Quảng Nam: Khắc phục các tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” trong năm 2023 (10-04-2023)

Đó là một trong những mục tiêu được đặt ra của “Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và công tác chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) lần thứ 4” mới được UBND tỉnh Quảng Nam ban hành.
Quảng Nam: Khắc phục các tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” trong năm 2023

Xác định đây là nhiệm vụ chính trị, ưu tiên, cấp bách, tập trung nguồn lực thực hiện, quyết tâm gỡ cảnh báo “Thẻ vàng”, phát triển bền vững ngành thủy sản vì lợi ích của người dân, của quốc gia; góp phần đảm bảo quốc phòng an ninh, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Để đạt được mục tiêu trên, Kế hoạch đã đặt ra một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm đến tháng 5 năm 2023:

Công tác chỉ đạo, điều hành

Sở Nông nghiệp và PTNT; UBND các huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn ven biển, phối hợp các Sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU từ cấp tỉnh, huyện và thành lập Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU cấp xã, thôn; xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động, thực hiện giải pháp chống khai thác IUU từ cấp tỉnh, huyện, xã. Yêu cầu chấm dứt tình trạng chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên tàu cá khai thác thủy sản (KTTS) trái phép vùng biển các nước và thực hiện đầy đủ các khuyến nghị của EC về khai thác thủy sản bất hợp pháp.

Đồng thơi, phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh hoàn thiện lại Quy chế phối hợp trong công tác quản lý tàu cá, chống khai thác IUU,.. Đề xuất xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân, địa phương nào không làm tròn nhiệm vụ, trách nhiệm để xảy ra vi phạm.

Thông tin, tuyên truyền

Tăng cường, đẩy mạnh tuyên truyền về chống khai thác IUU, tổ chức các lớp tập huấn về địa phương để tuyên truyền, lập các Đoàn công tác gặp gỡ ngư dân có tàu cá thường xuyên di chuyển ngư trường hoạt động vùng và vận động ngư dân ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài.

Đồng thời, đa dạng các hình thức tuyên truyền, tập huấn, phổ biến cho cộng đồng ngư dân và các tổ chức, cá nhân có liên quan quy định về chống khai thác IUU và tuyên tuyền về biển đảo; xây dựng phóng sự, phát các bản tin liên quan đến công tác chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh; In ấn, phát tờ rơi hướng dẫn về các quy định IUU cho 100% tàu cá, đặc biệt là các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản theo quy định.

Quản lý đội tàu và theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá

Tổ chức rà soát, thống kê toàn bộ số liệu tàu cá hiện có của địa phương hoạt động KTTS, hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép KTTS và lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá theo quy định. Cập nhập 100% dữ liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNfishbase).

Giám sát, truy xuất nguồn gốc sản lượng thủy sản khai thác được bốc dỡ tại địa phương; kiểm tra, kiểm soát tàu cá rời cảng, cập cảng đảm bảo tỷ lệ theo quy định và kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá nhập bến, cập cảng đảm bảo thông báo trước 01 giờ, ghi nộp nhật ký khai thác theo quy định; thông tin trong nhật ký khai thác được kiểm tra, đối chiếu phù hợp với dữ liệu giám sát tàu cá.

 Theo dõi, giám sát 24/7 giờ đối với 100% tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá; mở đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá trên các vùng biển. Lập danh sách các tàu cá không tham gia KTTS và các tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU để theo dõi, quản lý; xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện quy chế phối hợp giữa các địa phương để kiểm soát 100% tàu cá của tỉnh hoạt động trên địa bàn ngoài tỉnh, tàu cá của tỉnh khác cập cảng làm xác nhận nhưng thực hiện chứng nhận tại tỉnh khác. Theo dõi, tổng hợp và đối khớp số liệu theo dõi, giám sát tàu cá xuất, nhập bến, ra vào cảng, số liệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản tại địa phương,..

Xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác

Thực hiện xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác trong nước đảm bảo hồ sơ xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thuỷ sản đầy đủ, lưu trữ có hệ thống, dễ truy cập, đáp ứng được yêu cầu về truy xuất nguồn gốc theo chuỗi từ khâu kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng qua cảng, thẩm định dữ liệu với cơ sở dữ liệu tàu cá, dữ liệu giám sát hành trình, danh sách tàu cá IUU; đảm bảo tính hợp pháp của các sản phẩm được xác nhận, chứng nhận xuất sang thị trường EU và các thị trường khác có yêu cầu truy xuất được nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác.

Tổ chức kiểm tra các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đi châu Âu trên địa bàn tỉnh về nguồn gốc nguyên liệu thủy sản từ khai thác; kiểm soát 100% thông tin liên quan của tàu cá tỉnh khác cập cảng làm xác nhận nhưng thực hiện chứng nhận tại tỉnh khác và kiểm soát 100% sản phẩm thủy sản khai thác được nhập khẩu từ nước ngoài.

Về thực thi pháp luật, xử lý vi phạm hành chính

Tiếp nhận thông tin, kiểm tra, xác minh tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài tiến hành xử lý nghiêm; xác minh các tàu cá bị cảnh báo vượt ranh giới cho phép trên biển hoàn chỉnh hồ sơ, tiến hành xử lý hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Đối với các tàu cá khai thác vùng khơi bị tàu nước ngoài bắt giữ hoặc yêu cầu Việt Nam xử lý: Thu thập các hồ sơ, chứng cứ liên quan tàu cá khai thác hải sản vùng khơi bị bắt; phối hợp với các cơ quan liên quan thuộc Bộ Ngoại giao đề nghị nước bắt giữ tàu cá Quảng Nam cung cấp hồ sơ, chứng cứ liên quan đối với các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài từ năm 2019 đến nay (nếu có) cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh để lập hồ sơ đề xuất xử lý theo quy định. Phối hợp với Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao để nắm chắc về tình hình, kết quả đấu tranh, đảm bảo quyền lợi chính đáng của tàu cá và ngư dân khi bị lực lượng chức năng các nước bắt giữ, xử lý. Tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử phạt các trường hợp vi phạm khai thác IUU, xử lý các tàu cá mất kết nối trên 10 ngày,..

Ngoài nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trên, về lâu dài, các Sở, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện các chương trình, đề án, quy hoạch phát triển ngành thủy sản bền vững đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đầu tư thỏa đáng để bảo đảm công tác bảo tồn, phục hồi các hệ sinh thái biển, tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng giảm KTTS, tăng nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi biển.

Thực hiện chuyển đổi nghề khai thác thủy sản, tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng ngư dân ven biển; đầu tư cơ sở hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, hệ thống thông tin quản lý nghề cá trên biển; xây dựng cơ chế, chính sách khoanh nợ, giãn nợ vay cho chủ tàu cá KTTS hợp pháp chưa đủ khả năng trả nợ; xây dựng chương trình đào tạo, nâng cao tay nghề và hướng dẫn quản lý lao động nghề cá phù hợp với quy định pháp luật lao động trong nước và quốc tế.

Thanh Thủy

Ý kiến bạn đọc

Tin khác