Nâng cao giá trị và hình ảnh nghêu Việt Nam (12-07-2022)

Nghêu là một trong 4 sản phẩm chủ lực của ngành Thuỷ sản Việt Nam, tạo công ăn việc làm cho trên 200.000 hộ dân vùng duyên hải. Năm 2021, tổng sản lượng nhuyễn thể ước trên 300.000 tấn. Mặt hàng nhuyễn thể hai mảnh vỏ của Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 67 thị trường trên thế giới với kim ngạch đạt trên 125 triệu USD; trong đó, nghêu là sản phẩm chủ lực (chiếm 73%), xấp xỉ đạt 103 triệu USD.
Nâng cao giá trị và hình ảnh nghêu Việt Nam

Đặc biệt là, từ năm 2009, nghề nghêu tỉnh Bến Tre là nghề nghêu đầu tiên tại Việt Nam và trên thế giới đạt được Chứng nhận Quốc tế của Hội đồng Quản lý biển (MSC), mở ra cánh cửa mới, rộng mở cho các sản phẩm nghêu của Việt Nam thâm nhập nhiều thị trường lớn trên thế giới, đem lại giá trị kim ngạch xuất khẩu cao. Tuy nhiên, nghêu là loài sống ở bãi triều (bãi cát ven biển) nên thường có cát trong cơ thịt, rất khó làm sạch. Nhược điểm này ở nghêu thường dẫn tới (i) phát sinh chi phí làm sạch tại nhà máy chế biến; (ii) khiến nghêu bị yếu đi trong quá trình làm sạch; (iii) dẫn tới hao hụt sản lượng nghêu do nghêu bị mất dưỡng chất và thậm chí có một số nghêu thành phẩm bị chết; (iv) gây ảnh hướng đến hình ảnh và chất lượng của sản phẩm nghêu (nếu còn tồn cát trong cơ thịt).

Qua quá trình triển khai Dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu tại Việt Nam” được tài trợ bởi Liên minh châu Âu (EU), OXFAM tại Việt Nam, Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thuỷ sản bền vững (ICAFIS) và đội ngũ chuyên gia công nghệ thực phẩm đã mày mò nghiên cứu “quy trình làm sạch nghêu ICAFIS”. Quy trình này hoạt động dựa trên đặc tính sinh học của loài nghêu. Ngoài việc làm sạch thì quy trình còn cung cấp dưỡng chất và oxy tươi cho nghêu. Để “quy trình làm sạch nghêu ICAFIS” được ứng dụng trong thực tế sản xuất và nhân rộng cho nhiều vùng nuôi nghêu tại Việt Nam, năm 2020 ICAFIS đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre thử nghiệm mô hình tại Hợp tác xã Thủy sản Thạnh Lợi (xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú).

Hợp tác xã Thủy sản Thạnh Lợi được thành lập từ năm 2004, hiện có 604 thành viên và diện tích nuôi là 198 ha. Đây là một trong bảy hợp tác xã nuôi nghêu tuân thủ thực hành Chứng nhận MSC tại tỉnh Bến Tre. Hàng năm, sản lượng nghêu thương phẩm của Hợp tác xã Thạnh Lợi đạt từ 300-500 tấn với kích cỡ nghêu thương phẩm là 50-70 con/kg. Sau hơn một năm thử nghiệm mô hình với nhiều lần chạy thử “quy trình làm sạch nghêu ICAFIS” tại Hợp tác xã Thủy sản Thạnh Lợi, kết quả làm sạch đã đạt tới trên 95% tại cơ thịt và vòi nghêu.

Vì vậy, ngày 2/6 vừa qua, được sự kết nối của ICAFIS, lãnh đạo Công ty Cổ phần Thủy sản Hưng Trường Phát đã có buổi thăm quan và đánh giá “quy trình làm sạch nghêu ICAFIS” áp dụng tại Hợp tác xã Thủy sản Thạnh Lợi và sau 04 vòng kiểm tra của lãnh đạo Công ty đã chứng minh Quy trình làm sạch đạt mức gần như tuyệt đối. Ông Võ Thanh Hiệp – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Hưng Trường Phát chia sẻ: “Với quy trình và phương án mà ICAFIS đưa ra, cũng như dựa trên kết quả thử nghiệm thực tế này, công ty chúng tôi đã được giúp sức rất nhiều. Sản phẩm làm sạch không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn giúp chúng tôi tiết kiệm cả thời gian và nhân lực. Bởi vì, ngay khi đưa về nhà máy, có thể chế biến luôn chứ không phải chờ làm sạch cát như trước đây”. Thông qua hội đàm và thương thảo, Công ty Cổ phần Thủy sản Hưng Trường Phát đã đồng ý mua sản phẩm nghêu (đã làm sạch cát, tạp chất và đáp ứng đúng các yêu cầu của công ty) với mức giá tăng từ 1.500-2.000 đồng/kg.

