Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (21-06-2019)

Ngày 20/6/2019, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018, triển khai nhiệm vụ thời gian tới.
Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường; lãnh đạo một số bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố, 577 các huyện, quận và 664 xã.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, tại Việt Nam, thiên tai năm 2018, không diễn ra dồn dập và khốc liệt như năm 2017 nhưng vẫn là năm có nhiều thiên tai lớn cùng những yếu tố cực đoan, dị thường diễn ra trên khắp các vùng miền trên cả nước với 16/21 hình thái thiên tai.

Năm 2018, mặc dù thiệt hại do thiên tai gây ra đã giảm nhiều so với trung bình nhiều năm, nhưng cũng đã khiến 224 người chết và mất tích; 11.900 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; hơn 86 km bờ sông, bờ biển bị sạt lở; 107 tàu thuyền bị chìm do bão... Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính gần 20.000 tỷ đồng.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, cơ quan thường trực từ Trung ương đến địa phương thường xuyên tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi sát diễn biến thời tiết nguy hiểm trong nước, quốc tế và khu vực để chủ động chỉ đạo sớm, bám sát thực tiễn, đặc biệt đối với 02 loại hình bão và lũ. Trên 110.000 tàu thuyền của các vùng miền hoạt động trên biển đều nhận được thông tin kịp thời về diễn biến các cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng hoặc có khả năng ảnh hưởng đến vùng biển nước ta. Đến nay, đã có 12.000 tàu cá đánh bắt xa bờ được trang bị thiết bị thông tin, giám sát hành trình (chiếm trên 39,2%). Số lượng tàu thuyền bị chìm do bão, áp thấp nhiệt đới đã giảm nhiều so với trước đây.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, theo nhận định của Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong 10 nước bị thiên tai đe dọa lớn nhất. Vì vậy, chúng ta không chủ động phòng chống thì thiệt hại sẽ lớn.

Thủ tướng nêu một số kết quả lớn như: Công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã được cả hệ thống chính trị quan tâm, vận dụng linh hoạt "phương châm 4 tại chỗ”. Chúng ta đã huy động trên 362.000 lượt người với gần 10.000 phương tiện tham gia hỗ trợ ứng phó khắc phục, ứng cứu hàng nghìn vụ, cứu được gần 7.000 người; hướng dẫn trên 4 triệu lượt người với 900.000 lượt phương tiện trên biển di chuyển, tránh trú bão, áp tháp nhiệt đới; tổ chức nhiều đợt di dời dân với trên 680.000 người đến nơi an toàn.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong quan trắc, dự báo, theo dõi, giám sát công trình, khu vực trọng điểm xung yếu thiên tai bước đầu đã được quan tâm (trên 1.000 trạm đo mưa tự động, 51 trạm cảnh báo đa thiên tai; 78 vị trí giám sát camera theo dõi trọng điểm đê điều và nhiều hồ chứa nước lớn đã được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn).... 

Bên cạnh những thành quả đó, Thủ tướng cho rằng cũng cần khắc phục một số tồn tại như: Thiệt hại do thiên tai còn rất lớn. Năm nào, cũng có nhiều người chết do sạt lở đất và sau lũ. Khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, nhất là công trình phòng chống thiên tai còn hạn chế, đê biển mới được thiết kế chống gió bão cấp 9, cấp 10, trong khi bão cấp 10, cấp 12 thường xuyên xuất hiện; nhiều khu vực dân cư nhà ở chưa bảo đảm an toàn; đê điều, hồ đập xuống cấp chưa được đầu tư kịp thời, khu neo đậu tàu thuyền còn thiếu…

NN

Ý kiến bạn đọc

Tin khác