Hải Phòng: Chủ động ứng phó bão lớn và nước biển dâng (21-11-2016)

Theo dự báo của cơ quan Khí tượng thủy văn, năm 2016, thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp bất thường và khó lường tác động xấu tới địa bàn Hải Phòng. Là địa phương ven biển, Hải Phòng trực tiếp đối mặt với  tác động nguy hiểm của hiện tượng El Nino làm gia tăng số lượng và cường độ bão, áp thấp nhiệt đới lớn, gây ra hiện tượng nước biển dâng, nguy cơ úng  ngập ở cả khu vực nội thành và ngoại thành.
Hải Phòng: Chủ động ứng phó bão lớn và nước biển dâng
Ảnh minh họa

Tình hình thực tế

Hải Phòng nằm trong vùng hạ lưu, nơi tập trung các cửa sông chuyển tải toàn bộ lượng  nước của hệ thống sông Thái Bình và một phần lũ sông Hồng ra biển. Hải Phòng cũng là nơi thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, nằm trong vùng có số cơn bão đổ bộ và ảnh hưởng nhiều nhất hàng năm. Trong lịch sử, Hải Phòng từng hứng chịu nhiều trận bão mạnh có sức tàn phá khủng khiếp, gây thiệt hại nặng nề về tài sản, công trình kiến trúc và hoa màu... Điển hình là cơn bão Kate ngày 26/9/1955 với sức gió trên cấp 12 kèm theo nước biển dâng gây vỡ 158 đoạn đê biển, làm 669 người chết, 1.200 người bị thương, 12.000 nhà ở bị đổ, tốc mái; 12.926 ha đất canh tác bị ngập mặn, 137 tàu thuyền bị đắm.

Năm 2015, hiện tượng El Nino cùng với tác động của biến đổi khí hậu đã khiến nhiều hiện tượng khí tượng thuỷ văn xuất hiện bất thường và các kỷ lục về nắng nóng, dông lốc, mưa lớn, hạn hán thiếu nước trên diện rộng tại Việt Nam. Do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tình hình thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường theo chiều hướng cực đoan. Từ đầu năm 2016, khu vực Hải Phòng xuất hiện nhiều diễn biến thời tiết nguy hiểm (gió mạnh, sóng lớn,…) xuất hiện đợt rét đậm, rét hại cuối tháng 1 (nhiệt độ thấp nhất 5.5 độ C) ảnh hưởng đến đời sống và gây thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, thủy sản.

Thực tế cho thấy, khi thiên tai xuất hiện, nguy cơ về các sự cố trên biển đối với hoạt động hàng hải, thủy nội địa không thể xem thường. Trên vùng biển Hải Phòng thường xuyên có hàng nghìn tàu thuyền vận tải, đánh bắt thủy sản hoạt động với lưu lượng lớn, nếu không có sự chủ động ứng phó, khi xảy ra sự cố, tai nạn trên biển, trên sông rất khó lường. Trong khi đó, công tác quản lý phương tiện tàu, thuyền hoạt động trên sông, trên biển tại các địa phương lại thiếu chặt chẽ, việc kiểm tra báo cáo tình hình tàu thuyền khi có bão, áp thấp nhiệt đới còn lúng túng, thiếu chính xác, công tác chỉ đạo ứng phó với các tình huống thiếu những kịch bản phù hợp, cụ thể trước diễn biến thiên tai bất thường.

Công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2016

Để chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời và có hiệu quả, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, thảm họa gây ra, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2016, UBND thành phố Hải Phòng đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 08/3/2016 về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2016; Quyết định số 122/QĐ-UBND ngày 19/01/2016 về việc cử cán bộ tham gia Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai (PCTT) và Tìm kiếm cứu nạn thành phố (TKCN).

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN thành phố đã tổ chức triển khai kịp thời các nhiệm vụ công tác năm 2016; kiện toàn, phân công nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ huy; chỉ đạo, đôn đốc các huyện, quận và các ngành, đơn vị tổ chức tổng kết công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2015, triển khai nhiệm vụ năm 2016; kiểm tra, đánh giá chất lượng công trình đê điều và lập 02 phương án bảo vệ trọng điểm đê điều xung yếu cấp thành phố; rà soát, cập nhật phương án ứng phó với bão mạnh và siêu bão; xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2016.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN thành phố đã tổ chức thực hiện nghiêm túc công tác trực ban 24/24h; tham mưu thực hiện kịp thời các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất cho Ban Chỉ huy PCTT và TKCN thành phố; tổ chức hệ thống thông tin liên lạc VHF từ thành phố đến các huyện, quận, ngành; xây dựng phương án trọng điểm phòng chống lụt bão cấp thành phố; tập huấn cho lực lượng quản lý đê và phòng chống lụt bão; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng thông tin tuyên truyền về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai; thực hiện quản lý, xuất cấp vật tư dự trữ phục vụ phòng chống lụt bão….

Các ngành, các địa phương, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch PCTT và TKCN, phương án huy động nhân lực, vật tư, phương tiện theo phương châm “bốn tại chỗ”; xây dựng 31 phương án trọng điểm phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện, trong đó có 13 phương án phòng chống bão, 09 phương án phòng chống lũ và 09 phương án tìm kiếm cứu nạn. Xây dựng kế hoạch PCTT và TKCN, phương án huy động nhân lực, vật tư, phương tiện; kế hoạch, phương án phòng ngừa trước mùa lũ, bão và trong ứng phó các tình huống thiên tai, phương án sơ tán dân ở khu vực nguy hiểm, phương án di chuyển, bố trí neo đậu tàu thuyền, lồng bè thuỷ sản khi có bão; phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ thực hiện có hiệu quả hoạt động TKCN người và phương tiện gặp sự cố trên biển. Bổ sung hoàn thiện các Kế hoạch, phương án phòng chống bão mạnh, siêu bão, phòng chống thiên tai theo các cấp độ rủi ro thiên tai.

Nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới

Để thực hiện tốt hơn công tác PCTT và TKCN, UBND thành phố Hải Phòng yêu cầu các cấp, các ngành và đơn vị chức năng trong toàn thành phố thời gian tới cần tăng cường công tác tuyên truyền các văn bản pháp luật về PCTT, về đê điều, tìm kiếm cứu nạn và kiến thức phòng, chống, tránh thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Quán triệt phương châm: “Chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả” và phương châm “bốn tại chỗ” bao gồm: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ; đồng thời triển khai đồng bộ, lồng ghép các giải pháp công trình và phi công trình nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.

Bên cạnh đó, hoàn chỉnh, bổ sung kế hoạch PCTT và TKCN của các địa phương và các ngành, đặc biệt là các khâu chỉ huy, chỉ đạo hiệp đồng các lực lượng tham gia xử lý khẩn cấp về phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (xây dựng và ban hành quy chế chỉ huy chỉ đạo hiệp đồng các lực lượng tham gia phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn thành phố). Tổ chức biên chế, huấn luyện kỹ thuật, nghiệp vụ cho các lực lượng trực ban, lực lượng nòng cốt tham gia hộ đê và tìm kiếm cứu nạn. Tổ chức diễn tập phương án bảo vệ trọng điểm phòng chống lụt bão đối với các vị trí đê, kè, cống xung yếu, phương án cứu hộ, cứu nạn trên sông biển, phương án cứu sập, cứu nạn khu vực nhà cửa, kho tàng xung yếu; rút kinh nghiệm, kịp thời bổ sung, hoàn thiện, bổ sung các phương án phòng chống bão mạnh, phương án phòng chống theo các cấp độ rủi ro thiên tai.

Các huyện, quận, các ngành tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị việc triển khai kế hoạch, phương án PCTT và TKCN đặc biệt là việc chuẩn bị chu đáo nhân lực, vật tư, phương tiện, thiết bị phục vụ PCTT và TKCN và công tác tổ chức diễn tập bổ sung hoàn chỉnh phương án hộ đê, phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn. Đồng thời, tăng cường công tác tu bổ đê điều thường xuyên, duy tu bảo dưỡng đê điều, các Dự án tu bổ, củng cố, bảo vệ, kiên cố hóa đê điều, thủy lợi.

Ngoài ra, cần tăng cường quản lý ngư trường, đặc biệt là công tác đăng kiểm, kiểm tra các thiết bị an toàn đối với ngư dân đánh bắt ngoài khơi; tổ chức bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tại các âu, cảng phòng tránh bão. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện công tác trực ban PCTT và TKCN tại Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT và TKCN các cấp, ngành để chủ động tham mưu xử lý kịp thời sự cố đê điều và các tình huống thiên tai, lũ, bão và tìm kiếm cứu nạn.

Ngọc Hà

Ý kiến bạn đọc

Tin khác