Chủ động mọi phương án ứng phó trong phòng, chống thiên tai trước mùa mưa bão (31-07-2020)

Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường tại Thông báo Kết luận Hội nghị “Tăng cường công tác ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và phòng, chống thiên tai khu vực Bắc Trung Bộ”.
Chủ động mọi phương án ứng phó trong phòng, chống thiên tai trước mùa mưa bão
Ảnh minh họa

Trong những năm gần đây, đặc biệt là Vụ Hè Thu – mùa 2020 đã xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước tại các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ, ảnh hưởng đến gần 26.000 ha diện tích sản xuất nông nghiệp và khoảng 46.600 hộ dân đang gặp khó khăn về nước sinh hoạt. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do: lượng mưa bị thiếu hụt, tổng lượng mưa từ đầu năm đến nay ở khu vực Bắc Trung Bộ bị thiếu hụt so với TBNN từ 20-50%, riêng tháng 5 và tháng 6/2020 thiếu hụt so với TBNN từ 50-80%, một số nơi trong tháng 6/2020 hầu như không có mưa; dòng chảy bị thiếu hụt từ mùa mưa năm 2019, dẫn đến dòng chảy mùa khô năm 2020 thấp hơn so với TBNN cùng kỳ từ 25-60%, một số sông thấp hơn trên 70%; tình trạng nắng nóng liên tục, kéo dài, nền nhiệt độ cao, độ ẩm thấp, kết hợp với gió phơn Tây Nam thổi mạnh nên lượng bốc hơi rất lớn, dẫn đến nhu cầu nước tưới tăng, đồng thời cũng làm giảm lượng nước trữ ở các hồ chứa.

Khu vực Bắc Trung Bộ có mạng lưới sông suối dày đặc, bao gồm 25 sông lớn, nhỏ tập trung thành 6 lưu vực sông chính. Lượng mưa trung bình nhiều năm tương đối lớn; tuy nhiên, phân bố rất không đều trong năm, mùa lũ chiếm đến 70-75%, mùa kiệt chỉ 25-30%. Đây là đặc điểm cho thấy Bắc Trung Bộ là khu vực dễ bị tổn thương về hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đồng thời cũng chịu nhiều cơn bão, mưa lớn trong mùa mưa lũ.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sau thời gian khô hạn, xu thế thời tiết chuyển sang trạng thái La Nina vào các tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021, bão, mưa lớn khả năng sẽ ảnh hưởng dồn dập đến khu vực, tháng 10/2020 tổng lượng mưa ở mức cao hơn TBNN từ 10-20% (riêng khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế cao hơn TBNN từ 20-40%). Khi mưa lớn xảy ra, kết hợp với tình trạng khô kiệt trong lòng đất sẽ dễ dẫn đến các thảm họa về lũ ống, lũ quét và nguy cơ mất an toàn từ các hồ chứa nhỏ, xuống cấp.

Trước tình hình trên vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị “Tăng cường công tác ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và phòng, chống thiên tai khu vực Bắc Trung Bộ”. Sau khi nghe báo cáo về tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn tại các địa phương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Ông Nguyễn Xuân Cường đã chỉ đạo các địa phương khu vực Bắc Trung Bộ xây dựng, hoàn thiện các chương trình, đề án, kế hoạch ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và phòng, chống thiên tai trên địa bàn theo hướng chủ động, hiệu quả, thích ứng với các điều kiện bất lợi; tổ chức công tác chỉ đạo của địa phương, xác định các vấn đề lớn tiếp theo cần phải tập trung giải quyết.

Các địa phương tập trung thực hiện các giải pháp trước mắt để phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn như:

Tổ chức điều phối nguồn nước từ các khu vực còn nước; tập trung bơm cưỡng bức (sử dụng nhiều loại máy bơm với công suất khác nhau); áp dụng biện pháp tưới luân phiên,... để hỗ trợ tưới cho 26.000 ha diện tích đang bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất.

Tổ chức rà soát, cân đối nguồn nước phục vụ sinh hoạt tới từng hộ, thôn/ấp, xã, huyện,…trường hợp cần thiết phải huy động các xe bồn lưu động chở nước ngọt cho người dân, không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt.

Chỉ đạo, quán triệt tổ chức thu hoạch sớm vụ Hè Thu, Mùa 2020, với phương châm “Xanh nhà hơn già đồng” vừa đề thích ứng với tình trạng thiếu nước, vừa để chủ động phòng, chống ngập lụt, úng.

Các giải pháp lâu dài về phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn

Tiến hành rà soát, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng chủ động, thích ứng với việc thường xuyên xảy ra diễn biến cực đoan của thời tiết.

Tăng cường phát triển, bảo vệ rừng đầu nguồn để tăng nguồn sinh thủy, điều hòa dòng chảy.

Rà soát lại các thiết chế hạ tầng thủy lợi lớn, như: Nghiên cứu, đánh giá lại nguồn nước trên các hệ thống sông để quy hoạch, sử dụng tài nguyên nước hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sử dụng; rà soát lại các hồ chứa để chuyển đổi sang sử dụng đa mục tiêu; xây dựng các phương án chuyển nước liên vùng, liên lưu vực.

Rà soát, đánh giá lại các quy trình vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, vận hành liên hồ chứa, liên lưu vực, để bảo đảm chủ động vận hành đạt hiệu quả trong cả mùa lũ, mùa cạn.

Cần rà soát toàn bộ phương án, kế hoạch phòng chống thiên tai của tỉnh theo tinh thần Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và Quyết định 987/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW.

Xây dựng kịch bản và sẵn sàng ứng phó đảm bảo an toàn cho người và tài sản trên biển, trên đất liền, trong tình huống xảy ra bão, lũ có cường độ bằng hoặc lớn hơn bão số 10 năm 2017; mưa lũ năm 1999, 2016, đề phòng dịch Covid-19 có thể diễn biến phức tạp trở lại.

Kiểm tra lực lượng, vật tư, trang thiết bị theo phương án đã phê duyệt; hoàn thành lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá trên 15m; đảm bảo thông tin tới nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, khu vực người dân sinh sống, sản xuất không được phủ sóng di động.

Đối với các hồ thủy điện, chỉ đạo các chủ hồ rà soát, kiểm tra phương án, vật tư trang thiết bị đảm bảo an toàn công trình; đảm bảo an toàn hạ du. Vận hành xả lũ đúng quy trình được phê duyệt, có sự giám sát của chính quyền địa phương; xử lý nghiêm các chủ hồ không tuân thủ đầy đủ các quy định đã ban hành.

Chỉ đạo việc kiểm tra an toàn hệ thống đê điều, hồ chứa thủy lợi, nhất là các vị trí trọng điểm, xung yếu đê điều và các hồ chứa hư hỏng hoặc đang thi công; thường xuyên theo dõi giám sát, bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để xử kịp thời các tình huống xảy ra; tuyệt đối không cho phép tích nước đối với các hồ đang thi công hoặc không đảm bảo an toàn.

Ưu tiên bố trí nguồn ngân sách địa phương, đồng thời trích quỹ PCTT và các nguồn kinh phí hợp pháp khác đảm bảo các hoạt động phòng, chống thiên tai, khắc phục sự cố đê điều, hồ đập và các hoạt động phục vụ thông tin, truyền thông, nâng cao năng lực cộng đồng, năng lực chỉ huy, chỉ đạo điều hành ứng phó thiên tai.

Rà soát, xây dựng kế hoạch cụ thể, tập trung bố trí nguồn lực, trang thiết bị để củng cố lại Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN của các địa phương trong khu vực.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác