Tổng kết Công tác Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn năm 2018 (25-02-2019)

Ngày 22/02/2019, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) đã tổ chức “Hội nghị Tổng kết Công tác Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chuyên ngành Thủy sản năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019”. Ông Nguyễn Quang Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN chuyên ngành Thủy sản đã chỉ đạo Hội nghị.
Tổng kết Công tác Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn năm 2018
Ảnh minh họa

Năm 2018, thiên tai không diễn ra dồn dập và khốc liệt như năm 2017 nhưng mang nhiều yếu tố cực đoan, dị thường, xảy ra sớm và kết  thúc muộn so với nhận định từ đầu năm của cơ quan dự báo; xảy ra trên khắp các vùng miền cả nước với 16/21 loại hình thiên tai. Bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) xuất hiện muộn tại các tỉnh phía Nam với những diễn biến phức tạp, khó dự báo, đặc biệt là bão số 9 khi trên vùng biển ngoài khơi các tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu – Tiền Giang duy trì gió mạnh cấp 8-9 tới 9 giờ và hầu như không di chuyển. Tổng cộng, vùng biển của Việt Nam đã chịu ảnh hưởng của 09 cơn bão và 04 đợt ATNĐ, 82 đợt gió mạnh trên biển (so với năm 2017: giảm 06 cơn bão, tăng 01 ATNĐ). Hậu quả là 29 người chết; 07 người mất tích. Bão và ATNĐ còn gây thiệt hại cho hơn 10.500 ha diện tích nuôi trồng thủy, hải sản và khoảng 3.000 lồng bè nuôi tôm, cá; Khối lượng cá chết gần 160 tấn; Số tàu bị chìm là 53 chiếc (trong đó, 49 chiếc bị chìm do ảnh hưởng của cơn bão số 9).

Công tác ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai năm 2018

Ngay từ tháng 11/2017, Tổng cục Thủy sản đã ban hành Quyết định số 1071/QĐ-TCTS-KN về Kế hoạch thực hiện PCTT&TKCN chuyên ngành Thủy sản năm 2018. Tháng 3/2018, thực hiện kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN chuyên ngành Thủy sản với sự tham gia của cán bộ chủ chốt các Vụ, Cục, Trung tâm thuộc Tổng cục Thủy sản. Ngay sau đó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN đã tổ chức “Hội nghị Tổng kết Công tác PCTT&TKCN năm 2017, phương hướng nhiệm vụ năm 2018” nhằm đánh giá các kết quả đạt được; Bàn giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế; Từ đó, rút ra các bài học kinh nghiệm trong công tác PCTT&TKCN.

Một số nhiệm vụ cụ thể mà ngành Thủy sản đã thực hiện được trong Công tác ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai năm 2018: (1) Công bố Danh sách các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; (2) Ban hành Khung lịch thời vụ thả giống tôm nước lợ nhằm đảm bảo kế hoạch nuôi tôm nước lợ năm 2018 và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra; (3) Tăng cường công tác quản lý, đăng ký, đăng kiểm tàu cá và cấp giấy phép khai thác thủy sản; Thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế tàu, kiểm tra an toàn kỹ thuật (từ khâu thẩm định hồ sơ thiết kế, giám sát quá trình đóng mới, nâng cấp, sửa chữa đối với tàu cá có công suất từ 90 CV trở lên); Nghiêm cấm việc lắp đặt các loại máy kém chất lượng, máy bộ (động cơ ô tô, máy kéo được thủy hóa, các máy tàu không rõ nguồn gốc, xuất xứ) nhằm đảm bảo an toàn cho người và tàu cá.

Trong năm 2018, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN đã ban hành các công điện gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chi cục Thủy sản để hướng dẫn các tỉnh/thành phố ven biển chủ động ứng phó với diễn biến của các cơn bão lớn. Ngoài ra, Ban Chỉ huy đã phối hợp với Tổ công tác tiền phương, tiến hành kiểm tra, hướng dẫn ngư dân tỉnh Khánh Hòa khắc phục thiệt hại do bão số 12 năm 2017; Thành lập 02 đoàn kiểm tra công tác ứng phó trước mùa mưa bão tại 04 tỉnh miền Bắc (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định) và 03 tỉnh miền Trung (Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa). Bên cạnh đó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN chuyên ngành Thủy sản cũng tích cực tham gia các đoàn công tác kiểm tra liên ngành theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai.

Đối với công tác trực ban, đã tổ chức thường trực 24/24 khi có bão và ATNĐ trên khu vực Biển Đông (tổng cộng 09 cơn bão và 04 đợt ATNĐ). Sử dụng, khai thác hiệu quả Hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh (Movimar), hệ thống Trạm bờ theo dõi số lượng tàu cá đang hoạt động trong khu vực bị ảnh hưởng hoặc có khả năng ảnh hưởng của bão, ATNĐ. Cập nhật, truyền phát 154 bản tin dự báo (với 23.671 lượt tin nhắn cho các tàu trong vùng ảnh hưởng của các cơn bão, ATNĐ) theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương; Đồng thời, cập nhật tình hình diễn biến thời tiết hàng ngày để tham mưu kịp thời cho các cấp lãnh đạo chỉ đạo phòng chống lụt bão. Nhờ đó, đã góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.

Về công tác tuyên truyền tập huấn, có kế hoạch chi tiết, chặt chẽ, khoa học. Kịp thời hướng dẫn ngư dân ứng phó neo đậu tàu thuyền cũng như quản lý nuôi trồng thủy sản. Do đã đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền tập huấn (dễ hiểu, dễ nhớ) nên đã nâng cao hiệu quả trong việc tổng hợp, tham mưu, đề xuất xử lý các tình huống bão và ATNĐ. Cụ thể: Phối hợp với Hệ thống Đài Thông tin Duyên hải Việt Nam phát 150 lượt bản tin hướng dẫn ngư dân khai thác hải sản xa bờ cách di chuyển và neo đậu tránh trú bão; Phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng Chuyên đề hướng dẫn ngư dân nuôi trồng thủy sản ven biển chủ động phòng, tránh thiên tai trong mùa mưa bão 2018, đặc biệt là kỹ thuật gia cố khu vực nuôi (thời lượng phát sóng 5 phút, phát trên kênh VTV1, VTV8); Phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam xây dựng các Chuyên mục hướng dẫn cách di chuyển, neo đậu tránh trú bão và các biện pháp chủ động ứng phó thiên tai trên Hệ thời sự chính trị tổng hợp VOV1.

Công tác hỗ trợ ngư dân trên biển, cứu hộ, cứu nạn được thực hiện kịp thời. Tổng cộng, cứu nạn được 13 tàu cá, 157 ngư dân (trong đó, cứu chữa cho 18 ngư dân bị tai nạn). Ngoài ra, hỗ trợ nước ngọt, cấp thuốc và hỗ trợ y tế, thực phẩm cho 05 tàu cá, ngư dân bám biển dài ngày. Phối hợp với các Chi cục Thủy sản tổ chức cấp phát hàng cứu trợ quốc gia phục vụ công tác phòng chống thiên tai cho ngư dân và các đơn vị (gồm 20 nhà bạt, 30 phao bè, 2 xuồng cao tốc, 3.500 phao áo cứu sinh, 2.500 phao tròn cứu sinh).

Tuy nhiên, tại Hội nghị Tổng kết Công tác Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chuyên ngành Thủy sản, các đại biểu đã thẳng thắn nêu nhận định về những tồn tại, hạn chế trong năm 2018, trong đó, nhấn mạnh về vấn đề kinh phí. Theo một số đại biểu, việc đầu tư kinh phí cho các hoạt động phòng, chống thiên tai (như kinh phí mua phương tiện, trang thiết bị; kinh phí trực ban, truyền thông, tập huấn) chắc chắn sẽ thấp hơn kinh phí khắc phục hậu quả sau thiên tai. Hiện việc chi trả phụ cấp làm thêm giờ thường trực PCTT&TKCN cho cán bộ, viên chức tham gia trực ban còn nhiều bất cập. Công tác thanh quyết toán chế độ cho người làm nhiệm vụ chưa kịp thời, chưa linh động, còn lúng túng. Trong khi đó, ảnh hưởng của Biến đổi khí hậu và tính phi quy luật của thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường; Công tác dự báo, cảnh báo thiên tai và chủ động ứng phó với các tình huống gặp nhiều khó khăn. Nhìn chung, thiệt hại do thiên tai gây ra thường rất nặng nề, phá hủy cơ sở hạ tầng (phải mất nhiều năm mới khôi phục được). Do đó, vấn đề nâng cao nguồn năng lực (tài chính, con người) để ứng phó kịp thời với thiên tai càng phải được chú trọng.

Kết luận Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Quang Hùng đánh giá cao việc Tổng cục Thủy sản đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN chuyên ngành Thủy sản. Năm 2018, công tác PCTT&TKCN hoạt động tương đối hiệu quả, đã thực hiện trực 24/24, phối hợp tốt với các địa phương, kết nối được với nhiều đơn vị, tổ chức (như Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai; Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên Phòng; Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam). Năm 2018, ngành Thủy sản vẫn phải chịu ảnh hưởng lớn gây ra bởi thiên tai. Mặc dù đã có những giải pháp ứng phó với các cơn bão; Tuy nhiên, vẫn có 29 người chết, 07 người mất tích. Ngoài những nguyên nhân khách quan, ngành cần xác định rõ các nguyên nhân chủ quan; cần nhận thức vai trò và tính quan trọng của công tác phòng tránh, giảm nhẹ hậu quả thiên tai. Trong năm 2019, công tác truyền thông cần tăng cường trên các kênh VOV, Hệ thống đài thông tin Duyên hải Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam. Đối với Văn phòng thường trực PCTT&TKCN, cần tích cực hơn nữa trong công tác phối hợp với các địa phương. Từng thành viên của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN cũng cần nỗ lực hơn, chủ động kiểm tra địa phương, duy trì sự kết nối để có thông tin theo dõi liên tục về các tàu cá của Việt Nam.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác