Huy động mọi lực lượng tập trung ứng phó với bão số 4 (26-07-2017)

Theo tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Nam có mưa vừa, mưa to. Tại Hòn Ngư (Nghệ An) đã có gió giật cấp 7, Cồn Cỏ (Quảng Trị) cấp 10, vùng ven biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có gió giật cấp 6-7.
Huy động mọi lực lượng tập trung ứng phó với bão số 4

Hồi 14 giờ ngày 25/07/2017, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,0 độ Vĩ Bắc; 107,4 độ Kinh Đông, ngay trên bờ biển các tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 9-10. Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi vào đất liền các tỉnh Quảng Bình-Quảng Trị và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 01 giờ ngày 26/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 17,5 độ Vĩ Bắc; 105,3 độ Kinh Đông, trên khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất ở tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 7.

Trong chiều nay, khu vực Nam Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9-10, biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5m. Vùng biển ven bờ các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9-10; sóng biển cao từ 2-4m, biển động mạnh; vùng biển ven bờ khu vực Nam Thanh Hóa và Nghệ An có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; sóng biển cao từ 2-3m, biển động mạnh. Nước dâng kết hợp với thủy triều ở vùng ven biển từ Nghệ An đến Quảng Bình cao từ 2-3m.

Trên đất liền khu vực ven biển các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8-9; ở Nghệ An và sâu trong đất liền các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; ở vùng ven biển các tỉnh Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế có gió giật cấp 6-7. Cấp độ rủi ro thiên tai bão: cấp 3.

Do ảnh hưởng của bão số 4, ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế tiếp tục có mưa to đến rất to (phổ biến 150-250mm cả đợt); ở đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh Hòa Bình, Sơn La và Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to (phổ biến 50-100mm cả đợt). Khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau tiếp tục có mưa rào và dông, gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 8-9, sóng biển cao từ 2-3m, biển động; khu vực Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông rải rác. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy, gió giật cấp 6-8. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.

Để chủ động ứng phó bão số 4, sáng nay 25/7/2017, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (BCĐ TW PCTT) đã họp trực tuyến với 6 tỉnh gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), Trưởng ban BCĐ TW PCTT Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp.

Tại cuộc họp, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, tỉnh đã cấm biến từ 18 giờ hôm qua (24/7/2017). Đến sáng nay, Hà Tĩnh đã kêu gọi hơn 6.200 tàu/17.000 lao động đã vào bờ neo đậu an toàn; các tàu khác đang trên đường trú tránh đều được giữ liên lạc thường xuyên. Ngoài ra, Hà Tĩnh đã di dời bà con trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển, mở các cống tiêu thoát để bảo vệ 45.000 ha lúa và 10.000ha màu.

Tỉnh Nghệ An cũng triển khai họp trực tuyến với các sở, ngành, huyện, thành phố để triển khai công tác ứng phó bão số 4, hoãn các cuộc họp không cần thiết đồng thời chỉ đạo các đơn vị trực 24/24 giờ để ứng phó với bão. Tỉnh đã tạm dừng việc tìm kiếm 2 thuyền viên còn mất tích trên tàu VTB26 bị chìm sau bão số 2, hoãn các cuộc họp để chỉ đạo ứng phó với bão số 4. Và đến sáng nay, Nghệ An còn 19 tàu với 95 tàu đang hoạt động trên biển, cơ quan chức năng đã liên hệ trên đường về. Toàn tỉnh Nghệ An có 625 hồ chứa, trong đó có 263 hồ đầy nước, số còn lại là 60-70% dung tích. Đối với các hồ đầy nước, phải theo dõi, để điều tiết nước đảm bảo an toàn, hồ nào không đảm bảo an toàn thì không tích nước.

Tại Quảng Bình, đến sáng nay, không còn tàu cá nào của địa phương hoạt động trên biển. Rút kinh nghiệm bão số 2, tỉnh đã chỉ đạo trong việc sắp xếp, neo đậu tàu thuyền, đặc biệt, với tàu nhỏ gần bờ đã thông báo, kêu gọi, nếu cần sẽ cưỡng chế. Tại Quảng Trị, đã cấm biển từ 14 giờ hôm qua và kích hoạt kịch bản di dời dân vùng xung yếu, lũ quét, sạt lở đất. Hiện còn 18 tàu cá Quảng Trị chưa vào bờ, lực lượng chức năng cũng đã duy trì liên lạc, hướng dẫn các tàu này vào trú tránh ở Quảng Nam, Đà Nẵng.

 Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị huy động mọi lực lượng tập trung ứng phó với bão số 4, tránh tư tưởng chủ quan trong công tác phóng tránh bão và tiếp tục thực hiện Công điện số 29, ngày 23/7/2017 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy Ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn. Các bộ, ngành chức năng chỉ đạo, giúp đỡ, hỗ trợ các địa phương trong công tác ứng phó với bão (đặc biệt ngành điện, giao thông vận tải, Biên phòng, lực lượng an ninh...).

Bên cạnh đó, triển khai mọi phương án với mục tiêu đảm bảo về người và tài sản của nhân dân, quyết liệt triển khai sơ tán dân trên các phương tiện, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản, vùng thấp trũng ven biển đến nơi an toàn tuyệt đối (đặc biệt tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị - vùng tâm bão dự báo đi qua). Kiên quyết kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú; hướng dẫn, tổ chức sắp xếp tàu thuyền tại khu neo đậu để đảm bảo an toàn, tránh việc có nhiều tàu thuyền bị chìm tại khu neo đậu khi bão đổ bộ như tại Quảng Bình trong bão số 2 vừa qua; kiểm soát chặt chẽ các tàu vận tải, tàu vãng lai, tổ chức neo đậu, tránh thiệt hại do tư tưởng chủ quan tàu lớn có thể chống chịu được bão như tại Nghệ An vừa qua.

Ngoài ra cũng cần theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; cảnh báo, thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh; chủ động tiêu thoát nước đệm để đảm bảo an toàn chống úng cho các diện tích lúa và hoa màu; dự phòng phương án khôi phục sản xuất, đặc biệt là tại những địa phương đã bị thiệt hại do bão số 2. Sẵn sàng phương án bố trí lực lượng kiểm soát giao thông tại các vị trí ngầm, tràn, đường giao thông có nguy cơ bị ngập sâu do lũ; sẵn sàng phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều, hồ đập xung yếu. Các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ cứu nạn để xử lý các tình huống có thể xảy ra. Đồng thời, rà soát an toàn hệ thống điện đảm bảo cung cấp thường xuyên, liên tục phục vụ sản xuất và sinh hoạt, có phương án sẵn sàng khôi phục kịp thời khi có sự cố xảy ra.

Hà Kiều

 

Ý kiến bạn đọc

Tin khác