Lãnh đạo Tổng cục Thủy sản chỉ đạo khắc phục hậu quả bão số 12 (09-11-2017)

Ngày 07/11/2017, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đã Quyết định thành lập đoàn công tác do Phó Tổng cục trưởng Trần Đình Luân làm trưởng đoàn đi kiểm tra, đánh giá, chỉ đạo khắc phục hậu quả do bão số 12 gây ra đối với 3 tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định.
Lãnh đạo Tổng cục Thủy sản chỉ đạo khắc phục hậu quả bão số 12

Cơn bão số 12 đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản cho nhân dân, tác động trực tiếp đến 3 tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định; trong đó tỉnh Khánh Hòa bị thiệt hại nặng nhất. Đặc biệt sau bão xảy ra mưa lớn gây lũ lụt rất lớn, đặc biệt nghiêm trọng cho các tỉnh Trung bộ, đặc biệt là Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên.

Sơ bộ tình hình thiệt hại đối với lĩnh vực thủy sản của 3 tỉnh tính đến ngày 8/11/2017 như sau:

- Tổng số tàu bị chìm 1359 chiếc: trong đó Khánh Hòa nhiều nhất 1208 tàu (hầu hết tàu thuyền nhỏ ven bờ, công suất dưới 90 cv), Phú Yên: 150 tàu (hầu hết tàu nhỏ ven bờ công suất dưới 90cv), Đà Nẵng: 4 tàu, Quãng Ngãi: 3 tàu, Bình Định: 24 tàu.

- Diện tích nuôi tôm: Thiệt hại tại 2 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa lên đến 1109 ha (trong đó, Khánh Hòa 1020 ha, Phú Yên 89 ha).

- Lồng bè nuôi tôm ven biển: Các tỉnh nuôi đặc sản ven biển, giá trị lớn như tôm hùm, cá chim, cá song…thiệt hại rất lớn. Hầu hết lồng nuôi ở Vạn Ninh, Ninh Hòa - Khánh Hòa bị phá hủy hoàn toàn, riêng khu vực Vũng Rô – Phú Yên kín gió nhưng hầu hết đều bị thiệt hại từ 50% trở lên. Khánh Hòa: 24.320 lồng nuôi bị hỏng, Phú Yên: 97 bè tôm hùm bị cuốn trôi, 394.360 con tôm hùm giống chết, riêng hai tại thị xã Sông Cầu và Vũng Rô-Đông Hòa thiệt hại hàng ngàn lồng nuôi tôm hùm, cá chim, cá song nhưng chưa có số liệu cụ thể, Bình Định: 27 bè với 678 lồng nuôi trồng thủy sản.

Bão số 12 với cấp độ lớn (cấp 12, giật cấp 15) nên gây tàn phá, tác hại rất lớn; thời gian bão tác động ở khu vực ven biển lâu gần 4 tiếng, với lốc xoáy lớn; mặc dù tàu cá đã vào trong các khu neo đậu nhưng khu vực tâm bão đi qua là Vạn Ninh, Ninh Hòa, hầu hết tàu cá nhỏ ven bờ bị chìm; các lồng nuôi ven biển khu vực bão đi qua đã được gia cố, chằng buộc nhưng bão lớn không chịu nổi, hầu hết bị phá hủy. Vật liệu làm lồng nuôi chủ yếu bằng gỗ, thùng nhựa nên dễ bị sóng gió đánh vỡ hơn so với lồng kiểu Nauy; 3 tỉnh chịu tác động trực tiếp của bão Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, đặc biệt Phú Yên, Khánh Hòa, hàng năm ít bị ảnh hưởng của bão nên công tác phòng chống không có kinh nghiệm bằng các tỉnh Bắc Trung Bộ và Miền Bắc; do ba tỉnh nuôi trồng các thủy đặc sản là tôm hùm, cá song nên khi thiệt hại giá trị rất lớn, phục hồi lại sản xuất rất khó khăn.

Công tác khắc phục hậu quả, ổn định đời sống nhân dân, phục hồi sản xuất cho ngư dân là việc làm rất cấp thiết: Thứ nhất: Trước mắt ủng hộ, động viên, thăm hỏi gia đình có người thân bị chết; thống kê thiệt hại để có hỗ trợ ban đầu, giảm bớt khó khăn cho người dân. Thứ hai: Trục vớt tàu cá, khôi phục sản xuất đánh bắt hải sản, ổn định sinh kế. Thứ ba: Những tàu không khắc phục được đề nghị cho vay vốn đóng tàu mới hoặc chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định cuộc sống. Thứ tư: Hỗ trợ thành lập hợp tác xã kiểu mới trong khai thác thủy sản để cùng giúp nhau vượt qua khó khăn. Thứ năm: Hỗ trợ các hộ có khả năng khôi phục lại lồng nuôi trồng thủy sản. Thứ sáu: Đề nghị ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ, cho vay mới để khôi phục lại sản xuất. Thứ bảy: Địa phương quy hoạch lại công tác nuôi trồng thủy sản, đảm bảo không ô nhiễm môi trường, tránh dịch bệnh. Thứ tám: Hỗ trợ xử lý môi trường nuôi sau bão, lũ; hỗ trợ con giống cho ngư dân nuôi trồng thủy sản. Thứ chín: Vận động các tổ chức quốc tế và trong nước chung tay hỗ trợ ngư dân, nhân dân các tỉnh ảnh hưởng của bão khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.

Quốc Ánh

Ý kiến bạn đọc

Tin khác