Cá tra Việt Nam: Nhiều thách thức trong năm 2022 (28-02-2022)

Năm 2022, ngành hàng cá tra được dự báo sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Toàn ngành sẽ tập trung nâng cao chất lượng giống, vận động các doanh nghiệp chế biến quan tâm xây dựng các vùng nuôi liên kết chặt chẽ, đồng thời, bám sát diễn biến thị trường để đáp ứng yêu cầu của các quốc gia nhập khẩu.
Cá tra Việt Nam: Nhiều thách thức trong năm 2022
Ảnh minh họa

Năm 2021, ngành hàng cá tra Việt Nam đã vượt qua đại dịch Covid-19, duy trì được chuỗi sản xuất, cung ứng. Dù vậy, bước sang năm 2022, ngành hàng cá tra vẫn còn phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Ngay từ đầu năm 2022, giá cá tra đã tăng rất cao là cơ hội để người dân, doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, phát triển sản xuất. Tuy nhiên, giá cao, tăng trưởng nóng cũng tiềm ẩn nhiều hệ lụy như: tình trạng lạm dụng trong sản xuất, kinh doanh, chất lượng sản phẩm có thể bị giảm sút, gây mất ổn định ngành hàng.

Bên cạnh đó, theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, các tháng mùa khô năm 2022, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Công về Đồng bằng sông Cửu Long khả năng thiếu hụt từ 10-15% so với trung bình nhiều năm. Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, khả năng tập trung trong khoảng tháng 2 đến tháng 4. Nguồn nước giảm và tình trạng xâm nhập mặn là nguyên nhân tiềm ẩn rủi ro dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản.

Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới vừa là thách thức, vừa là cơ hội

Các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia vừa là thách thức, vừa là cơ hội để sản phẩm cá tra Việt Nam tiếp tục xuất khẩu vào các thị trường như EU, Hoa Kỳ... Tuy nhiên, những yêu cầu ngày càng khắt khe từ thị trường nhập khẩu đòi hỏi ngành hàng cá tra Việt Nam phải nỗ lực để đáp ứng.Riêng với thị trường Trung Quốc, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ban hành lệnh số 248, 249 áp dụng đối với hoạt động xuất khẩu sản phẩm thủy sản sang Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Lệnh 248, 249 có thể sẽ có ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thủy sản đông lạnh, trong đó có cá tra.

Trước những thách thức trên, trong năm 2022, ngành hàng cá tra vẫn đề ra mục tiêu phấn đấu sản lượng thương phẩm đạt từ 1,6-1,7 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,6 tỷ USD.

Để khắc phục các khó khăn, đạt được các mục tiêu đề ra trong năm 2022, toàn ngành Thủy sản sẽ tập trung nâng cao chất lượng giống cá tra. Trong đó, tiếp tục triển khai các đề án, nhiệm vụ nâng cao chất lượng giống cá tra phục vụ nuôi thương phẩm; chỉ đạo sản xuất cung ứng đủ số lượng giống chất lượng cao để nâng cao hiệu quả, hạ giá thành sản xuất. Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục triển khai Đề án “Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.

Bên cạnh đó, vận động các doanh nghiệp chế biến thủy sản quan tâm xây dựng các vùng nuôi liên kết một cách chặt chẽ, gắn kết với cơ sở nuôi thủy sản thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm, có đầu tư, hỗ trợ kinh phí, cùng có trách nhiệm trong việc giám sát, theo dõi quá trình thực hiện sản xuất. Đồng thời, khuyến cáo đến các hộ nuôi chưa tham gia liên kết với doanh nghiệp, tạm thời chưa thả cá lại, tiến hành nâng cấp điều kiện nuôi, tìm kiếm hình thức liên kết phù hợp để đảm bảo có kế hoạch sản xuất ổn định, hạn chế rủi ro do tác động của dịch Covid-19.

Nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu

Cùng với việc thực hiện tốt công tác hướng dẫn cơ sở nuôi sử dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi cá tra, tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Đặc biệt, đối với hoạt động xuất khẩu, ngành hàng cá tra chủ động theo dõi sát diễn biến thị trường để ứng phó nhanh; đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu của các quốc gia nhập khẩu, sẵn sàng xuất khẩu ngay khi có thời cơ. Đồng thời, đa dạng hóa sản phẩm theo hướng sản xuất sản phẩm tiện lợi cho người tiêu dùng, trọng lượng phù hợp với bữa ăn gia đình và theo từng phân khúc thị trường.

Toàn ngành cá tra tập trung đẩy mạnh hoạt động giao dịch điện tử trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử đối với chuỗi xuất khẩu - nhà máy chế biển - cơ sở nuôi, ao nuôi đã được cấp mã số nhằm minh bạch thông tin. Hệ thống truy xuất điện tử này của doanh nghiệp chế biến có thể kết nối với hệ thống quản lý ao nuôi của cơ quan quản lý thủy sản.

Mặt khác, tích cực tìm kiếm thị trường mới, chuyển hướng thị trường xuất khẩu thay vì chỉ tập trung vào một số thị trường chính. Quan tâm xây dựng thương hiệu cho một số dòng sản phẩm cá tra. Về phía các doanh nghiệp chế biến cũng cần chuẩn bị tốt nội lực để tận dụng cơ hội xuất khẩu cá tra sang thị trường EU sau khi việc cắt giảm những dòng thuế liên quan đến cá tra có hiệu lực nhờ Hiệp định EVFTA; sang thị trường Hoa Kỳ khi thị phần cá rô phi Trung Quốc gặp khó do mức thuế cao…

Ngoài ra, Hiệp hội cá tra cần vận động, tuyên truyền các hội viên thực hiện nghiêm các quy định của Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn, nhất là những quy định liên quan đến việc sử dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản. Yêu cầu cơ sở nuôi cá tra nhỏ lẻ ký cam kết sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn thực phẩm. Khuyến khích các cơ sở nuôi nhỏ lẻ tham gia liên kết sản xuất, chỉ thả nuôi khi có hợp đồng bao tiêu với nhà máy nhằm hạn chế rủi ro trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) tiếp tục nắm bắt, chia sẻ kịp thời thông tin thị trường, là cầu nối thông tin cho các cơ quan quản lý về các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Từ đó, phối hợp tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra.

Doanh nghiệp, người nuôi thực hiện nghiêm các quy định về điều kiện nuôi cá tra, đảm bảo an toàn thực phẩm. Hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi để giảm thiểu rủi ro, giảm giá thành sản xuất, nuôi có chứng nhận để nâng cao giá trị sản phẩm. Tuân thủ các quy định về sử dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi cá tra, thực hiện truy xuất nguồn gốc…

Ngọc Thúy (theo dangcongsan.vn)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác