Chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ (15-11-2016)

Theo tin từ Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương, vùng áp thấp trên vùng biển Nam biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Hồi 19 giờ ngày 11/12/2016, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 8,0 độ Vĩ Bắc; 109,8 độ Kinh Đông, cách đảo Huyền Trân (quần đảo Trường Sa) khoảng 100km về phía Tây. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/h), giật cấp 7-8.
Chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ
Ảnh minh họa

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chậm theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km và còn có khả năng mạnh thêm. Ngoài ra, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới và gió mùa Đông Bắc, từ ngày 14-17/12/2016, ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Ninh Thuận có mưa to với tổng lượng trên 200mm, riêng Quảng Nam đến Phú Yên mưa rất to (300-400mm/đợt), trên các sông thuộc khu vực này có khả năng xuất hiện lũ trở lại.

Để chủ động ứng phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới và mưa lũ, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (BCĐ TW PCTT) - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn (UBQG TKCN) đã có Công điện số 42/CĐ-TW hồi 22 giờ 00 ngày 11/12/2016 yêu cầu BCH PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Trị đến Kiên Giang, các Bộ, ngành liên quan theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời, đầy đủ cho chủ các phương tiện, người lao động, ngư dân đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động các biện pháp phòng tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm, đảm bảo cho người và phương tiện. Khu vực nguy hiểm trong 24 giờ tới được xác định trong khoảng từ 6,5 độ Vĩ Bắc đến 12,5 độ Vĩ Bắc và phía Đông kinh tuyến 106,0 độ Kinh Đông, vùng nguy hiểm sẽ được điều chỉnh tùy theo diễn biến của áp thấp nhiệt đới. Bên cạnh đó, cần duy trì liên lạc thường xuyên với thuyền trưởng, chủ các phương tiện và các cơ quan chức năng để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Đối với khu vực đất liền, ven biển từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Sóc Trăng cần chủ động triển khai các biện pháp sẵn sàng ứng phó như chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây, hướng dẫn tàu thuyền vào nơi neo đậu, tránh trú để đảm bảo an toàn. Rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán dân khỏi những nơi nhà cửa không đảm bảo an toàn, những khu vực trũng, thấp có nguy cơ ngập lụt ven sông, ven biển. Đồng thời, kiểm tra, rà soát các hoạt động du lịch ven biển, trên đảo; các lồng bè, khu nuôi trồng thủy, hải sản, sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và du khách.

Đối với các tỉnh miền Trung từ Quảng Trị đến Ninh Thuận, bên cạnh việc triển khai các hoạt động khắc phục hậu quả của các đợt mưa lũ vừa qua cần tích cực chủ động các biện pháp ứng phó với đợt mưa lũ mới có thể xảy ra, đặc biệt chú trọng kiểm tra chặt chẽ tình hình an toàn hồ chứa, tăng cường công tác phối hợp giữa chủ hồ với Ban chỉ huy PCTT và TKCN các địa phương liên quan trong việc thực hiện quy trình vận hành nhằm đảm bảo an toàn cho công trình và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người dân phía hạ du do xả lũ gây ra. Rà soát lại công tác chuẩn bị, sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương nhằm giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ, đặc biệt là thiệt hại về người như đã xảy ra trong các đợt lũ vừa qua.

Ngoài ra, cần sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Các cơ quan thông tin đại chúng thường xuyên cập nhật thông tin dự báo, cảnh báo, tăng cường thời lượng phát sóng, giúp các cấp chính quyền, người dân nắm được thông tin về diễn biến của áp thấp nhiệt đới, mưa lũ để chủ động các biện pháp phòng chống.

Ngọc Hà

Ý kiến bạn đọc

Tin khác