Chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới (01-11-2017)

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, sáng sớm ngày 1/11/2017, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hình thành ở phía nam biển Đông chỉ cách Côn Đảo khoảng 200 km, vùng gần tâm áp thấp có sức gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Trong khi đó, một ATNĐ đang xuất hiện gần biển Đông, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 7 (50-60 km/giờ), giật cấp 9. Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ này di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km và có khả năng mạnh lên thành bão, khoảng chiều nay (1/11/2017) bão sẽ đi vào biển Đông, trở thành cơn bão số 12.
Chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới

Áp thấp nhiệt đới gần bờ

Hồi 13 giờ ngày 01/11/2017, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 7,7 độ Vĩ Bắc; 106,5 độ Kinh Đông, cách Côn Đảo khoảng 110km về phía Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9. Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km. Đến 13 giờ ngày 02/11/2017, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 8,2 độ Vĩ Bắc; 103,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Nam tỉnh Cà Mau. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Do ảnh hưởng của ATNĐ kết hợp với không khí lạnh, ở vùng biển Tây Nam quần đảo Trường Sa, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau (bao gồm các huyện đảo Phú Quý, Côn Đảo), vùng biển Cà Mau đến Kiên Giang (bao gồm cả đảo Thổ Chu) có mưa rào và dông kèm khả năng lốc xoáy, vòi rồng; gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; biển động mạnh. Ven biển Nam Bộ cần đề phòng nước dâng do ATNĐ và không khí lạnh  từ 0,3-0,4m, kết hợp với kỳ triều cường cao khiến mực nước biển có thể lên tới 4-4,5m. Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 6 trở lên) được xác định trong khoảng 5-10 độ vĩ Bắc, 102,5-108,0 độ kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu ATNĐ, đêm nay (01/11) ở ven biển các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang có gió giật mạnh cấp 6-7. Từ hôm nay (01/11) đến hết ngày 02/11, ở Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 100-150mm, có nơi trên 200mm. Do ảnh hưởng kết hợp với không khí lạnh, các tỉnh ven biển Trung và Nam Trung Bộ trong đêm nay tiếp tục có mưa vừa, mưa to và dông.

Áp thấp nhiệt đới gần biển Đông

Hồi 13 giờ ngày 01/11/2017, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 11,6 độ Vĩ Bắc; 120,2 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc đảo Pa-la-oan(Philippin). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9. Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 13 giờ ngày 02/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,9 độ Vĩ Bắc; 115,5 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 140km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 6 trở lên) được xác định trong khoảng 10-14 độ Vĩ Bắc; phía Đông 115,0 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3. Dự báo 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km và tiếp tục có khả năng mạnh thêm.

Trước tình hình cả bão lẫn ATNĐ quần thảo biển Đông, sáng nay 1/11/2017, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (BCĐ TW PCTT) đã tổ chức họp ứng phó ATNĐ do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban BCĐ TW PCTT Hoàng Văn Thắng chủ trì.

Văn phòng thường trực BCĐ TW PCTT-Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn (UBQG TKCN) đã có Công điện số 83/CĐ-TW hồi 06h ngày 31/10/2017; và Công điện số 84/CĐ-TW hồi 16h30 ngày 31/10/2017 điện BCH PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang, Đông Nam Bộ và các Bộ, ngành triển khai các biện pháp ứng phó với ATNĐ; đồng thời BCĐ TW PCTT cũng đã cử 02 đoàn công tác phối hợp với UBND các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng triển khai ứng phó với ATNĐ. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang, Đông Nam Bộ đã triển khai các biện pháp ứng phó với ATNĐ, trong đó, tỉnh Sóc Trăng đã có thông báo số 02/TB.PCTT ngày 31/10/2017 cấm không cho tàu thuyền ra khơi kể từ 15h ngày 31/10/2017; Tỉnh Bạc Liêu đã có thông báo số 01/TB-PCTT&TKCN ngày ngày 31/10/2017 cấm không cho tàu thuyền ra khơi từ 09h ngày 31/10/2017; Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu: huyện Côn Đảo không cho tàu thuyền xuất bến hoạt động khai thác đánh bắt thuỷ sản; Tỉnh Bến Tre đã có công điện số 01/CĐ-PCTT ngày 31/10/2017 cấm tàu thuyền ra khơi từ 07h00’ ngày 01/11/2017;

