Nghề nuôi biển: Chuyển đổi từ truyền thống sang công nghiệp (14-02-2023)

Đó là chủ đề của Hội thảo diễn ra sáng 14/2/2023 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bình Định do Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Bình Định tổ chức.
Nghề nuôi biển: Chuyển đổi từ truyền thống sang công nghiệp
Ảnh 1: Ông Trần Công Khôi - Phó vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản phát biểu (Ảnh: Hải Đăng)

Vựa thủy sản” lớn của thế giới

Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản, lãnh đạo các tỉnh Bình Định, Phú Yên; lãnh đạo Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam; lãnh đạo Báo Tuổi Trẻ cùng đại diện các Sở NN&PTNT, Chi cục Thủy sản các tỉnh, thành ven biển miền Trung, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, người dân đánh bắt và nuôi trồng thủy sản (NTTS) trong cả nước.

Phát biểu mở đầu Hội thảo, ông Lê Xuân Trung, Phó Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ cho biết: Hội thảo “Nghề nuôi biển: Chuyển đổi từ truyền thống sang công nghiệp” là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động của Diễn đàn “Phát triển ngành công nghiệp thủy sản: Khai thác bền vững - Đẩy mạnh nuôi trồng” do Báo Tuổi Trẻ khởi xướng, phối hợp cùng Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Bình Định tổ chức, với sự đồng hành của Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank) và một số doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến thủy sản…

Ông Lê Xuân Trung chia sẻ: “Trong dịp Tết Quý Mão 2023, tình cờ tôi gặp một nhóm du khách Hàn Quốc ở Phú Quốc, tôi được họ chia sẻ 2 lý do khiến họ quay trở lại Việt Nam. Lý do thứ nhất: Tắm biển thỏa thích vì ở đây có biển xanh, gió mát, cát trắng, nắng vàng trong khi ở Hàn Quốc đang lạnh lẽo, rét buốt. Lý do thứ hai: Thưởng thức hải sản tươi sống, chế biến đa dạng, giá cả phải chăng. Như vậy, thủy hải sản Việt Nam đã trở thành “mồi ngon” trong thực đơn của du khách Hàn Quốc, tạo thêm một thế mạnh cho du lịch Việt Nam”.

“Và ngành thủy sản đã góp phần tạo thêm thương hiệu quốc gia cho Việt Nam. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã đạt con số kỷ lục 11 tỷ USD, nằm trong nhóm 3 nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới. Có thể nói Việt Nam đã trở thành một trong những “vựa thủy sản” lớn của thị trường toàn cầu”, ông Trung nói thêm.

Cũng theo ông Trung, trước đây thật khó hình dung con tôm có thể mang về cho nước ta hơn 4 tỷ USD, cá tra gần 2,5 tỷ USD… Hai mặt hàng chủ lực này đạt được trong năm 2022 chủ yếu từ nguồn nuôi trồng, chứ không phải từ khai thác cho thấy ngành NTTS của Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc. Đó là hướng phát triển căn cơ, lâu dài đã được xác định thành slogan “Khai thác bền vững - Đẩy mạnh nuôi trồng”.

“Và để NTTS đạt kết quả tốt, chúng ta không chỉ cần có chiến lược và quy hoạch bài bản mà còn cần những giải pháp khả thi trước mắt và lâu dài ở nhiều cấp độ và quy mô khác nhau. Tất nhiên, chúng ta không nên quá tập trung vào sản lượng mà cần đầu tư nâng cao chất lượng thủy sản xuất khẩu và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm từ ao nuôi của người dân, doanh nghiệp cho đến bàn ăn của người tiêu dùng. Những vấn đề từng được nêu ra như ô nhiễm nguồn nước, mô hình nuôi manh mún, cơ sở sản xuất giống và lồng bè còn lạc hậu… cần được giải quyết tích cực trong chiến lược và kế hoạch phát triển chung của Trung ương và các địa phương”, ông Trung cho biết.

Để nghề nuôi biển bền vững

Tại Hội thảo, các đại biểu đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp, nhà khoa học, chuyên gia lĩnh vực thủy sản trình bày nhiều vấn đề về nghề nuôi biển như: Vì sao phải chuyển đổi từ truyền thống sang công nghiệp? Sản xuất con giống nuôi biển chất lượng cao; Tháo gỡ một số điểm nghẽn để phát triển bền vững nuôi biển công nghiệp Việt Nam; Ứng dụng khoa học và phát triển, chuyển giao công nghệ hướng tới nuôi biển bền vững…

Ảnh 2: Toàn cảnh hội nghị (Ảnh Hải Đăng)

Các đại biểu cũng đã trao đổi về những bất cập trong quá trình nuôi trồng và xuất khẩu, từ quy hoạch của địa phương, đến các rào cản kiểm soát chất lượng bất hợp lý từ các cơ quan chức năng trong nước mà doanh nghiệp gặp phải, từ đó đề xuất, hiến kế các thay đổi để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vùng nguyên liệu, xuất khẩu, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu…

Ông Võ Sĩ Tuấn, thành viên Hội đồng Tư vấn Khoa học & Công nghệ, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho biết: “Nuôi biển là cứu cánh để tăng sản lượng thủy sản trong bối cảnh trữ lượng khai thác thủy sản đang sụt giảm. Hiện nay, nuôi biển chủ yếu là nuôi theo quy trình truyền thống, quy mô nhỏ, hầu hết làm từ vật liệu gỗ truyền thống, không chịu được sóng gió lớn. Người NTTS đa số sử dụng thức ăn tươi, mật độ nuôi tại các vùng nuôi chưa đảm bảo dẫn đến môi trường nuôi bị ô nhiễm. Hậu quả là gây ra thiệt hại về kinh tế do sóng bão, tôm cá chết do thiếu ô xy và độc tố, suy thoái hệ sinh thái”.

“Do còn tự phát và manh mún, ngư dân chủ yếu “học lỏm” và dựa trên kinh nghiệm cá nhân, việc chuyển giao công nghệ hạn chế. Vì thế, việc xây dựng mô hình liên kết khoa học và doanh nghiệp nhằm giải quyết một số vấn đề ưu tiên: Sản xuất và cung ứng thức ăn nhân tạo cho tôm hùm; tạo giống và trồng rong chất lượng cao; quy hoạch và tổ chức hợp lý nuôi trồng tại một số địa phương. Về lâu dài, cần phải xây dựng và thực hiện cơ chế vận động, quản lý tài chính thuận lợi cho đầu tư vào khoa học và công nghệ và bảo đảm sở hữu trí tuệ”, ông Tuấn nói thêm.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam: “Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển nghề nuôi biển. Cả nước có khoảng 50.000 cơ sở nuôi biển, phần lớn hoạt động nuôi biển ở quy mô gia đình manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, công nghệ lạc hậu và không bền vững. Hiện trong nước chưa có cơ sở nuôi biển xa bờ”.

Theo đó, ông Dũng cho rằng, để phát triển nghề nuôi biển bền vững, việc cấp thiết phải chuyển đổi từ nuôi truyền thống sang công nghiệp là tất yếu. Định hướng di chuyển từ vùng biển kín, ven bờ ra các vùng biển mở, xa bờ. Đồng thời sẽ phát triển các hệ nuôi kín ở trên bờ với công nghệ tuần hoàn trong thu gom và xử lý chất thải môi trường. Phát triển nghề nuôi biển công nghiệp thì doanh nghiệp phải đóng vai trò chủ thể để thúc đẩy sự phát triển, tạo chuỗi liên kết trong nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu sản phẩm. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động nuôi biển đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do thiếu quy hoạch, thiếu thủ tục giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân. Việt Nam chưa ban hành các tiêu chuẩn và quy chuẩn về nuôi biển, thiếu chính sách hỗ trợ phát triển nghề nuôi biển…

“Về phía Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, chúng tôi có những vấn đề kiến nghị về việc sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định 11/2021/NĐ-CP và 67/2014/NĐ-CP. Sớm xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn về nuôi biển. Ban hành Quy hoạch phát triển nuôi biển bền vững (của quốc gia và từng tỉnh). Ban hành cơ chế phối hợp quản lý liên ngành kinh tế biển. Xây dựng các mô hình nuôi biển công nghiệp tại mỗi địa phương”, ông Dũng cho biết thêm.

Tiềm năng nuôi biển của Việt Nam là rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, do vậy việc nhanh chóng chuyển hướng sang phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp hiện đại là xu hướng phát triển tất yếu của thủy sản Việt Nam, đem lại giá trị cao cho ngành thủy sản và cũng góp thêm giá trị để thu hút du khách. Tuy nhiên cả về trước mắt và lâu dài, vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức cần phải vượt qua.

Hải Đăng

Ý kiến bạn đọc

Tin khác