Lễ ký kết liên kết chuỗi nghêu sạch MSC tỉnh Bến Tre

Nhằm góp phần triển khai “Nghị quyết 07-NQ/TƯ ngày 29/01/2021 của Tỉnh ủy Bến Tre về Xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030” và đạt được mục tiêu xây dựng, phát triển chuỗi liên kết nghêu bền vững tại Bến Tre, Công ty Cổ phần Thủy sản Hưng Trường Phát đã cùng với Hợp tác xã Thủy sản Thạnh Lợi (xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú) xúc tiến đàm phán và đi đến hoàn tất khâu chuẩn bị hình thành Chuỗi liên kết nghêu sạch MSC tỉnh Bến Tre. Nhờ đó, “Lễ ký kết hợp đồng Chuỗi liên kết dọc cung cấp dịch vụ tín dụng – hỗ trợ đầu tư, kỹ thuật, phát triển chuỗi – sản xuất – thu mua và chế biến nghêu xuất khẩu” đã diễn ra với sự ký kết giữa bốn bên, gồm: Hợp tác xã Thủy sản Thạnh Lợi; Công ty Cổ phần Thủy sản Hưng Trường Phát; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) – Chi nhánh tỉnh Bến Tre; Dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu tại Việt Nam –SCBV/ICAFIS”.

Cụ thể là, ngày 12/7/2022 tại Văn phòng Hợp tác xã Thủy sản Thạnh Lợi (ấp Thạnh Thới B, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) đã diễn ra Lễ ký kết “Liên kết chuỗi nghêu sạch MSC Bến Tre” giữa Hợp tác xã Thủy sản Thạnh Lợi và Công ty Cổ phần Thủy sản Hưng Trường Phát. Đến tham gia sự kiện có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, Đại diện dự án SCBV/ICAFIS, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bến Tre, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), các cơ quan ban ngành trong tỉnh và toàn thể thành viên Hợp tác xã.  

Tại buổi lễ kế kết, Công ty Hưng Trường Phát đã cam kết bao tiêu sản phẩm nghêu sạch của Hợp tác xã Thủy sản Thạnh Lợi với giá tăng từ 1.500-2.000 đồng/kg và tiến hành mua ngay khi Hợp tác xã có nghêu thương phẩm thu hoạch. Ông Nguyễn Văn Quyết – Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản Thạnh Lợi chia sẻ “ban đầu chúng tôi chỉ mong muốn giá tăng được 1.000 đồng/kg là đã nhiều rồi, với mức giá mà Công ty Hưng Trường Phát đã cam kết thu mua thì trên cả tuyệt vời”. Ông Quyết mong rằng Dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu tại Việt Nam –SCBV/ICAFIS” sẽ chia sẻ và nhân rộng “quy trình làm sạch nghêu ICAFIS” để bà con nuôi nghêu tại nhiều vùng miền của Việt Nam được hưởng lợi từ công nghệ làm sạch nghêu tiên tiến này. Ước tính với sản lượng hiện tại, doanh thu tăng thêm mà Hợp tác xã Thủy sản Thạnh Lợi sẽ thu được dao động trong khoảng 600-800 triệu đồng/năm.

Tại lễ ký kết, ông Đinh Xuân Lập – Phó Giám đốc ICAFIS vui mừng chia sẻ: “Với những người làm phát triển như chúng tôi, kết quả ngày hôm nay là một niềm vui lớn. Thành quả này không chỉ của riêng dự án SCBV/ICAFIS mà còn là sự nỗ lực của tất cả bà con nông ngư dân. Bên cạnh đó còn có sự đồng hành của các doanh nghiệp và sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương. Chúng tôi cam kết hỗ trợ chuyển giao miễn phí cho tất cả cộng đồng nghêu, doanh nghiệp thủy sản có quan tâm đến “quy trình làm sạch nghêu ICAFIS” vì một mục tiêu chung: Nâng cao giá trị và hình ảnh nghêu Việt Nam”.  

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác