Hưng Yên: Đưa lĩnh vực thủy sản phát triển theo hướng hàng hóa hiệu quả và bền vững (14-09-2020)

Đó là mục tiêu của Đề án phát triển thủy sản tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020-2025 vừa được Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên phê duyệt.
Hưng Yên: Đưa lĩnh vực thủy sản phát triển theo hướng hàng hóa hiệu quả và bền vững
Ảnh minh họa

Theo đó, Đề án đề ra mục tiêu tổng quát là phát triển thủy sản tỉnh Hưng Yên theo hướng hàng hóa hiệu quả và bền vững. Từng bước áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm; tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, bảo về môi trường sinh thái, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tỉnh Hưng Yên.

Đề án phát triển dựa trên 3 trụ cột chính mà tỉnh Hưng Yên có lợi thế là nuôi trồng thủy sản ao, hồ, đầm nhỏ; nuôi cá lồng; nuôi thủy sản đặc sản. Bên cạnh đó, chú trọng đến phát triển khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo hướng bền vững. Phát triển nuôi trồng thủy sản dựa trên dựa trên cân bằng giữa khai thác và phát triển nguồn lợi và bảo vệ môi trường, nghiêm cấm việc khai thác quá mức, khai thác mang tính hủy diệt, các hoạt động làm ô nhiễm môi trường... Hàng năm tiếp tục thả bổ sung, phóng sinh các loài thủy sản ra nguồn nước tự nhiên đế tái tạo nguồn lợi thủy sản. Ngoài ra, các giải pháp về dịch vụ con giống, thức ăn và dịch vụ thú y cũng như nguồn nhân lực phục vụ đã được cụ thể hóa trong đề án trên.

Theo Đề án, tỉnh Hưng Yên đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025, diện tích nuôi ao hồ nuôi trồng thủy sản đạt 6.100 ha trong đó: Nuôi thâm canh chiếm 3.000 ha, năng suất 13,5 tấn/ha, sản lượng 40.500 tấn; diện tích nuôi bán thâm canh chiếm 3.000 ha, năng suất 7 tấn/ha, sản lượng 21.000 tấn. Và đến năm 2025, số lượng lồng nuôi đạt 800 lồng, năng suất đạt 4 tấn/ha, sản lượng đạt 3.200 tấn, tập trung phát triên tại thành phố Hưng Yên; các huyện: Kim Động, Khoái Châu, Văn Giang, Tiên Lữ, Phù Cừ. Ngoài ra, tỉnh Hưng Yên chú trọng phát triển nuôi đối tượng đặc sản, sản xuất giống với diện tích là 100 ha, sản lượng đạt 300 tấn chủ yếu các đối tượng có giá trị kinh tế cao như ba ba, ếch, lươn, trạch trấu, cá lăng…

Bên cạnh đó, cùng với việc phát triển diện tích nuôi trồng thủy sản đề án cũng đặt ra mục tiêu chủ động nguồn cung dịch vụ giống thủy sản, phấn đấu đến năm 2025 đáp ứng được khoảng 70 - 80% nhu cầu giống thủy sản trên địa bàn tỉnh. Theo dự báo, đến năm 2025 nhu cầu giống thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh là 250 triệu con/năm, trong đó: Nuôi thâm canh 3.000 ha, nhu cầu giống thủy sản là 135 triệu con; nuôi bán thâm canh 3,000 ha, nhu cầu giống thủy sản là 100 triệu con; nuôi cá lồng: số lồng 800 lồng (thể tích lồng 108 - 163m3/lồng) cần khoảng 4-5 triệu con giống, còn lại giống thủy đặc sản khoảng 10 triệu con.

Tỉnh Hưng Yên cũng đặt ra mục tiêu, đến năm 2025, giá trị sản xuất thủy sản đạt 1.700 tỷ đồng và sẽ đóng góp 15 %.vào giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh

Để đạt được các mục tiêu Đề án đưa ra, tỉnh Hưng Yên đã đưa ra 8 nhóm giải pháp để thực hiện sau: Giải pháp cơ sở hạ tầng vùng nuôi; giải pháp về chính sách; vốn đầu tư; giải pháp khoa học công nghệ; phòng chống dịch bệnh; giải pháp về tổ chức sản xuất; giải pháp thị trường; giải pháp bảo vệ môi trường, theo đó các giải pháp trọng tâm như:

Về giải pháp cơ sở hạ tầng vùng nuôi: Đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng nuôi tập trung trên cơ sở cải tạo nâng cấp ao nuôi, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống điện, giao thông đảm bảo đáp ứng được yêu cầu sản xuất áp dụng công nghệ ao nuôi thâm canh. Cải tạo nâng cấp hệ thống thủy lợi sẵn có nhằm đảm bảo tối đa nguồn nước cung cấp cho các loại hình nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch dề ra.

Về giải pháp chính sách: sẽ thực hiện các chính sách khuyển khích phát triển Hợp tác xã, liên kết với tiêu thụ sản phẩm; Chính sách khuyến khích nuôi trồng thủy sản; Chính sách phát triển giống thủy sản;

Đối với các mô hình nuôi thâm canh có diện tích tối thiếu từ 0,5 ha trở lên, Nhà nước hỗ trợ 30% tổng kinh phí đầu tư mua vật tư, máy móc, trang thiết bị phục vụ nuôi trồng thủy sản; mua giống, thuốc xử lý môi trường và phòng trừ dịch bệnh nhưng không quá 90 triệu đồng/1 ha.

Về giải pháp vốn đầu tư, đầu tư kinh phí cho hoạt động ứng dụng các công nghệ sản xuất giống đã nghiên cứu thành công trong nước nhân rộng và sản xuất đại trà trong tỉnh. Phối hợp với các cơ quan nghiên cứu nhập công nghệ sản xuất giống mới có giá trị kinh tế cao, nâng cao hiệu quả kinh tế và góp phần làm đa dạng các giống mới. Hỗ trợ kinh phí mua cá giống bao gồm giống cá chép, rô đồng, cá trôi... thả ra nguồn nước tự nhiên (các sông nội đồng) nhằm tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Hỗ trợ 30% tống kinh phí đầu tư mua vật tư, máy móc, trang thiết bị phục vụ nuôi trồng thủy sản; mua giống, thuổc xử lý môi trường và phòng trừ dịch bệnh. Bên cạnh đó, hỗ trợ 100% kinh phí tập huấn kỹ thuật nuôi; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Hỗ trợ 30% tổng kinh phí xây dựng cơ sở chế biến thủy sản đông lạnh.

Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện các nội dung của Đề án đã được phê duyệt đúng quy định.

Để thực hiện các mục tiêu đề ra trên, thời gian tới, tỉnh Hưng Yên sẽ tập trung ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ kinh phí triển khai công tác thả giống thủy sản, phóng sinh ra nguồn nước tự nhiên nhằm tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025. Hỗ trợ đầu tư phát triển nuôi thủy sản thâm canh trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025. Hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở chế biến thủy sản đông lạnh tỉnh Hưng Yên công suất 3-5 nghìn tấn/năm.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác