Bão số 8 cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 600km đang tiến thẳng vào các tỉnh miền Trung (21-10-2020)

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 10 giờ ngày (21/10), vị trí tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 600km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Bão số 8 cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 600km đang tiến thẳng vào các tỉnh miền Trung

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh thêm. Đến 10 giờ ngày 22/10, vị trí tâm bão ở khoảng 16,8 độ Vĩ Bắc; 116,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 410km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12.

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 14,5 đến 18,5 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 113,5 đến 119,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 5-10km và có khả năng mạnh thêm. Đến 10 giờ ngày 23/10, vị trí tâm bão ở khoảng 17,5 độ Vĩ Bắc; 114,6 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 280km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 13.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10km và có khả năng mạnh thêm. Đến 10 giờ ngày 24/10, vị trí tâm bão ở khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc; 112,1 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135km/giờ), giật cấp 14.

Trong 72 đến 96 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km.

Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT - Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN, ngày 20/10 tiếp tục có công điện số 30/CĐ-TW đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố; các Bộ, ngành thực hiện một số biện pháp sau:

Thực hiện các nội dung Công điện số 29/CĐ-TWPCTT ngày 19/10/2020 của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tổ chức kiểm đếm tàu thuyền, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm (vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới từ vĩ tuyến 14,5 đến 18,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 116,0 đến 120,0 độ Kinh Đông và được cập nhật theo các bản tin của cơ quan dự báo).

Hướng dẫn neo đậu và có phương án đảm bảo an toàn cho tàu, thuyền tại các bến, các khu vực cửa sông, các tàu vận tải, tàu vãng lai.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài thông tin duyên hải và các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường thời lượng phát tin về diễn biến của bão để các cấp chính quyền, chủ các phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết, chủ động phòng tránh, ứng phó.

Theo báo cáo của Bộ đội Biên phòng, tính đến 06h00 ngày 21/10, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 52.598 phương tiện/263.044 lao động biết để di chuyển, thoát khỏi vùng nguy hiểm, trong đó:

Đang hoạt động trên biển: 10.547 tàu/76.449 lao động, bao gồm: 32 tàu/288 lao động hoạt động ở khu vực Hoàng Sa của Bình Định, còn lại hoạt động vùng biển khác và ven bờ.

Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Tổng cục Thủy sản rà soát diện tích nuôi trồng thủy sản từ Thanh Hóa đến Quảng Nam, theo báo cáo cụ thể: Tổng diện tích NTTS: 63.977 ha (Thanh Hóa: 8.081ha, Nghệ An: 20.867ha, Hà Tĩnh: 6.288ha, Quảng Bình: 6.840ha, Quảng Trị: 6.657ha, Huế: 6.826ha, Đà Nẵng: 418, Quảng Nam: 8.000ha).

Số lồng bè: 10.284 lồng, bè (Thanh Hóa: 3.919, Nghệ An: 989, Hà Tĩnh: 173, Quảng Bình: 510, Quảng Trị: 58, Huế: 2.630, Đà Nẵng: 5, Quảng Nam: 2.000).

Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo, phối hợp các địa phương vận hành các hồ chứa cắt giảm lũ, đảm bảo an toàn hồ và giảm ngập lụt cho hạ du; cử các Đoàn đi kiểm tra cụ thể để phối hợp cùng các địa phương.

Hiện khu vực Trung Bộ có tổng số 2.840 hồ; trong đó ở Bắc Trung Bộ có 2.323 hồ, dung tích 65-90% dung tích thiết kế, 1.249 hồ đầy nước, 55 hồ hư hỏng nặng, 41 hồ đang thi công; Nam Trung Bộ có 517 hồ, dung tích 30%-90% dung tích thiết kế, 203 hồ đầy nước; 24 hồ hư hỏng nặng, 31 hồ đang thi công.

Tình hình ngập lụt và thiệt hại

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT & TKCN, tính đến 19h ngày 20/10, còn 124.569 hộ dân tại 02 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình còn ngập, cụ thể:

Hà Tĩnh: 26.171 hộ tại 9 huyện, thị, thành phố: Hương Khê, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, thành phố Hà Tĩnh, Lộc Hà, Thạch Hà, Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh và Vũ Quang; trọng điểm là ở các huyện Cẩm Xuyên: 13.393 hộ, Lộc Hà: 1.600 hộ, thị xã Kỳ Anh: 1.383 hộ và thành phố Hà Tĩnh: 2.300 hộ, nước đang tiếp tục rút.

Quảng Bình:98.398 hộ tại 07 huyện, thị, thanh phố: Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Minh Hóa, thị xã Ba Đồn, thành phố Đồng Hới và Quảng Trạch; tập trung chủ yếu ở các huyện Lệ Thủy: 32.000 hộ, Quảng Ninh: 13.067 hộ, Bố Trạch: 13.924 hộ, thị xã Ba Đồn: 22.032 hộ, nước đang rút chậm.

Đối với Quảng Trị tính đến ngày 19h00 ngày 20/10, trên địa bàn toàn tỉnh cơ bản nước đã rút khỏi nhà dân, chỉ còn một số tuyến đường ở các vùng thấp trũng, gần sông còn ngập nhẹ.

Về thiệt hại về, từ ngày 06/10-20/10, tổng số người thiệt hại do mưa bão tại các tỉnh miền Trung là 133 người, trong đó:

Người chết:111 người (Nghệ An 02; Hà Tĩnh 03; Quảng Bình 09; Quảng Trị 49; T.T Huế 28, Đà Nẵng 03, Quảng Nam 11, Quảng Ngãi 01, Kon Tum 02, Gia Lai 01, Đắk Lắk 01, Lâm Đồng 01).

Số người mất tích là: 22 người, gồm: Hà Tĩnh 01; Quảng Trị 4, giảm 4 người đã về nhà; Thừa Thiên Huế: 15 người (tại Rào Trăng 3), Đà Nẵng 01, Gia Lai 01.

Công tác hỗ trợ khắc phục hậu quả ban đầu

Trước những khó khăn do lũ lụt gây ra tại các tỉnh miền Trung đang phải hứng chịu, chiều 19/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý xuất gạo dự trữ quốc gia và tạm cấp từ dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 hỗ trợ 5 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên -Huế, Quảng Nam và Hà Tĩnh mỗi tỉnh 1.000 tấn gạo và 100 tỷ đồng để cứu trợ khẩn cấp cho người dân vùng lũ, thực hiện công tác cứu hộ cứu nạn, an sinh xã hội theo chế độ, chính sách của nhà nước.

Quân khu 4 đã cử các đoàn công tác đến thăm và trao 1.200 thùng mì tôm, 2 tấn gạo, 8,5 tấn lương khô hỗ trợ đồng bào bị lũ lụt của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo các huyện, thị xã và thành phố Huế huy động lực lượng hỗ trợ người dân tập trung khắc phục nhà cửa bị  hư hỏng, tổ chức dọn dẹp vệ sinh để đảm bảo sinh hoạt trở lại của người dân; tập trung chỉ đạo khôi phục đường giao thông, hệ thống điện, viễn thông sau khi lũ rút; cấp phát và phân phối 78 tấn gạo, 450 thùng bánh gạo và 38.700 mì tôm, 150 suất hàng hỗ trợ khẩn cấp.

Các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh và quân khu 4 huy động nhiều phương tiện, vật tư, máy móc, nhân lực để tổ chức di dời dân và khắc phục hậu quả do mưa lũ, ngập sâu diện rộng, sạt lở đất.

Văn Thọ

 

Ý kiến bạn đọc

Tin khác