NGÀNH NGHÊU: VƯỢT BÃO - VƯƠN TẦM (23-03-2023)

Hành trình 5 năm của ngành hàng Nghêu Việt (2018-2023) vượt bão ngoạn mục, vươn tầm thế giới, nhờ sự đồng hành và hợp tác chặt chẽ của Tổng cục Thuỷ sản, Hội Thủy sản Việt Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thuỷ sản, các doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu và bà con làm nghề nghêu tại các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh.
NGÀNH NGHÊU: VƯỢT BÃO - VƯƠN TẦM

Việt Nam có tiềm năng đường bờ biển dài trên 3.260 km với nhiều bãi cát, vùng sinh cảnh thuận lợi cho nghêu phát triển và trở thành sản phẩm chiến lược quốc gia. Việt Nam hiện có trên 41.500 ha nuôi nhuyễn thể (chủ yếu là nhuyễn thể hai mảnh vỏ) với sản lượng khoảng 265.000 tấn/năm, trong đó nghêu (ngao) đạt 179.000 tấn/năm. Chuỗi giá trị ngành hàng nhuyễn thể đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 200.000 lao động. Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, trong thời gian tới, nhu cầu của thị trường quốc tế đối với mặt hàng nghêu sẽ tiếp tục tăng.

Nhìn lại chặng đường 5 năm từ 2018 đến nay, ngành hàng Nghêu Việt đã trải qua 03 "trận bão" lớn: Năm 2018-2019, dịch bệnh làm nghêu chết hàng loạt dọc các tỉnh ven biển Việt Nam; Tiếp đó, dịch Covid-19 khiến thị trường thủy sản đóng băng; Xung đột Nga - Ukraine làm tỷ giá và thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, vượt lên tất cả mọi khó khăn, trở ngại, ngành hàng Nghêu Việt đã đạt mức tăng trưởng đột phá. Nếu như trước 2019, xuất khẩu nghêu chỉ dao động ở 60 triệu USD thì tới 2022 con số này đã tăng vọt trên 100 triệu USD, tăng 66% so với trước khi dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu và tre tại Việt Nam – SCBV” được triển khai thực hiện.

5 NĂM - CHẶNG ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Dự án SCBV là một sáng kiến nằm trong nỗ lực của Liên minh Châu Âu cùng làm việc với các tổ chức xã hội tại Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của tất cả mọi người và đạt được các mục tiêu “Phát triển Thiên niên kỷ vào năm 2030”.

Sáng 23/3/2023, dự án đã chính thức khép lại sau 5 năm đồng hành cùng bà con, doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách trong mục tiêu giảm nghèo và bất bình đẳng ở các vùng nông thôn của Việt Nam thông qua phát triển các chuỗi giá trị bền vững và toàn diện. Đến dự hội thảo, về phía ngành Thủy sản có ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, ông Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam, ông Lê Thanh Lựu – Giám đốc Trung tâm ICAFIS - Hội Thủy sản Việt Nam.

Buổi hội thảo mở đầu xúc động với thước phim ngắn điểm lại hành trình của dự án. Hơn 150 đại biểu đã được gặp lại những người sản xuất nhỏ nhờ dự án mà cải thiện thu nhập, những lãnh đạo tổ nhóm nhiệt huyết dẫn dắt bà con khai thác bền vững đạt chứng chỉ quốc tế ASC, những doanh nghiệp đạt thành tựu lớn sau khi chuyển hướng kinh doanh, phát triển bền vững và toàn diện.

Lấy các tiêu chuẩn bền vững làm định hướng phát triển sản xuất, SCBV đã phối hợp cùng các địa phương cải tiến kỹ thuật cho nông dân nhằm đạt được các chứng nhận quốc tế như MSC/ASC dành cho nghêu. Nông dân trong chuỗi nghêu đã chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang tổ nhóm/hợp tác xã, đổi mới tư duy quản trị. Đồng thời, các bên trong chuỗi giá trị đã tăng cường kết nối dựa trên các thỏa thuận hợp tác sản xuất - thu mua theo tiêu chuẩn bền vững. Các doanh nghiệp xuất khẩu nắm bắt kịp thời nhu cầu thị trường…

Bà Vũ Thị Quỳnh Hoa - Giám đốc Quốc gia của Tổ chức Oxfam tại Việt Nam nhấn mạnh: Phát triển chuỗi giá trị toàn diện không chỉ hướng đến tăng thu nhập của từng tác nhân trong chuỗi, mà còn là chia sẻ lợi ích và rủi ro giữa các bên. Từ đó, người sản xuất quy mô nhỏ sẽ được hưởng lợi ích công bằng từ tăng trưởng. Đó là động lực để họ phát huy vai trò chủ thể của những thực hành sản xuất bền vững.

Ông Jesus Laviña - Phó Trưởng Ban hợp tác của Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam cũng nhận định: Mặc dù Việt Nam có những ưu thế hơn các đối thủ cạnh tranh và xác định EU là một trong các đối tác thương mại chính của Việt Nam nhưng những thách thức trong bối cảnh toàn cầu thời gian gần đây (đại dịch COVID-19, chiến tranh tại Ukraine) đã ảnh hưởng tiêu cực tới chuỗi cung ứng thủy sản toàn cầu, trong đó có mặt hàng nghêu.

Vì vậy, để giữ được lợi thế cạnh tranh vốn có, ngành Thủy sản Việt Nam đã thống nhất lựa chọn giải pháp “đề cao chất lượng sản phẩm, phấn đấu đạt các tiêu chuẩn phát triển bền vững”. Từ đó, giành được lòng tin của khách hàng trong nước và quốc tế. 5 năm triển khai dự án cho thấy, dự án SCBV đã ra đời đúng thời điểm, rất phù hợp, đã hỗ trợ tích cực cho ngành hàng nghêu Việt Nam giành được những thành tựu vượt bậc.

5 năm không phải là dài đối với hướng đi toàn diện, hướng tới sự phát triển bền vững. Với những nỗ lực và cố gắng không ngừng của tất cả các đơn vị và chính quyền các cấp, SCBV đã đạt được những kết quả quan trọng: hơn 34.000 người có thu nhập bền vững; 125 nhóm sản xuất được tổ chức tốt hơn; 63 doanh nghiệp cải thiện sản xuất kinh doanh, nâng cao giá trị gia tăng và có chính sách kinh doanh toàn diện; hơn 4.000 việc làm mới được tạo ra; góp phần tăng xuất khẩu nghêu của Việt Nam; đóng góp xây dựng chính sách quốc gia và định hướng phát triển vùng nghêu cấp tỉnh. Đặc biệt, SCBV đã góp phần đẩy mạnh xuất khẩu nghêu của Việt Nam sang Châu Âu, tăng 38-40%.  

EU - THỊ TRƯỜNG LỚN NHẤT VỀ NHẬP KHẨU NGHÊU

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Việt Nam đã xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ sang 56 thị trường. Trong đó, 3 thị trường lớn nhất là EU, Hoa Kỳ và Nhật Bản chiếm tới 90% tổng giá trị xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ của Việt Nam. EU là thị trường dẫn đầu, chiếm 66% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam. Hiện 2/3 lượng nghêu nhập khẩu vào EU có nguồn gốc từ Việt Nam

Năm 2022, xuất khẩu nhuyễn thể của Việt Nam mang về gần 150 triệu USD, trong đó riêng xuất khẩu nghêu (ngao) chiếm 70%, đạt 104,5 triệu USD. Đặc biệt, xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ sang thị trường EU tăng mạnh 37%, đạt 87 triệu USD, chủ yếu do xuất khẩu nghêu Việt sang EU tăng 42%, đạt 78 triệu USD. Nghêu trở thành loài thủy sản có giá trị xuất khẩu lớn thứ 4 sang thị trường EU.

Tại EU, xuất khẩu nghêu sang ba thị trường lớn nhất là Tây Ban Nha, Italy và Bồ Đào Nha đều tăng từ 38-44%. Xu hướng tiêu dùng tại EU đang hướng tới những sản phẩm nghêu thịt, nghêu trắng/nâu hấp nguyên con, sản phẩm giá trị gia tăng chế biến sẵn như nghêu hấp bơ tỏi, nghêu sốt gia vị tomyum…

Nghêu Việt Nam, nhất là dòng nghêu trắng Meretrix Lyrata có sức cạnh tranh lớn trên thị trường thế giới vì Việt Nam đã phát triển nuôi ở hầu hết các tỉnh ven biển và ngày càng nâng cao công nghệ sản xuất. Hơn nữa, nghêu trắng Việt Nam có thể chế biến đa dạng sản phẩm hơn các dòng nghêu khác trên thế giới.

Từ năm 2009, nghêu Bến Tre đạt được chứng nhận MSC đã giúp định vị sản phẩm Nghêu Việt giá trị cao trên trường quốc tế. Đặc biệt từ năm 2020 đến nay, các vùng nuôi nghêu của Việt Nam (tại các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Trà Vinh) đã lần lượt chiếm các vị trí số 1 - 2 - 3 trên thế giới đạt được chứng nhận quốc tế ASC cho sản phẩm nghêu. Chứng nhận ASC sẽ mở ra nhiều cơ hội lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường thế giới (trong đó có EU).

ASC - GIẤY THÔNG HÀNH CHO SẢN PHẨM NGHÊU VIỆT

Hội đồng Quản lý Nuôi trồng thủy sản (ASC) được thành lập vào năm 2010 bởi Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới (WWF - World Wildlife Fund) và Sáng kiến Thương mại Bền vững Hà Lan (IDH - Dutch Sustainable Trade Initiative) để cung cấp một chương trình chứng nhận hàng đầu thế giới về ngành Nuôi trồng thủy sản. Tiêu chuẩn này bao gồm nhiều quy trình nuôi trồng thủy sản trên toàn cầu và xem xét cả khía cạnh môi trường và xã hội để đảm bảo quá trình sản xuất có trách nhiệm.

Nhìn chung, ASC là xác nhận cấp quốc tế đối với thủy sản được nuôi có trách nhiệm, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư và đảm bảo tốt các quy định về lao động. Chứng nhận ASC sẽ mở ra nhiều cơ hội lớn cho các hợp tác xã và các hộ nuôi nghêu, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế; đặc biệt là giúp mở rộng thị trường, thu hút được nhiều doanh nghiệp mua hàng, từ đó, người nuôi nghêu có thể chủ động đầu ra và nâng cao giá trị sản phẩm.

Để phát triển ngành nghêu, SCBV đã hỗ trợ nông dân Việt Nam nuôi nghêu theo tiêu chuẩn ASC. Đến thời điểm này, Việt Nam đã có 3 vùng nuôi nghêu đạt được chứng nhận quốc tế này. Theo ông Đinh Xuân Lập - Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thuỷ sản Bền vững (ICAFIS), Việt Nam rất vinh dự khi có 3 vùng nuôi nghêu (hiện là duy nhất trên thế giới) giành được chứng nhận ASC. Cụ thể, từ năm 2020 đến nay, Việt Nam đã đạt chứng nhận ASC cho sản phẩm nghêu, góp phần đưa ngành hàng nghêu/ngao Việt Nam “nâng tầm thế giới”.

Mặc khác, trong quá trình triển khai dự án hỗ trợ nuôi nghêu theo ASC, Trung tâm ICAFIS và đội ngũ chuyên gia công nghệ thực phẩm đã mày mò nghiên cứu thành công “quy trình làm sạch nghêu ICAFIS” - hoạt động dựa trên đặc tính sinh học của loài nghêu; ngoài việc làm sạch còn cung cấp dưỡng chất và oxy tươi cho nghêu. Từ kết quả đó, các doanh nghiệp như: Hưng Trường Phát, Lenger Việt Nam và Công ty Beseaco đã quyết định ký kết, đồng hành với các hợp tác nuôi nghêu (tại Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu) với giá mua tăng thêm 10-15% so với giá nghêu không có chứng nhận ASC. Thành quả của 5 năm nỗ lực phấn đấu đã chứng minh: “Nghêu sạch Việt Nam” ngày càng khẳng định vị thế trên trường quốc tế.

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác