Đồng Tháp tập trung phát triển ngành hàng cá tra bền vững, hiện đại (03-11-2022)

Mới đây, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành “Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Đồng Tháp tập trung phát triển ngành hàng cá tra bền vững, hiện đại
Ảnh minh họa

Cụ thể năm 2030: phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP nông lâm thủy sản bình quân 3,5%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông lâm thủy sản bình quân trên 7%/năm. Mở rộng và phát triển thị trường (nhất là thị trường xuất khẩu); tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5-6%/năm. Tốc độ tăng thu nhập từ chế biến nông lâm thủy sản đạt trên 5%/năm. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 30%. Tỷ lệ sản phẩm trồng trọt, thủy sản nuôi trồng được chứng nhận sản xuất bền vững (VietGAP, hữu cơ, đủ điều kiện sản xuất an toàn thực phẩm,…) trên 20%.

Đến năm 2050, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP nông lâm thủy sản bình quân 3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông lâm thủy sản bình quân trên 3,8%/năm. Tốc độ tăng thu nhập từ chế biến nông lâm thủy sản đạt trên 7%/năm. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 50%. Tỷ lệ sản phẩm trồng trọt, thủy sản nuôi trồng được chứng nhận sản xuất bền vững (VietGAP, hữu cơ, đủ điều kiện sản xuất an toàn thực phẩm,…) trên 50%.

Ưu tiên phát triển các sản phẩm có lợi thế của địa phương

Theo kế hoạch, tỉnh Đồng Tháp sẽ tập trung hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường. Đối với lĩnh vực sản xuất chiến lược, sẽ ưu tiên phát triển các sản phẩm có lợi thế (lúa gạo, sen, xoài, cá tra, hoa kiểng), xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, cung cấp đủ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ chức dịch vụ hỗ trợ đồng bộ, hệ thống hậu cần thông suốt; đổi mới mạnh mẽ hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị. Đặc biệt, hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bao bì, nhãn mác gắn với truy xuất nguồn gốc, thương hiệu địa phương và nhãn hiệu hàng hóa; tăng cường áp dụng công nghệ số trong quản lý và thương mại sản phẩm để từng bước phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP trên thị trường trong nước, hướng đến thị trường xuất khẩu.

Trong lĩnh vực thủy sản: Tỉnh Đồng Tháp nỗ lực phát triển thủy sản thành ngành kinh tế sản xuất hàng hóa lớn gắn với công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển bền vững và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; có cơ cấu và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, có khả năng cạnh tranh cao và hội nhập quốc tế; phát triển nuôi tập trung công nghiệp, công nghệ hiện đại với các cơ sở sản xuất quy mô lớn và áp dụng công nghệ cải tiến, nuôi hữu cơ. Đối với hộ quy mô nhỏ thì ứng dụng công nghệ hướng đến tái tạo nước thải nuôi trồng, chế biến thủy sản, giảm sức ép lên môi trường. Hoàn chỉnh hệ thống thuỷ lợi phục vụ thủy sản tại các vùng nuôi chuyên canh. Tổ chức liên kết hiệu quả giữa doanh nghiệp sản xuất lớn và hộ nông dân sản xuất nhỏ thông qua phát triển kinh tế hợp tác. Chủ động trong việc cung ứng các đầu vào thiết yếu (giống, thức ăn, thuốc) và chế biến thủy sản.

Nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo phát triển bền vững

Tập trung phát triển ngành hàng chủ lực. Xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn thông qua hỗ trợ đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đảm bảo an toàn dịch bệnh, thống nhất áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật sản xuất bền vững (VietGAP, GlobalGAP,..) hoặc theo yêu cầu cụ thể từng thị trường; đảm bảo số hóa vùng trồng, vùng nuôi, cơ sở kinh doanh, chế biến; phát triển Hợp tác xã, Hội quán tại các vùng sản xuất để thống nhất quản lý phát triển, đảm bảo cân đối cung cầu; xây dựng và nhân rộng diện tích sản xuất theo mô hình liên kết chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Đặc biệt là tập trung phát triển ngành hàng cá tra bền vững, hiện đại, phát triển vùng nuôi cá tra sạch, bền vững gắn với quy trình, quy chuẩn chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Phân vùng nuôi cá tra thương phẩm theo 2 vùng. Vùng nuôi chính tiếp giáp với Sông Tiền, sông Hậu, các kênh rạch lớn tập trung ở huyện, thành phố có tiềm năng như các huyện: Thanh Bình, Cao Lãnh, Châu Thành, Tam Nông, Tân Hồng và thành phố Hồng Ngự; vùng nuôi phụ là các huyện, thành phố còn lại (trừ huyện Tháp Mười). Phấn đấu 100% cơ sở nuôi cá tra trong quy hoạch được cấp mã số nhận diện theo quy định (giấy xác nhận đăng ký nuôi đối tượng thủy sản nuôi chủ lực); trên 50% diện tích nuôi cá tra thương phẩm áp dụng và được chứng nhận tiêu chuẩn trong nuôi trồng thủy sản (VietGAP, ASC, BAP, GlobalGAP,…) và 90% diện tích hộ cá thể nuôi cá tra tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ.

Chọn tạo giống cá tra nhằm nâng cao chất lượng con giống, khắc phục tình trạng giống cá tra kém chất lượng; tăng cường quản lý giám sát quy trình kỹ thuật sản xuất giống, hỗ trợ cho các trại sản xuất giống cá tra bố mẹ đã qua chọn lọc về di truyền tăng trưởng nhanh, thích ứng tốt với dịch bệnh và môi trường. Phấn đấu trên 75% con giống phục vụ nuôi thương phẩm là con giống chất lượng cao; đảm bảo 60% các cơ sở sinh sản cá tra bột phải sử dụng đàn cá cải thiện di truyền. Khuyến khích doanh nghiệp chế biến đổi mới dây chuyền chế biến cá tra theo hướng tăng các sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ các phần còn lại của cá tra sau phi lê như bột xương làm thực phẩm, collagen dược phẩm, dịch thuỷ phân protein cá tra, phân bón sinh học từ phụ phẩm,... nâng cao giá trị ngành hàng cá tra.

Cùng với đó, nghiên cứu thị trường trong và ngoài nước, cung cấp thông tin giúp doanh nghiệp và người sản xuất có thông tin về hàng rào kỹ thuật, kênh phân phối, nhu cầu của người tiêu dùng. Thực hiện chương trình hợp tác, đưa sản phẩm thủy sản Đồng Tháp vào thị trường Hà Nội. Trung tâm giới thiệu đặc sản và du lịch Đồng Tháp tại Hà Nội; phối hợp với Vụ Thị trường trong nước của Bộ Công Thương, Sở Công Thương Hà Nội để xây dựng hệ thống phân phối các sản phẩm cá tra tỉnh Đồng Tháp. Phấn đấu đạt mục tiêu chung của ngành cá tra chiếm 10-15% thị phần tiêu thụ nội địa trên tổng sản lượng.

Đồng thời, hoàn thành cơ sở dữ liệu về lĩnh vực thủy sản của tỉnh trong đó có các dữ liệu về cá tra nhằm minh bạch hóa thông tin sản xuất và truy xuất nguồn gốc (mã số nhận diện vùng nuôi, quản lý môi trường, dịch bệnh, điều kiện nuôi, điều kiện chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa…) góp phần hình thành hệ sinh thái số. Khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân sử dụng hệ thống QR code để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Trong thời gian tới, tỉnh Đồng Tháp sẽ tổ chức sản xuất nâng cao hiệu quả, đảm bảo phát triển bền vững. Tập trung nghiên cứu, chọn tạo, chuyển giao và ứng dụng giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản có năng suất, chất lượng và khả năng thích nghi điều kiện tự nhiên của tỉnh; bảo tồn và phát triển giống bản địa. Tăng cường sử dụng phụ phẩm chế biến để sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản, phân bón hữu cơ... để giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Quy hoạch không gian hợp lý để các ngành sản xuất có tác động nhiều đến môi trường (như: chăn nuôi, nuôi trồng và khai thác thủy sản, chế biến nông sản, xử lý chất thải) cách xa các khu đô thị, vùng dân cư… Khuyến khích phát triển sản xuất công nghiệp, cụm công nghiệp phục vụ công nghiệp chế biến hàng nông sản, thủy sản. Phát triển thuỷ lợi đa mục tiêu, ưu tiên các công trình thuỷ lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản; tái sử dụng nước nuôi trồng thủy sản.

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác