Bà Rịa - Vũng Tàu: Giá trị sản xuất nuôi trồng thủy sản 9 tháng tăng mạnh 6,6% (09-10-2020)

Tháng 9/2020, Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đã phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y thực hiện kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh động vật thủy sản tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; Nhờ đó, không để xảy ra dịch bệnh lớn trên động vật thủy sản.  
Bà Rịa - Vũng Tàu: Giá trị sản xuất nuôi trồng thủy sản 9 tháng tăng mạnh 6,6%

Tháng 9, Chi cục Thủy sản đã lấy 28 mẫu nước để quan trắc chất lượng nước và cảnh báo môi trường vùng nuôi trồng thủy sản; Đã phân tích 268 chỉ tiêu môi trường, kết quả có 46 chỉ tiêu vượt ngưỡng cho phép, đã khuyến cáo người dân xử lý trước khi lấy nước vào ao nuôi. Lũy kế đã lấy 252 mẫu nước, phân tích 2.412 chỉ tiêu (có 463 chỉ tiêu vượt ngưỡng cho phép). Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã thực hiện kiểm dịch động vật thủy sản xuất tỉnh 96 triệu con ấu trùng tôm, 51,62 triệu con tôm giống; Lũy kế đã kiểm dịch 435,2 triệu con ấu trùng tôm, 240,87 triệu con tôm giống.

Trong tháng 9/2020, đã tiến hành lấy mẫu định kỳ 16 mẫu tôm thương phẩm và 13 mẫu tôm giống. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, đã tiến hành kiểm tra giám sát dịch bệnh động vật thủy sản tại 96 cơ sở nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh; lấy mẫu định kỳ 51 mẫu tôm thương phẩm, 13 mẫu tôm giống, 11 mẫu cá, 15 mẫu  nước và 03 mẫu bùn đáy ao; Lấy mẫu đột xuất 02 mẫu cá và 02 mẫu nước, lấy mẫu định kỳ 10 mẫu tôm, 20 mẫu nước và 10 mẫu bùn đáy ao. Kết quả: Có một số mẫu nhiễm vi khuẩn Vibrio spp và bệnh đốm trắng. Chi cục Thủy sản Bà Rịa – Vũng Tàu đã thông báo và hướng dẫn người dân cách khắc phục.

Trên địa bàn tỉnh 9 tháng đầu năm có 2,7 ha tôm nuôi thương phẩm bị nhiễm bệnh đốm trắng, Chi cục đã hướng dẫn người dân xử lý. Ngày 10/8/2020, tại khu vực sông Chà Và và sông Rạng có xảy ra hiện tượng cá nổi đầu, dạt vào lưới lồng. Tính đến ngày 19/8/2020, có 30 hộ nuôi bị thiệt hại khoảng 14 tấn cá các loại. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với UBND địa phương có mặt tại hiện trường để nắm bắt tình hình, thống kê, lấy mẫu bệnh phẩm và mẫu nước để kiểm tra xác định nguyên nhân, hướng dẫn người dân khắc phục thiệt hại đến mức thấp nhất.

Kết quả sản xuất nuôi trồng thủy sản trong 9 tháng

Giá trị sản xuất thủy sản trong tháng 9/2020 tính theo giá hiện hành là 2.176 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng 22.296 tỷ đồng (đạt 84,5% kế hoạch, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2019), trong đó: Nuôi trồng thủy sản 217 tỷ đồng, lũy kế 1.788 tỷ đồng (đạt 80,7% kế hoạch, tăng 6,6% so cùng kỳ năm 2019). Nếu tính theo giá so sánh 2010 thì giá trị sản xuất thủy sản trong tháng 9 ước đạt 1.000 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng 9.448 tỷ đồng (đạt 84,4% kế hoạch, tăng 4,1% so cùng kỳ), trong đó: Nuôi trồng thủy sản 115 tỷ đồng, lũy kế 874 tỷ đồng (đạt 80,3% kế hoạch, tăng 5,8% so cùng kỳ 2019).

Diện tích nuôi trồng thủy sản trong tháng 9/2020 là 6.326 ha (trong đó: Nuôi quảng canh 711,2 ha, nuôi quảng canh cải tiến 5.174 ha, nuôi bán thâm canh 122,5 ha, nuôi thâm canh 318,5 ha) gồm: 1.834,4 ha nuôi nước ngọt và 4.491,8 ha nuôi nước mặn, lợ. Sản lượng nuôi trồng thủy sản trong tháng 9 là 1.851 tấn (tăng 7,8% so cùng kỳ); Lũy kế 9 tháng 14.427 tấn (tăng 4,3% so cùng kỳ, đạt 75,9% kế hoạch).

Công tác sắp xếp lồng bè đến nay đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 (đã hoàn thành công tác cắm phao nhận dạng vùng nuôi, bàn giao cho các địa phương quản lý). Đối với Kế hoạch sắp xếp các cơ sở nuôi trồng thủy sản lồng bè trên địa bàn tỉnh (giai đoạn 2), Chi cục Thủy sản đã phối hợp với các địa phương và cơ quan liên quan tập trung triển khai để hoàn tất vào cuối năm 2020: Thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước để nuôi trồng thủy sản; Tổ chức cưỡng chế đối với các cơ sở nuôi phát sinh trái phép trên địa bàn tỉnh.

Về công tác quản lý lồng bè nuôi trong vùng quy hoạch: UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ban hành Quyết định số 479/QĐ-UBND ngày 09/3/2020 phê duyệt bổ sung phụ lục tọa độ vùng Quy hoạch nuôi trồng thủy sản lồng bè và nhuyễn thể hai mảnh vỏ trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 vào Quyết định 39/QĐ-UBND ngày 11/01/2019. Tổ chức kiểm tra và cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi có thời hạn cho 201 cơ sở nuôi thủy sản lồng bè. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và UBND các địa phương liên quan tiến hành khảo sát mở rộng, khoanh vùng nuôi trồng thủy sản lồng bè và nhuyễn thể hai mảnh vỏ trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Đến nay, các địa phương đã ban hành Kế hoạch thực hiện cưỡng chế, giải tỏa các bè nuôi thủy sản nằm ngoài vùng quy hoạch để triển khai thực hiện, cụ thể: UBND huyện Long Điền ban hành Kế hoạch số 1674/KH-UBND ngày 02/3/2020; UBND thành phố Vũng Tàu ban hành Kế hoạch số 1568/KH-UBND ngày 26/3/2020; UBND thị xã Phú Mỹ ban hành Kế hoạch số 1403/KH-UBND ngày 05/5/2020). Ngày 20/8/2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ban chỉ đạo sắp xếp lồng bè) đã ban hành Kế hoạch số 30/KH-BCĐ về việc thực hiện công tác cưỡng chế, giải tỏa các bè nuôi thủy sản ngoài vùng quy hoạch trên địa bàn tỉnh (thực hiện thí điểm tại phường Thắng Nhất, thành phố Vũng Tàu).

Đối với việc thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước cho các hộ nuôi trồng thủy sản trong vùng quy hoạch, các địa phương đang tiếp tục rà soát, tiến hành đo đạc cấp bản vẽ sơ đồ vị trí nuôi tại các cơ sở nuôi nhằm phục vụ công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước để nuôi trồng thủy sản (hiện có khoảng 165/203 cơ sở đã đo đạc cấp bản vẽ sơ đồ vị trí nuôi).

Tính đến ngày 20/9/2020, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có 18 cơ sở nuôi trồng và sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao (công nghệ nuôi theo quy trình “3 sạch” gồm giống, nước và đáy ao sạch, sản xuất giống thủy sản áp dung hệ thống máy HOD, máy RO, máy lọc UF...) với diện tích 352 ha (tăng 100 ha so cùng kỳ); trong đó đang sản xuất 222 ha, sản lượng ước đạt 1.821 tấn/năm và 4,8 tỷ con giống/năm. Tính đến nay, các doanh nghiệp và nông - ngư dân đã và đang thực hiện liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi trên một số loại cây trồng, vật nuôi (trong đó: thủy sản có khoảng 07 ha tại Xuyên Mộc).

Trong 9 tháng, các đơn vị đã tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm nông sản, thủy sản trên địa bàn tỉnh. Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản đã thực hiện kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm theo Thông tư số 38/2018/TT-BNNPhát triển nông thôn, tổng cộng đã kiểm tra 218 lượt cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, sản phẩm nông sản và thủy sản, kết quả có 04 cơ sở đạt loại A, 168 cơ sở đạt loại B và 46 cơ sở không đạt (đã hướng dẫn khắc phục, thu hồi 03 giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, đồng thời công khai kết quả kiểm tra trên Trang thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Bên cạnh đó, tiến hành lấy 218 mẫu rau củ, trái cây, thủy sản để giám sát chất lượng an toàn thực phẩm, kết quả không có mẫu thủy sản nào vượt mức giới hạn cho phép; Trạm kiểm nghiệm tiếp nhận và phân tích 1.077 mẫu thực phẩm nông, lâm, thủy sản theo nhu cầu của các tổ chức cá nhân; Tổ chức và cấp giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm cho 11 người là chủ cơ sở, người trực tiếp sản xuất kinh doanh thực phẩm nông sản, thủy sản; hướng dẫn UBND các địa phương triển khai công tác quản lý các cơ sở không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Đến nay, các địa phương đã triển khai cho 15.084 cơ sở ký cam kết (đạt 42,4% tổng số cơ sở do địa phương quản lý); Tổ chức 01 lớp tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm với 10 người tham dự.

Trong điều kiện tác động của dịch bệnh Covid-19, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Cục Thống kê tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tiến hành khảo sát trực tiếp một số doanh nghiệp thủy sản ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Từ đó, đề ra mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2020, thực hiện các chỉ tiêu tăng trưởng năm 2020 đạt cao hơn 06 tháng đầu năm:  Khai thác thủy sản tăng 3,91% so năm với năm 2019 (06 tháng đầu năm tăng 3,84%); Nuôi trồng thủy sản tăng 5,76% so với năm 2019 (06 tháng đầu năm tăng 4,48%).

Trong những tháng cuối năm, sẽ tập trung thực hiện các giải pháp trong từng ngành, lĩnh vực. Tiếp tục đổi mới, phát triển các vùng nuôi thủy sản thâm canh ứng dụng công nghệ cao, nuôi tiết kiệm nước, nuôi an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái; Tập trung sản xuất giống một số đối tượng có giá trị kinh tế cao (như: tôm thẻ chân trắng, tôm sú, giống cá nước lợ, các loài nhuyễn thể). Tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao, phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ, nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm

Trong 9 tháng đầu năm 2020, ngành Thủy sản đạt tốc độ tăng trưởng 4,08% so với cùng kỳ năm 2019, vượt chỉ tiêu kế hoạch năm (chỉ tiêu kế hoạch năm là 3,91%). Trong đó: Khai thác thủy sản tăng 3,91% so cùng kỳ, chỉ tiêu kế hoạch là 3,84%; Nuôi trồng thủy sản tăng 5,76% so cùng kỳ, chỉ tiêu kế hoạch năm 4,53%. Một trong những lý do khiến tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có được sự tăng trưởng mạnh trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản là vì công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản được thực hiện tương đối tốt; công tác thủy nông đảm bảo  không xảy ra hạn hán, thiếu nước; công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm nông sản, thủy sản được quan tâm chỉ đạo và được tăng cường, duy trì thực hiện thường xuyên.

Trong 3 tháng cuối năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện một số công việc trọng tâm như: Triển khai thực hiện Kế hoạch hành động của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn số 60/KH-SNN ngày 22/7/2020 về thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và đảm bảo trật tự, an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Trong đó cần tiếp tục tích cực triển khai các giải pháp nhằm thực hiện “mục tiêu kép” vừa kiểm soát tốt dịch Covid-19, vừa nhanh chóng khắc phục khó khăn, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; Tiếp tục theo dõi, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong ngành để kịp thời đề xuất những biện pháp tháo gỡ.

Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh động vật thủy sản trên địa bàn tỉnh; giám sát tình hình nuôi trồng thủy sản tại các vùng nuôi trọng điểm để kịp thời hướng dẫn kỹ thuật cho người dân (nhằm giảm thiểu dịch bệnh, nâng cao năng suất); Thường xuyên thực hiện công tác giám sát, quan trắc và cảnh báo môi trường các vùng nuôi; phối hợp với các sở ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai Kế hoạch số 13/KH-SNN ngày 10/02/2020 của Ban Chỉ đạo về thực hiện công tác sắp xếp các cơ sở nuôi trồng thủy sản lồng bè trên địa bàn tỉnh (nhất là công tác cưỡng chế, giải tỏa các bè nuôi trái phép); Tăng cường công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản; chủ động phối hợp với các Sở ngành, địa phương trong công tác lấy mẫu kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (nhất là vào dịp lễ, tết cuối năm); Phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ năm 2020.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác