 hồ hư hỏng nặng, 41 hồ đang thi công; Nam Trung Bộ có 517 hồ, dung tích 30%-90% dung tích thiết kế; 24 hồ hư hỏng nặng, 31 hồ đang thi công.

Hệ thống đê các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Nam có tổng chiều dài 2.611 km, gồm 810 km đê biển, đê cửa sông và 1.651 km đê sông, 74 vị trí xung yếu, trong đó: 53 vị trí đê biển, đê cửa sông với tổng chiều dài 131,70km (Thanh Hóa: 06 vị trí; Nghệ An: 03 vị trí; Hà Tĩnh: 05 vị trí; Quảng Bình: 04 vị trí; Quảng Trị: 15 vị trí; Thừa Thiên Huế: 20 vị trí); 21 vị trí tuyến đê sông từ cấp III trở lên (Thanh Hóa: 14 vị trí, Nghệ An: 03 vị trí; Hà Tĩnh: 04 vị trí).

Đáng chú ý, hiện có 28 công trình đê, kè đang thi công dở dang với tổng chiều dài 46,8 km: đê biển, đê cửa sông: 20 công trình, dài 34,3km; đê sông: 08 công trình, dài 12,5km.

Để kịp thời ứng phó khẩn cấp với bão số 8, các Bộ, ngành Trung ương cần phối hợp với các địa phương thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách sau:

Rà soát, hướng dẫn đảm bảo an toàn cho tàu thuyền; cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn neo đậu tại các khu tránh trú bão; rà soát không để người trên các phương tiện khi bão đổ bộ; Quản lý chặt chẽ các tàu thuyền ra khơi tùy vào diễn biến của bão, các địa phương quyết định việc cấm biển.

Chỉ đạo bảo đảm an toàn cho các hoạt động du lịch, sản xuất nuôi trồng thủy hải sản; nhất là an toàn về người trên các lồng bè, tròi canh nuôi trồng thủy hải sản;

Bảo đảm an toàn cho tàu vận tải, tàu vãng lai, có biện pháp để hạn chế thiệt hại khi bão đổ bộ với các tàu đang bị sự cố: có nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường (tàu sự cố mắc cạn tại cửa biển Lăng Cô, Huế) và xử lý tàu tai nạn trên biển. Rà soát chuẩn bị sẵn sàng di dân đảm bảo an toàn cho khu vực ven biển, vùng trũng thấp và nhà yếu; chằng chống nhà cửa, cây lớn có nguy cơ gẫy đổ; chặt tỉa cành cây.

Kiểm tra an toàn hồ đập, đê điều nhất là các công trình xung yếu, đang thi công; khu vực sạt lở; quản lý an toàn giao thông nhất là khi bão vào, tránh thiệt hại về người và tài sản.

Các địa phương kiểm tra có phương án để đảm bảo an toàn cho các hộ dân tại vùng còn đang ở khu vực ngập lụt, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đặc biệt tại các huyện còn ngập của tỉnh Quảng Bình.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác