Hà Nội: Định hướng phát triển thủy sản bền vững (28-11-2022)

Theo định hướng của UBND Thành phố, Hà Nội sẽ tập trung phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững, bảo vệ hệ sinh thái đất ngập nước, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học; thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, an toàn vệ sinh thực phẩm, an sinh xã hội.
Hà Nội: Định hướng phát triển thủy sản bền vững
Ảnh minh họa

Toàn thành phố nỗ lực phấn đấu để từ nay đến năm 2030, tỷ lệ giá trị sản xuất thủy sản tăng bình quân mỗi năm từ 3,5 - 4,5%; sản xuất con giống chất lượng cao đáp ứng đủ nhu cầu trên địa bàn Thành phố. Mở rộng và phát triển thị trường (nhất là thị trường xuất khẩu). Tốc độ tăng trưởng GRDP nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 2,5 - 3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động trung bình 7 - 7,5%.

Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường. Tập trung thúc đẩy phát triển các sản phẩm có lợi thế, cùng với việc xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo các tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường, xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ chức dịch vụ hỗ trợ đồng bộ; đổi mới mạnh mẽ hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị và thúc đẩy hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong từng vùng và giữa các vùng, kết nối chuỗi giá trị toàn cầu.

Thủy sản - lĩnh vực sản xuất chiến lược

Hà Nội quyết tâm triển khai có hiệu quả Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 và Kế hoạch số 63/KH-UBND ngày 25/02/2022 của UBND Thành phố thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cùng với đó, tập trung đầu tư cho các vùng sản xuất công nghệ cao, hữu cơ, sản xuất giống chất lượng cao; mở rộng và đầu tư hạ tầng cho vùng nuôi và cơ sở nuôi trồng thủy sản lồng bè để tăng năng suất chất lượng sản phẩm thủy sản. Tạo môi trường cảnh quan sinh thái tại các hồ nội thành, hồ điều hòa tại các khu đô thị trên địa bàn Thành phố. Tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi và xây dựng thương hiệu sản phẩm thủy sản theo vùng, theo đối tượng nuôi.

Nâng cao hiệu quả quản lý thủy sản

Tổ chức các khâu quan trọng trong sản xuất (như khâu quản lý giống thủy sản), nâng cao hiệu quả, đảm bảo phát triển bền vững. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, chọn tạo, chuyển giao và ứng dụng giống thủy sản có năng suất, chất lượng cao. Bảo tồn và phát triển các giống bản địa, giống đặc sản; Thúc đẩy hợp tác quốc tế, nhập nội các giống có tình trạng tốt (phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương).

Bên cạnh đó, tăng cường sử dụng sản phẩm trong nước, phụ phẩm chế biến để sản xuất thức ăn thủy sản... nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, giảm giá thành sản phẩm. Nghiên cứu, tham gia làm chủ các quy trình sản xuất thuốc, hóa chất, vaccin dùng trong lĩnh vực thủy sản để chủ động nguồn cung, ứng phó kịp thời khi xảy ra dịch bệnh.

Chuyển đổi số quyết định sự thành công của tái cấu trúc ngành

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nghiên cứu khoa học có trọng tâm, trọng điểm gắn với chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến và chuyển đổi số, coi đây là một trong những động lực và giải pháp có tính chất quyết định sự thành công của tái cấu trúc ngành: Chuyển từ nền nông nghiệp với sản lượng cao sang nền nông nghiệp hiệu quả, giá trị cao.

Cụ thể, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để nâng cao năng lực sản xuất và chế biến nông, lâm, thủy sản. Ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp chế biến sâu; gắn sản xuất với chế biến, bảo quản và tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Áp dụng các quy trình sản xuất, các tiêu chuẩn, quy chuẩn để đáp ứng nhu cầu của thị trường (nhất là những thị trường khó tính). Phát triển mô hình nghiên cứu, lai tạo, ứng dụng giống thủy sản mới.

Thúc đẩy chuyển đổi số; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nâng cao năng lực hội nhập quốc tế, phát triển thị trường. Phát triển và hướng đến đồng bộ các công cụ phục vụ chuyển đổi số, số hóa, tạo lập dữ liệu, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu thủy sản, phòng chống thiên tai, dịch bệnh; kết nối, chia sẻ dữ liệu với các đơn vị trên địa bàn thành phố, cơ sở dữ liệu quốc gia.

Đặc biệt là đối với lĩnh vực thủy sản, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thực hiện các nhiệm vụ ưu tiên sau: (1) Từ 2021-2025: Kế hoạch nâng cao năng suất, chất lượng giống vật nuôi (bò thịt, bò sữa và thủy sản) trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025; (2) Từ 2022-2030: Kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển thủy sản thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; (3) Từ 2021-2025: Kế hoạch ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành Thủy sản thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác