Kiên Giang chú trọng bảo vệ môi trường ngành thủy sản (03-04-2023)

Kinh tế thủy sản là một trong những thế mạnh của tỉnh Kiên Giang. Nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh này, thời gian qua tỉnh đã không ngừng nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm đưa lĩnh vực khai thác và nuôi trồng thủy sản (NTTS) phát triển theo hướng bền vững, trong đó có nhiều giải pháp chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường.
Kiên Giang chú trọng bảo vệ môi trường ngành thủy sản
Kiên Giang là tỉnh có tiềm năng rất lớn để phát triển NTTS (ảnh: Hải Đăng)

Quan tâm đến môi trường

Năm 2022, sản xuất thủy sản tại Kiên Giang đã và đang phát triển mạnh. Tổng sản lượng khai thác và NTTS của tỉnh ước đạt 846.381 tấn, tăng 5,39% kế hoạch, bằng 98,63% cùng kỳ.

Cụ thể: Sản lượng khai thác thủy sản đạt 523.929 tấn các loại, tăng 7,34% kế hoạch và bằng 92,37% cùng kỳ. NTTS với diện tích ước đạt 293.625 ha, tăng 5,54% so với cùng kỳ và bằng 100,7% kế hoạch; sản lượng thu hoạch 322.452 tấn thủy sản các loại, tăng 10,84% so với cùng kỳ và bằng 102,38% kế hoạch.

Được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các cấp lãnh đạo; sự quyết tâm, nỗ lực của chung của ngành thủy sản; sự phối hợp, hỗ trợ của các đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT, các tổ chức, Sở, ban, ngành và địa phương; sự đồng thuận, ủng hộ của doanh nghiệp và nông dân nên công tác bảo vệ môi trường lĩnh vực thủy sản đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần vào công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh ngày càng tốt hơn.

Cụ thể, với lĩnh vực NTTS, việc xử lý chất thải trong NTTS đã có bước chuyển biến rõ nét, có 95% diện tích nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải, trong đó 2.000 ha nuôi tôm công nghệ cao đạt 100% cơ sở có xử lý nước thải. Riêng một bộ phận nhỏ 5% nuôi nhỏ lẻ chưa có hệ thống xử lý chất thải; 100% diện tích nuôi tôm - lúa (110.038 ha) sử dụng vi sinh trong suốt quá trình nuôi và nuôi với mật độ thưa nên khả năng gây ô nhiễm của nước thải không cao. Bùn thải từ cải tạo ao đầm trong nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh; nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp; tôm - lúa cơ bản thực hiện đúng quy định (có khu vực chứa bùn thải).

Trong hoạt động khai thác thủy sản, đã tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức cho chủ tàu, ngư dân thực hiện bảo vệ môi trường thông qua việc giảm thiểu sử dụng loại vật tư, dụng cụ chuyên dùng bằng nhựa dùng 1 lần; đồng thời, vật liệu nhựa dùng 1 lần (bọc nilông bảo quản thủy sản) được thu gom hiệu quả tại cảng cá Tắc Cậu, huyện Châu Thành. Đối với Khu Bảo tồn biển Phú Quốc hàng năm đã xây dựng Kế hoạch giám sát và tổ chức thu gom, phân loại rác thải nhựa chuyển các đơn vị có chức năng xử lý. Ngoài ra, trong năm đã thực hiện ít nhất 2 đợt vận động các tổ chức, đoàn thể xã hội, thanh thiếu niên tại các địa bàn ven biển tổ chức hưởng ứng ngày Môi trường thế giới và ra quân bảo vệ môi trường, thu gom rác thải dọc theo ven biển.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Kiên Giang cũng đã ban hành Kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang với mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa trong sản xuất ngành thủy sản, từng bước quản lý rác thải nhựa đại dương theo tiếp cận từ đầu nguồn tới đại dương; nâng cao ý thức, trách nhiệm xã hội của cộng đồng nông, ngư dân, các doanh nghiệp về rác thải nhựa, góp phần thực hiện thành công mục tiêu của Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn.

Khó khăn vẫn còn đó

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản của tỉnh Kiên Giang cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn như: Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác bảo vệ môi trường chưa thật sự đồng bộ, thiếu sự chia sẻ thông tin, vẫn còn nhiều bất cập trong thực hiện các quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội về thủy sản với công tác bảo vệ môi trường.

Tình hình thời tiết, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn trong thời gian qua diễn biến khá phức tạp, dịch bệnh tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; việc thâm canh tăng vụ đã làm cho dịch bệnh phát sinh; công tác quản lý môi trường, quản lý dịch bệnh chỉ dừng lại ở mức cảnh báo chưa có giải pháp phòng chống hiệu quả; ý thức quản lý dịch bệnh, môi trường tại các vùng nuôi của một bộ phận nông dân chưa cao; tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục xảy ra tác động không nhỏ đến quá trình quản lý và phát triển sản xuất, các cơ sở nuôi xả nước thải chưa qua xử lý hoạt động mang tính lén lút, chủ yếu vào ban đêm nên việc kiểm tra, phát hiện, xử lý gặp nhiều khó khăn.

                                                                                                              Vùng nuôi tôm rừng (ảnh: Hải Đăng)

Hoạt động xả thải nhiên liệu đã qua sử dụng, vật liệu nhựa sử dụng 1 lần khó phân hủy, ngư lưới cụ bị hỏng… trên biển của ngư dân vẫn còn khá nhiều, mặc dù đa số ngư dân đã được tuyên truyền và đều nhận thức được việc hành động này gây ô nhiễm biển, vùng nước tự nhiên là gây ô nhiễm môi trường.

Định hướng thời gian tới

Trong thời gian tới, tỉnh Kiên Giang tiếp tục thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương về công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực thủy sản nhằm cụ thể hóa các Đề án, Dự án, Kế hoạch và Quyết định số 911/QĐ-TTg ngày 29/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2021 - 2030.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 99/KH-UND ngày 6/5/2021 của UBND tỉnh về Hành động quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Xây dựng Chương trình Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của tỉnh trên cơ sở Chương trình của Chính phủ phê duyệt. Tiếp tục thực hiện rà soát, điều chỉnh các quy hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh”.

Chuyển đổi cơ cấu giống thủy sản theo hướng đảm bảo chất lượng, điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu; tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về bảo vệ môi trường, đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm về bảo vệ môi trường.

Tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; tiến hành rà soát, điều chỉnh bổ sung các quy hoạch phát triển ngành thủy sản; đầu tư xây dựng tuyến đê biển Tây, kết hợp với đường giao thông (từ Hà Tiên đến Tiểu Dừa - An Minh) và hệ thống cống, đập các cửa sông để ngăn nước biển dâng.

Lồng ghép nguồn lực đầu tư từ chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với tạo cảnh quan và bảo vệ môi trường khu vực nông thôn. Tiếp tục ưu tiên dành vốn tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn. Đổi mới cơ chế, thủ tục hành chính để tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân và các đối tác kinh tế đầu tư vào ngành thủy sản.

Hải Đăng

Ý kiến bạn đọc

Tin khác