Về tình hình tàu thuyền, theo báo cáo của Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng tính đến 6h00 ngày 01/11/2017, Biên phòng tuyến biển đã phối hợp với BCH PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho: 51.366 tàu/259.370 lao động biết vị trí, diễn biến, hướng di chuyển của ATNĐ để chủ động di chuyển hoặc thoát khỏi vùng nguy hiểm, trong đó: Hoạt động ở khu vực từ 50-100 N và 1050 -1100 E: 1.485 tàu/10.890 lao động: các phương tiện đã nắm được thông tin về ATNĐ và đang chủ động di chuyển phòng tránh. Hoạt động ở khu vực biển khác và neo đậu tại các bến: 49.881 tàu/248.480 lao động.

Về sự cố tàu thuyền trên biển, ngày 31/10/2017, tàu QNa 91739 TS /36 người (xã Tam Giang, Quảng Nam) trên đường vào đảo Song Tử Tây tránh ATNĐ bị sóng đánh chìm làm 02 người chết, cứu được 34 người, hiện sức khỏe ổn định. Trong ngày 31/10/2017: tàu cá BT 2102 TS bị gãy bánh lái, đã được lai dắt tàu về Côn Đảo; tàu cá KG 93952 TS bị sóng lớn chụp nước tràn tàu, 05 thuyền viên trên tàu được tàu hàng OCEAN TREASURE cứu vớt an toàn; tàu KG 93953 TS với 05 lao động, trên đường về Vũng Tàu tránh ATNĐ bị sóng đánh chìm. Các lao động được tàu hàng Singapore cứu vớt (chưa rõ số hiệu, đang tiếp tục xác minh). Hiện còn 31 phương tiện của Bạc Liêu, 112 phương tiện (897 lao động) tại Cà Mau chưa liên lạc được. Đây là các phương tiện có công suất nhỏ khai thác thủy sản gần bờ, đi về trong ngày. Hiện các địa phương đang tích cực tìm cách liên lạc.

Tại cuộc họp, Uỷ viên thường trực BCĐ TW PCTT, Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT Trần Quang Hoài lưu ý việc thực hiện nghiêm Công điện số 83, 84 ngày 31/10/2017 của BCĐ TW PCTT - UBQG TKCN. Tổng cục trưởng nhấn mạnh cần tiếp tục kiểm đếm, hướng dẫn theo dõi chặt chẽ tàu thuyền trên biển và nơi neo đậu, đặc biệt hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau, thông tin cho các phương tiện để hướng dẫn, chủ động đối phó; theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới và tình hình mưa, lũ tại khu vực Nam Bộ và áp thấp nhiệt đới gần biển Đông. Bên cạnh đó, cần kiểm tra việc sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, kiên quyết không để người dân nào trên các phương tiện, tàu thuyền, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản khi bão đổ bộ. Kiểm tra, hướng dẫn chằng chống nhà cửa, kho tàng, cơ sở dịch vụ du lịch đảm bảo an toàn; chủ động tiêu nước đệm hạn chế ngập úng. Ngoài ra, cần triển khai các đoàn công tác đến các địa bàn xung yếu để kiểm tra, rà soát phương án ứng phó nhất là việc huy động lực lượng, phương tiện, nhu yếu phẩm để sẵn sàng triển khai theo phương châm “4 tại chỗ”. 

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng quyết định BCĐ TW PCTT sẽ cử đoàn công tác làm việc với Ban Chỉ đạo APEC và BCH PCTT và TKCN của thành phố Đà Nẵng và Quảng Nam để bàn các biện pháp chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới, mưa lũ, đảm bảo tuần lễ APEC được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng diễn ra an toàn, hiệu quả. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương cần thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, cung cấp bản tin dự báo, cảnh báo cho BCĐ TW PCTT, các tỉnh, thành phố và các cơ quan liên quan để chủ động phòng tránh. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí tăng thời lượng phát sóng, đưa tin về diễn biến của bão và phổ biến các kỹ năng ứng phó với bão và mưa lũ để người dân, tổ chức chủ động phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại.

Hà Kiều

Ý kiến bạn đọc

Tin khác